Khói hương giữa trầm mặc cây rừng
(VHQN) - Từ chợ Trung Phước (Quế Trung, Nông Sơn) chạy về hướng xã Sơn Viên, gần đến cổng có ghi Tổ đoàn kết số 1 thôn Trung Yên, nhìn phía bên trái, giữa bạt ngàn ruộng trải thảm xanh dọc chân núi, thì có mảnh rừng um tùm chừng sào đất lồi ra phía ruộng như cú uốn lượn bất ngờ…
Ông Hồ Vinh Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Trung Yên không giấu được ngạc nhiên khi tôi hỏi chỗ nghĩa trủng của thôn.
“À, đó là nơi thờ cúng âm linh, cả những ai không có người thân mà có mồ mả, cứ 25 tháng Chạp là cả làng cả thôn, người nơi khác cũng dự, tùy lòng hảo tâm mà góp để lo việc thờ cúng, tuyệt đối không bỏ. Nhưng mà cái này phải hỏi thêm người già, may ra họ có biết chi hơn”.
Lịch sử luôn đi liền với ký ức, mà hình như nó chỉ đóng đinh đâu đó ở vài ba chỗ tựa được, và điều đó là gì, nếu không phải là những cái nhìn đau đáu hay ngưỡng vọng, chiêm bái, ký thác vào đó những ước vọng bất diệt cùng thời gian. Bởi, nói như một nhà văn, con người là con vật mau quên nhất.
Ông Đồng Khoái - người già trong làng nhớ lại: “Hồi Việt Minh, đó là cái đình, cũng gọi là nghĩa trủng, bị Pháp thả bom cháy, tiếp qua hồi Mỹ phá cháy lần nữa. Tôi nhớ cột đình to một vòng ôm.
Hồi đó cực khổ quá, ở đây bà con tản cư ra chợ Trung Phước hết, còn ít người bám trụ, kiếm cây lá dựng sơ cái chòi để có chỗ thắp hương, chứ đâu bỏ mặc được, thấy có lỗi và tội lắm. Năm mô cũng cúng, nhiều ít đều có”.
Khó! Thật khó khi lý giải tâm thức nhân gian, khi họ mặc định trách nhiệm, bổn phận có tên là... Đạo Đức khi nghĩ và tưởng nhớ tiền nhân hay ai đó đã chết mà không có nơi hương khói.
Họ không cần chứng minh, chỉ tin, ngoài ra còn trời, thần và thế lực khác. Tôi nhớ một người già Cơ Tu nói rằng, ngày trước bà con tin và sợ thần linh lắm, nên họ rất đàng hoàng! Mà nghĩa trủng này xem ra cũng nổi nênh như đời dân.
Ông Cao Tấn Bốn, người tham gia lễ cúng tại đây trong vai trò là người chơi nhạc cổ, kể: “Trước đây là 16 tháng Giêng, nhưng sau này thống nhất là 25 tháng Chạp. Ông già tôi kể, ngay đó hồi chiến tranh là lò rèn đúc súng của Việt Minh. Cán bộ, bộ đội chết ở đó quá nhiều. Bà con thương quá, lập nghĩa trủng để cúng, làm lễ tế luôn cho các gia tộc. Đó là lệ làng, tuyệt đối không bỏ!”.
“Nội dung lễ cúng là chi?” - tôi hỏi. “Cầu an cho người hy sinh siêu thoát; dân làng này bình yên, may mắn, làm ăn no đủ. Nghĩa trủng này số phận cũng trôi nổi. Thời Mỹ thả bom, cháy sạch, chỉ còn cái giếng. Cả xã Quế Lộc cũng cúng ở đây. Giải phóng ra, không có chỗ thờ, làng phải ra nghĩa trủng bên khe (hiện nay là địa phận xã Quế Lộc) để cúng.
Đến năm 2008 chia tách Quế Lộc, Sơn Viên, tụi tôi qua Quế Lộc xin rước bát nhang về lại bên ni, nó trở lại thành nơi cúng chính. Tụi tôi ước mong có nhà tài trợ giúp bà con xây cho đàng hoàng để thờ cúng thêm uy nghiêm, chứ bà con thì khó khăn kinh tế quá” - ông Bốn nói.
Tôi theo ông Sơn vào đó. Trên gò đất cao lớn, cây cối um tùm, mái tôn đơn sơ che chắn gió mưa mấy bát nhang đặt trên bệ. Quế Lộc xưa, từng là nơi có căn cứ của Nghĩa hội, tiếp đến suốt dặm dài của lịch sử, đất này chứa trong lòng đó bao xiết ánh mắt của người đã khuất vì nghĩa lớn, vì cơn tao loạn chiến tranh.
Tôi đứng đó, nghĩ về những tự nguyện lòng dân. Cái gì họ có thể quên, chứ người chết, khó lắm, bởi chắc chắn có sợi dây vô hình thúc đẩy họ qua khói hương mà kết nối. Thời thế có đổi thay, nhưng lòng người khó lay. Thắp nén nhang trong xôn xao đông tàn xuân đến, như một lời mời hội ngộ, làm được điều đó, hẳn là hoan hỷ? Giữa trầm mặc cây rừng, nó cũng là một chỗ dựa.
Cúng cho người đã khuất, nghĩ cho cùng là gửi trong đó tâm tư của hiện tại. Một nén nhang thông linh, bóng người xòa đi dưới bóng rừng, hình như sẽ bớt lẻ loi và thêm niềm tin cho người ở nơi sơn cùng thủy tận này.
Có biết bao nghĩa trủng trên đất này, không bề thế, thậm chí vô danh, nhưng tấm lòng với người đã khuất, không đong đếm cân đo được. Văn hóa là gì, nếu không phải bắt đầu từ những suy tưởng, như những người già ở trên đã nói “đâu bỏ mặc được”, “tuyệt đối không bỏ”…