Khởi nghiệp từ sản vật làng biển

KIỀU LY 21/05/2018 13:54

Sau những năm tháng bôn ba với cuộc mưu sinh, Ngô Hoàng Diễm Hằng (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) trở về quê hương, bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp của mình bằng chính những sản vật làng biển… 

Xưởng chế biến cá khô của chị Hằng tạo việc làm ổn định cho 2 lao động và khoảng 30 lao động thời vụ. Ảnh: KIỀU LY
Xưởng chế biến cá khô của chị Hằng tạo việc làm ổn định cho 2 lao động và khoảng 30 lao động thời vụ. Ảnh: KIỀU LY

 Bước qua thử thách

Những khó khăn bắt đầu ập đến với cô sinh viên Diễm Hằng khi ba bệnh nặng qua đời. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ, Hằng đành bỏ dở giấc mơ đại học, chọn theo học ở một trường cao đẳng gần nhà để đỡ đần cho mẹ, vốn phải vất vả tảo tần nuôi hai chị em. Ra trường, được một công ty nhận vào làm với mức lương ổn định, nhưng đến khi lập gia đình, một lần nữa Hằng đành phải nghỉ việc, ở nhà chăm con vì lý do sức khỏe.

Những vất vả không dập tắt được khát khao của cô gái làng biển nhỏ nhắn. Trong thời gian chăm con, Hằng bắt đầu tập tành bán hàng “online”, một hình thức kinh doanh khá tiện lợi mà nhiều bà mẹ trẻ chọn lựa thời điểm ấy. Suy nghĩ phải tìm kiếm một sản phẩm giản đơn nhưng phù hợp với nhiều gia đình, nguồn hàng ổn định, Hằng quyết định chọn chính những sản phẩm của quê hương mình: cá khô, mực khô Tam Tiến. Nhờ người mẹ vốn có nhiều năm thu mua mặt hàng này phân phối cho những cửa hàng bán lẻ, Hằng quyết định dùng sản phẩm mẹ thu mua được để bán hàng trực tuyến.

Nhưng những món hàng truyền thống này lại không hút khách, khi nhiều người tiêu dùng quen với việc ra chợ, vào các cửa hàng nhỏ để mua cá khô, mực khô, Hằng suy nghĩ tìm cách chế biến những thứ sản vật này, vừa nâng cao giá trị của chúng, vừa dễ tiêu thụ hơn khi bán ra thị trường. Nghĩ là làm, chị mày mò, tìm công thức, rồi thử nghiệm chế biến đồ khô thành những món rim mặn ngọt, bán theo từng hũ, vừa mới lạ lại vừa tiện lợi.

Nghĩ thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm, muôn vàn khó khăn xuất hiện. Do theo mùa vụ đánh bắt khiến nguồn nguyên liệu không ổn định, giá cả bấp bênh. Chưa kể, sản phẩm qua chế biến hoàn toàn bằng thủ công, không sử dụng chất bảo quản, chất tạo hương vị nên thời hạn sử dụng khá ngắn, chỉ khoảng 10 ngày. Những ngày đầu, vì chưa có nhiều kinh nghiệm, sản phẩm cá khô, mực khô qua chế biến chưa đạt yêu cầu, nhiều mẻ bị hư hỏng. Nhiều phen lỗ vốn, cộng với việc con cái vướng bận, khoảng thời gian rảnh khá eo hẹp trở thành một thử thách không nhỏ với chị. Có lúc, khách tìm đến đặt hàng, nhưng Hằng buộc phải từ chối vì sợ không đáp ứng được yêu cầu.

Chính sự động viên của gia đình đã trở thành sức mạnh để chị bước qua khoảnh khắc khó khăn đó. “May mắn, bên tôi còn có chồng và mẹ, họ luôn động viên, đồng hành với tôi trong việc chế biến, thử nghiệm sản phẩm. Với lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào được thu mua và làm sạch hoàn toàn bằng thủ công ngay khi người dân quê tôi đánh bắt về nên vẫn giữ được độ tươi ngon của hải sản. một chút bí quyết của mẹ truyền lại kết hợp với những điều mới mẻ học được trên internet, cuối cùng tôi cũng thành công, sản phẩm bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng” - chị Diễm Hằng kể.

Mở rộng thị trường

Sau một năm, những bước chân trên chặng đường kinh doanh đầy khó nhọc của chị Diễm Hằng giờ đã vững vàng hơn. Hiện tại, một tháng bình quân chị bán được 5 tạ cá, mực khô, hơn 100 hũ cá, mực rim, thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng/tháng. Vào những ngày lễ tết, đơn hàng tăng lên với số lượng 2 tấn cá, mực khô, hàng nghìn hũ cá, mực rim, thu lợi hàng chục triệu đồng. Từ đầu ra là một vài người thân, bạn bè quen biết, sản phẩm của chị giờ đã được rất nhiều người biết đến, có mặt trên 20 tỉnh thành với thương hiệu riêng: cá khô, mực khô “Cô Ký”. “Đó là tên của mẹ tôi, người đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Lấy tên mẹ làm thương hiệu của sản phẩm như một lời cảm ơn của tôi gửi đến bà, cũng như tạo động lực để tôi cố gắng hơn nữa” - Chị Hằng bày tỏ.

Không chỉ giúp mình vượt qua khó khăn mà chị Diễm Hằng còn tạo việc làm cho nhiều người dân cùng quê, giúp họ có được thu nhập ổn định hơn so với công việc buôn bán cá mắm bấp bênh ở vùng biển đầy khó nhọc này. Trong đó có 2 người làm ổn định với tiền lương 3,6 triệu đồng/người/tháng và khoảng 30 lao động thời vụ với tiền công 200 nghìn đồng/ngày. Cô Nguyễn Thị Song (cùng quê với chị Hằng, người được chị Hằng tạo công việc làm ổn định), cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chồng làm biển, tôi phụ chồng bán cá, thu nhập bấp bênh, nhiều khi phải chạy vạy để nuôi ba đứa con ăn học. Hơn một năm nay, nhờ đến làm việc tại chỗ của Hằng mà tôi có thu nhập ổn định hơn, bớt đi những bấp bênh của nghề biển trước đây. Nhờ đó, con tôi được ăn học đầy đủ hơn, gia đình cũng thong thả hơn rất nhiều”.

Nhờ sự chịu thương chịu khó, tìm kiếm những nguồn nguyên liệu tươi ngon mà giá cả lại cạnh tranh, mở nhiều kênh phân phối mà cơ sở chế biến hải sản của chị Hằng đang được rất nhiều người biết đến và ngày càng phát triển. Không dừng lại ở mô hình kinh doanh ở địa phương, chị Diễm Hằng đang ấp ủ mong ước mở một showroom trưng bày những sản vật làng biển. “Tôi muốn góp sức để giới thiệu sản vật quê hương mình đến với nhiều nơi hơn trên cả nước, đồng thời khẳng định lại giá trị của nghề truyền thống ở nơi mình sinh ra và lớn lên. Đây cũng là cách để bản thân mình tự vươn lên, tri ân gia đình và quê hương đã nuôi mình khôn lớn, trưởng thành” - chị Hằng tâm sự.

KIỀU LY

KIỀU LY