Khởi nghiệp từ vườn ao chuồng

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 06/11/2017 09:22

Về thôn Đàn Thượng (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) hỏi ông Phan Như Phi hầu như ai cũng biết. Ông không chỉ là Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban nhân dân thôn năng động mà còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và tấm gương tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp.

Ông Phi tham gia thực hiện các công đoạn sản xuất phân vi sinh.Ảnh: N.Đ.NGỌC
Ông Phi tham gia thực hiện các công đoạn sản xuất phân vi sinh.Ảnh: N.Đ.NGỌC

Từ chăn nuôi heo rừng

Ông Phan Như Phi sinh năm 1968, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đàn Thượng. Đã từng làm Bí thư Đoàn xã Tam Lãnh, Thường vụ thường trực Thị đoàn Tam Kỳ (nay là Thành đoàn Tam Kỳ) từ những năm thập niên 90. Năm 1999 ông về địa phương làm Ủy viên UBND xã, rồi làm cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban nhân dân thôn. Công việc tuy nhiều, nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi ông tập trung phát triển kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng). Đang mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi heo rừng thì năm 2007 nhận được thông báo của Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Phú Ninh khuyến khích nông dân chăn nuôi động vật hoang dã thông thường, tạo động lực để ông thực hiện được ước mơ của mình. Qua tìm hiểu, nhận thấy hội đủ các điều kiện, ông Phi quyết định xây dựng kế hoạch và đăng ký chăn nuôi heo rừng. Ban đầu ông được cơ quan chức năng cho đi tham quan các mô hình chăn nuôi heo rừng ở các địa phương khác và được Nhà nước hỗ trợ 40% giá trị con giống. Đầu tháng 12.2007 ông Phi tiến hành xây dựng chuồng trại và mua 8 con heo giống gồm 2 con đực, 6 con cái với tổng kinh phí hơn 75 triệu đồng. Từ số “vốn” ban đầu này, trong 10 năm qua ông Phi đã bán ra thị trường gần 300 con heo giống và hơn 400 con heo thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động.  Hiện nay, tại 2 cơ sở chăn nuôi của ông Phi đang có 17 con heo nái, 2 con heo đực, 80 con heo con và heo thịt, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ý nghĩa hơn là qua 10 năm ông Phi đã nhân rộng được 15 hộ chăn nuôi heo rừng với tổng cộng 53 con heo nái, 14 con heo đực và 193 con heo con, nâng tổng đàn lên 260 con. Không chỉ chủ động cung cấp con giống mà thời gian qua ông Phi còn chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật về chăn nuôi thú y và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp các hộ an tâm chăn nuôi phát triển đàn heo rừng.

Đến sản xuất phân vi sinh

Cuối năm 2015, ông Phan Như Phi là một trong 45 học viên được UBND xã cử dự lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh do Sở Khoa học & công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại xã Tam Lãnh. Qua lớp tập huấn, nhận thấy đây là việc cần phải làm nên ông tập trung xây dựng nhà xưởng, đào tạo nhân lực và bắt tay vào việc sản xuất phân vi sinh ngay trên quê hương của mình. Áp dụng kiến thức đã học, ông Phi đã sản xuất thành công mẻ phân vi sinh đầu tiên, được Sở Khoa học & công nghệ kiểm tra công nhận sản phẩm đạt chất lượng. Tuy nhiên, để kiểm chứng và tự đánh giá chất lượng sản phẩm do mình làm ra, ông phải đưa phân vào bón thí điểm trên cây lúa. Qua 3 mùa làm thí điểm nhận thấy lá cây lúa dày và cứng, ít sâu bệnh, không ngã đổ, năng suất cao, giảm chi phí so với các loại phân vô cơ..., đầu năm 2016, ông mạnh dạn đầu tư sản xuất với số lượng lớn và được nông dân tiêu thụ rộng rãi. Năm 2016 cơ sở sản xuất phân vi sinh của ông Phi đã bán ra thị trường được hơn 25 tấn với giá 3,5 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, còn lãi ròng hơn 800 nghìn đồng/tấn. Phát huy hiệu quả đạt được, năm 2017 ông Phi tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, thu gom các loại sản phẩm nông nghiệp, lá cây các loại sẵn có tại địa phương, nhất là nguồn phân heo rừng tại 2 cơ sở chăn nuôi hiện có của gia đình. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2017, ông đã đặt bao bì, thùng đựng rác tại các cơ quan, trường học, các khu dân cư để thu gom rác thải hữu cơ về chế biến góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, được cán bộ và nhân dân địa phương ủng hộ tích cực. Qua đó, từ đầu năm đến nay cơ sở của ông đã xuất bán ra thị trường 4 tấn và đang ủ 15 tấn, dự kiến đầu tháng 10 sẽ đóng gói và xuất bán. Nhờ thực hiện mô hình hiệu quả, cơ sở sản xuất phân vi sinh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, cơ sở sản xuất phân vi sinh của ông Phan Như Phi là mô hình đầu tiên và duy nhất trên địa bàn xã. Tuy sản xuất với số lượng lớn nhưng mới đủ cung cấp cho các cơ sở ươm cây con giống và một số diện tích lúa nhỏ lẻ. Nếu không đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, e rằng thời gian đến sẽ không đủ phân để cung cấp khi cánh đồng mẫu về sản xuất lúa chất lượng cao đang hình thành. Trước tình hình đó, địa phương đang tạo mọi điều kiện để ông Phi phát triển sản xuất phân vi sinh đáp ứng nhu cầu của thị trường.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC