Nhớ xưa, hội vây cọp
(Xuân Nhâm Dần) - Tổng Phước Lợi (nay là huyện Tiên Phước) hồi nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước nổi tiếng lắm cọp dữ. Để gìn giữ bình yên cho thôn xóm, người dân đã liên kết tổ chức “Hội vây cọp” với cách thức rất chặt chẽ.
Hội vây thường có quy mô lớn, có năm lên đến cả ngàn người. Khoảng thời gian diễn ra hội vây không cố định, có khi chỉ từ 5 - 7 ngày, nhưng nếu gặp con cọp tinh ranh thì có thể kéo dài từ 10 - 15 ngày hoặc cả tháng.
Khi phát hiện cọp về làng phá phách, trưởng làng sẽ cho tiến hành xác định nơi ẩn nấp của cọp rồi thông báo lại cho lý trưởng hay chánh tổng. Sau khi xem xét tình hình, lý trưởng vạch kế hoạch vây cọp, chánh tổng sẽ quyết định về thời gian, địa điểm, đồng thời ra lệnh cho các xã sở tại và các xã lân cận tiến hành những thứ cần thiết để phục vụ hội vây cọp.
Sau khi nhận được tin báo về nơi trú ẩn chính xác của cọp, lý trưởng phát động dân làng phát quang cây cối, làm hàng rào tre tạo thành một hành lang rộng chạy vòng quanh khu vực cọp ẩn nấp. Phía ngoài những cọc tre này có dựng các cọc lớn, phía trong giăng bẫy bằng dây thòng lọng được làm từ tre non rất dẻo, nếu cọp đạp phải sẽ bị mắc vào cổ hay chân.
Khi màn đêm buông xuống, dân làng sẽ đốt lửa sáng rực quanh núi, làm cho cọp hoảng sợ co cụm lại. Trong trường hợp nếu không kịp dựng hàng rào, người dân sẽ tạm thời dùng những tấm lưới lớn làm bằng da trâu ngâm nước để tiến hành vây cọp.
Mỗi làng, xã được giao một khu vực riêng và có trách nhiệm bảo vệ khu vực ấy. Những trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm về săn bắt thú, sử dụng thành thạo các loại vũ khí giết cọp như móc nhọn, mác dài hoặc giáo dài mới được tuyển chọn vào hội vây cọp.
Trong quá trình vây bắt, ban tổ chức có một số quy định chặt chẽ đối với người tham gia như: không được mặc đồ đen, nếu không sẽ trở thành đối tượng đầu tiên bị cọp vồ; chỉ mặc quần đùi, áo cánh để dễ dàng xoay xở; khi chưa có lệnh thì không manh động để tránh xảy ra tai nạn cũng như gây động khiến cọp chạy mất...
Khi việc chuẩn bị cơ bản xong và cọp đã ở trong tầm kiểm soát, chánh tổng sẽ cho người đi mời tri huyện về dự. Khi tri huyện đánh trống khai hội cũng là lúc hội vây cọp bắt đầu. Tiếng trống, chiêng, phèng la, mõ, tiếng hò reo... vang vọng cả núi rừng.
Các cụ cao niên ở Tiên Phước cho hay, hội vây cọp là thời gian thư giãn nhất của người dân. Họ tạm quên đi vất vả đời thường, mang theo đồ ăn thức uống lên núi để giao lưu hát đối đáp, thi thố các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy...
Khi mọi người đã thấm mệt sau những ngày nhiệt tình hò reo, ca hát, cũng là lúc cọp đã mất hết sự hung hãn thì tri huyện ra lệnh bắt cọp, kết thúc hội vây. Thanh niên dàn ra đứng xung quanh hàng rào.
Mỗi người cầm trên tay một chiếc dụ hay giáo dài, rồi bắt đầu siết chặt vòng vây. Cọp tháo chạy, gặp vòng vây ken dày liền nhảy lên sẽ mắc chân vào vòng và bị đâm tức khắc hoặc bị tấm lưới da trâu tóm gọn. Phần thưởng là con cọp bị giết hoặc bị bắt sẽ thuộc về xã sở tại, cho dù xã đó có trực tiếp giết được cọp hay không.
Hội vây cọp diễn ra lần cuối cùng vào năm 1952 tại xã Tiên Thọ. Kể từ đó đến nay, hội vây cọp không còn.