Kho tàng quý báu

LÊ QUÂN 17/05/2020 06:11

Nghệ thuật dân gian đang được khơi gợi nhiều hơn mỗi ngày, vì những giá trị đặc biệt. Nó lưu truyền tinh thần sống hứng khởi trong các trò chơi dân gian, sự lao động hăng say qua các câu hò điệu lý của những người bà người mẹ... Và nó là một gia tài đồ sộ cần nhận chân.

Đưa các loại hình VNDG biểu diễn tại các khu du lịch cũng được xem như một trong các phương cách để quảng bá và lưu giữ các giá trị quý báu này.
Đưa các loại hình VNDG biểu diễn tại các khu du lịch cũng được xem như một trong các phương cách để quảng bá và lưu giữ các giá trị quý báu này.

Gia tài của đất

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian (VNDG) Hoàng Hương Việt, nguyên Chủ tịch Hội VNDG Đà Nẵng rất say mê và nhiều lần chia sẻ câu chuyện về văn hóa, VNDG đất Quảng.

Ông cho rằng: “Sự quyện chặt của chiều sâu văn hóa, tiềm ẩn những giá trị nhân văn, tâm linh và bản sắc còn chìm ẩn trong cuộc sống, sinh hoạt của mọi người, được biểu hiện trong thơ ca hò vè có sức sống sâu nặng vô cùng”.

VNDG làm nên phần hồn cốt của chính vùng đất đó, và cả những ký ức vui vẻ, hài hước. Đó là phần lớn những giá trị văn hóa phi vật thể được nằm lòng trong mỗi thế hệ và lưu truyền từ nhiều đời.

Trong một cuộc hội đàm về văn hóa Quảng Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, mỗi vùng đất đều có sự tích lũy của văn hóa, đều có một kho tàng văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá tiềm tàng trong dân.

“Ở Quảng Nam, văn hóa, VNDG có một ý nghĩa quan trọng. Các hình thức dân ca như hò vè, hát lý, hát bài chòi, hát bả trạo, hát đối đáp, hát ru, đặc biệt là hát bội... đã bộc lộ được tình cảm, tâm hồn cốt cách người dân xứ Quảng... Bắt đầu có thể bằng lời ru của mẹ, của bà “ầu ơ, chiều chiều đổ lúa ra quây, bậu về xứ bậu, lúa này ai tuôn?”, hay “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”... Rồi sau đó là những câu đồng dao, những bài vè hồn nhiên sôi nổi, những lần hội hè, đình đám đánh thức sự cộng cảm, cộng cư, cộng mệnh trong mỗi con người” - nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hòa nói.

Diện mạo của kho tàng di sản văn hóa, VNDG xứ Quảng khá đa dạng, đồ sộ. Đã có nhiều nhà nghiên cứu “cày xới” mảng này và “thu hoạch” được phần nào những giá trị quý báu còn lưu truyền.

Nhà nghiên cứu Trần Văn An nói, trong nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng các cơ quan chuyên môn cùng một số cá nhân cũng chỉ mới sưu tầm, phổ biến được một phần nhỏ của di sản.

“Công tác kiểm kê, nhận diện từng loại hình gắn với từng cộng đồng chủ thể cũng chỉ mới được khởi động trong một vài năm gần đây và cũng chỉ với những loại hình nổi trội dễ nhận diện. Còn lại phần lớn vẫn nằm trong đời sống của các cộng đồng dân cư ở các bản làng, thôn xóm mà chưa được kiểm kê, nhận diện. Chi hội VNDG (thuộc Hội VHNT Quảng Nam) được thành lập từ năm 2012 cũng chưa làm được gì nhiều để thực hiện mục tiêu sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy về vốn văn hóa, VNDG xứ Quảng. Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa đang từng ngày từng giờ tác động mạnh mẽ vào cuộc sống của các cộng đồng dân cư ở các bản làng, thôn xóm dẫn đến tình trạng làm mất dần đi sức sống và bản sắc riêng có của các hình thái di sản văn hóa phi vật thể” - nhà nghiên cứu Trần Văn An nói. 

Hô hát bài chòi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hô hát bài chòi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Lưu giữ

Có những dấu hiệu đáng mừng vui từ sự quan tâm của các thế hệ và đối tượng khác nhau đối với các giá trị có thể xem như gia tài của vùng đất, là tâm thức văn hóa của xứ Quảng.

Từ Hội An đã phát huy khá tốt vốn VHDG của cộng đồng cư dân phố cổ để phát triển du lịch từ nhiều năm nay, hẳn đã không cần nhắc lại. Riêng với các địa phương như Duy Xuyên, Điện Bàn, việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian truyền thống, chú trọng công tác sưu tầm những làn điệu dân ca, hò vè, ca dao, tục ngữ còn lưu truyền trong dân gian để xuất bản sách... đã được đề cao.

Ngành văn hóa Duy Xuyên đã phối hợp với Phòng GD&ĐT và các địa phương đưa chương trình dạy hát dân ca, nghệ thuật tuồng vào trường học; khôi phục được các đội hát sắc bùa, hô hát bài chòi… Nhiều lễ hội, loại hình nghệ thuật truyền thống được từng bước bảo tồn, khôi phục, qua đó các giá trị VHDG trong cộng đồng được phát huy hiệu quả. Chưa kể, các các xã xây dựng nông thôn mới, các CLB đàn và hát dân ca được thành lập, hoạt động thường xuyên...

Ở đâu và lúc nào, nghiên cứu văn hóa, VNDG cũng cần đi vào cuộc sống, chứ không dừng lại là những công trình nghiên cứu xong để đó, hay những cuộc “bảo tồn trên giấy”. Hẳn ai cũng đã rõ điều này. Kỳ vọng vào câu chuyện đưa được VNDG vào đời sống của các thế hệ tiếp nối, không chỉ phụ thuộc vào các nhà nghiên cứu, ngành văn hóa, ngành giáo dục hay bất cứ ai được điểm tên. Đó là ý thức của mỗi người, một khi xem những giá trị VNDG là chỉ dấu tự hào của chính dân tộc, chính vùng đất mình.

LÊ QUÂN