Lập nghiệp từ nghề may gia công
Gắn bó nhiều năm ở các công ty lớn, nhưng có lẽ đến khi về quê, mở xưởng sản xuất riêng, chị Nguyễn Thị Vấn mới thỏa được niềm đam mê may quần áo của mình. Hơn thế, chị còn mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo được việc làm cho 20 lao động ở địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Xuân Quý (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ), ý thức được sự khó khăn và vất vả của gia đình thuần nông, chị Vấn sớm tìm cho mình công việc ở một công ty may để kiếm thêm thu nhập. Gần 40 tuổi, nhưng chị đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Trong khoảng thời gian ấy, chị đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, từ công nhân cho đến quản lý. Dù làm ở đâu, công việc gì, chị vẫn luôn cần mẫn, miệt mài tích lũy kinh nghiệm, nuôi giấc mơ có một xưởng may cho riêng mình. Lòng say nghề cùng đôi bàn tay khéo léo đã giúp chị có thêm quyết tâm trở thành “bà chủ nhỏ”.
Gom góp vốn, vay mượn thêm của người thân, năm 2015, chị cùng chồng mở một tổ hợp may tại nhà. Ban đầu, xưởng chỉ có vài chiếc máy may, một chiếc máy vắt chỉ, một chiếc máy dập nút, bàn là hơi và máy vắt sổ... Số lượng nhân công cũng chỉ vỏn vẹn 7 người, kể luôn vợ chồng chị. Cơ sở của chị Vấn chủ yếu may áo khoát xuất khẩu.
Chị Vấn cho biết: “Sau khi nhận mẫu đặt hàng, chúng tôi đặt mua nguyên vật liệu rồi chia ra nhiều khâu để may thành phẩm, từ cắt, may, đến ráp thân, đóng gói... Có mẫu thì 3 - 4 khâu, có mẫu phức tạp hơn tới 5 - 6 khâu may hoặc nhiều hơn. Đây là loại áo xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản nên đòi hỏi chất lượng rất cao, đường may tỉ mỉ, không sai sót, mẫu mã phải đẹp và vải phải đảm bảo độ bền cao”.
Hàng xuất đi được đón nhận và có phản hồi tích cực, thị trường ngày càng mở rộng. Sẵn kinh nghiệm, đam mê cộng thêm chút “liều lĩnh”, tháng 5.2017, chị mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Sơn Thủy, nối tiếp giấc mơ của mình. Chị Vấn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất với số tiền lên đến gần 500 triệu đồng, sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi đơn hàng có giá trị từ 100 – 300 triệu đồng, thời gian hoàn thành từ 1 – 3 tháng.
“Cái khó nhất là vốn đầu tư. Hai vợ chồng đi lên bằng bàn tay trắng. Trong khi đó, cơ sở vật chất cho xưởng không thể thiếu. Một chiếc máy, đôi khi chỉ dùng riêng cho một công đoạn, ở một đơn hàng nhất định, giá vài chục triệu đồng cũng phải mua. Mua dùng xong đợt hàng này thì bỏ đó, phải đến vài tháng sau, có khi cả năm sau mới đụng đến, coi như vốn đứng im đó, không sinh lợi nhuận” – chị Vấn chia sẻ.
Hiện tại cơ sở của anh chị đã giải quyết việc làm cũng như đào tạo nghề cho 20 lao động tại địa phương, 5 lao động ngoài xã. Ngoài ra còn có gần 10 lao động nhận gia công sản phẩm tại nhà. Chị Vấn cho biết, tiền công của thợ may được chia theo mức độ khó hay dễ của công đoạn thực hiện và số lượng sản phẩm làm được.
“Nghề may gia công cũng tương đối đơn giản. Người không biết may chỉ cần học khoảng một tháng là đã có thể may được; những thợ mới thường được giao ngồi ở công đoạn dễ hơn để chị em làm quen, rồi tiếp cận dần các công đoạn khác để thợ đồng đều về tay nghề rồi có thể thay đổi nhau. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ. Nếu cố gắng, trung bình, mỗi người có thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng” – chị Vấn nói.
Ngoài việc tạo điều kiện cho chị em việc làm tại xưởng may, vợ chồng chị Vấn coi công nhân như người thân, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, anh chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống. Một số công nhân khi gặp hoạn nạn, vợ chồng chị giúp họ vượt qua khó khăn.
Chị Lê Thị Minh Tuyền (SN 1993, ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) là một trong những lao động gắn bó với xưởng may nhiều năm nay cho biết: “Được học nghề xong tôi làm luôn, công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Chị Vấn luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho mỗi công nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm vừa có thời gian chăm sóc con nhỏ”.