Đi con đường khác biệt

MINH KHÔI 19/04/2020 04:37

Không chờ đợi những cuộc “giải cứu”, rất nhiều sản phẩm văn hóa đã đi một con đường khác để giữ cho mình vị thế giữa bao nhiêu cuộc đổi dời. Trong cơn khủng hoảng chung, những giá trị văn hóa đã thành bản sắc sẽ là “chiếc nạng” để con người tựa vào và vịn nhau qua những khó khăn...

Văn hóa vùng cao cần được nhận diện đúng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Văn hóa vùng cao cần được nhận diện đúng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Khá nhiều cuộc nghiên cứu lẫn những phát ngôn của nhiều nhà văn hóa báo động về tình trạng phai lạt bản sắc văn hóa của người vùng cao. Đặc biệt, điều này diễn tiến khá mạnh trong chính lớp trẻ - những người sẽ là hậu duệ để làm công việc bảo tồn vốn liếng của chính dân tộc mình. Sự phai lạt không chỉ vì những chỉ dấu về phong tục, cách sống dần dần bị trộn lẫn bởi nhiều nền văn hóa khác.

Điều nguy hiểm nhất, theo chia sẻ của một nhà dân tộc học đã khuất, chính là sự so sánh, mang nền văn minh của mình đi đối sánh với các giá trị khác của một dân tộc khác. Và xem đó như chuẩn mực để thay đổi, hay hướng tới.

Các bạn trẻ ngại ngần với trang phục truyền thống. Hay những hội lễ với tiếng chiêng chỉ dành cho một vài đối tượng nhất định. Cuộc “khủng hoảng bản sắc” không diễn ra với tốc độ nhanh để số đông có thể nhìn thấy được. Nó từng bước diễn ra ở mỗi cá nhân, để lan dần ra một cộng đồng.

Bà Lê Thị Thủy - nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thậm chí đã vài lần cho rằng, giới trẻ vùng cao hiện nay không quan tâm mấy đến nền văn hóa của dân tộc mình, chữ viết đã không còn được học, trang phục, nhạc cụ của đồng bào mình đã không được để tâm. 

Trong khi đó, một cuộc xâm lấn khác, trong chính cuộc sống của người vùng cao. Nhạc sĩ Dương Trinh chia sẻ, lâu nay việc bảo tồn và phát huy văn hóa đã có nhiều nghị quyết, đủ thấy vai trò vị trí của văn hóa đồng bào đã được quan tâm. Tuy nhiên, sự đầu tư dàn trải, dẫn đến nhiều hoạt động không hiệu quả.

“Đồng bào được mấy người đi học về văn hóa. Vai trò của văn hóa quần chúng đang mất dần, nếu có người đi học thì lại học về quản lý văn hóa. Ai cũng học về du lịch, nhưng nếu không có điểm văn hóa thì làm thế nào để du lịch?” - nhạc sĩ Dương Trinh nói.

Chuyện đã cũ nhưng vẫn chưa thể giải quyết được. Ông Trinh nói thêm, nơi nào hình thành được nghề dệt truyền thống, nơi đó có trang phục đẹp. Nghệ nhân Hồ Văn Ly, xã Phước Mỹ, Phước Sơn chia sẻ, đã có vài người như ông đứng ra đi sưu tầm hiện vật cũng như các câu hát cổ của đồng bào ở ngay địa phương mình.

“Không ai làm cho mình, mình phải tự nghiên cứu, gìn giữ. Nghiên cứu bảo tồn phải từ người già. Thanh niên ở địa phương gặp vấn đề về tiếp cận, bản thân nghệ nhân muốn truyền lại cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn bảo tồn truyền thống phải có người già, và sự đồng lòng từ người trẻ” - ông nói.

2. Câu chuyện khủng hoảng bản sắc với người trẻ ở miền núi chỉ là một trong những điển hình của đời sống này. Có những chuẩn mực thành công mà tự thân người trẻ dựng nên, là những lung linh từ một cuộc đời khác.

“Nếu cuộc chụp bắt những hình ảnh lung linh ấy cho đời mình đã vô hình trở thành một thứ áp lực? Nếu những điều đó vô tình lại trở thành thứ định nghĩa ta?” - một người trẻ viết.

Và một dạng khủng hoảng bản sắc - bởi có quá nhiều so sánh, quá nhiều hình mẫu, trong khi chưa kịp xác lập hệ giá trị sống cho mình đủ mạnh. Nó như cuộc đối sánh giữa các nền văn hóa và tự ti với vốn liếng của chính mình vì xem các giá trị khác là một chuẩn mực, như chính câu chuyện mai một văn hóa miền núi hiện tại. 

Và giữa những đối sánh đó, có những hoạt động, dầu nhỏ, nhưng đã thắp lên tia vui để nhen nhóm hy vọng về những giá trị cũ sẽ được nhân lên. Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tổ chức đang vực dậy sản phẩm truyền thống và nghề đan lát của đồng bào Cơ Tu, chia sẻ, đây là hoạt động để đồng bào nhận ra sự vô giá về vốn liếng mình đang sở hữu. Nó sẽ tạo nên sinh kế từ chính sản phẩm bản địa, cũng là văn hóa truyền thống của mình. Mỗi một chiếc gùi, mỗi sản phẩm từ mây tre lá đều có những câu chuyện riêng từ bản thân nghệ nhân, cho đến người trẻ vừa học việc từ cha ông.

Đặc biệt, việc sản xuất loại sản phẩm gì phù hợp với bản sắc văn hóa đồng bào đều do người Cơ Tu tự quyết định. Mới đây nhất, trong phiên chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại châu Âu, các sản phẩm mây tre đan được thị trường đón nhận như một sản phẩm xanh - phù hợp với nhu cầu sống hiện đại. Và đường đi này đang được nhiều tổ chức khác bắt đầu với cộng đồng, như một cách để từng bước đưa văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào được nhận diện đúng vị trí trong đời sống của cả người bản địa.

MINH KHÔI