Ưu tư với núi

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 27/01/2020 07:13

(Xuân Canh Tý) - “Ăn rừng. Người Tây Nguyên ăn rừng, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao?”(Nhà dân tộc học George Condominas).

Miền núi Quảng Nam chắc chắn cũng có những tương đồng với Tây Nguyên về các đặc sắc văn hóa bản địa!

Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

1. Khi nói đến miền núi không thể nào quên được những câu thơ của Quang Dũng “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, heo hút đèo mây lá (hay súng) ngửi trời…”. Tôi đã từng đi trên 300 cây số đèo dốc ở độ cao 1.400m để đến được Di sản văn hóa thế giới Luang Prabang ở Lào hay vượt hàng trăm cây số đi vùng tây bắc Thái Lan, đến Tam Giác Vàng giáp Myanmar với những đèo dốc vời vợi. Trước đó nhiều năm, đâu khoảng 1984 - 1985 của thế kỷ trước, tôi theo đường rừng hàng chục cây số từ Bến Giằng trực chỉ hướng tây lên Chaval, Bốt Xít mà trên tay chỉ có cái rựa cùn, trước khi con đường 13 (nay là quốc lộ 14E) được mở ra…

Đó là những nơi mà ta gọi chung là miền núi, vùng cao, xứ Thượng... Đọc lại hồi ký của Chu Cẩm Phong những năm anh lăn lộn trên chiến trường phía tây Quảng Nam, có nói đến gian khổ nhưng liều lượng ít hơn niềm vui chiến đấu. Cả những nhân vật của Chu Cẩm Phong ở phía tây Quảng Nam là những người dân tộc thiểu số như thầy giáo Blup Dứ, chị cán bộ phụ nữ tên Nhuôm cũng tham gia cuộc chiến theo cách của họ.

Nhưng những con người đó họ sống bằng gì, sống ra sao? Tuy các tác giả ít đề cập nhưng loáng thoáng trong các tác phẩm văn học thời chiến cũng cho ta thấy, họ đốt rừng làm rẫy theo cách cuốn chiếu. Mỗi mùa lúa gặt xong thì bỏ cho cây mọc đến nhiều năm sau mới quay lại, khi đất đã trở nên màu mỡ. Còn cây lớn thì sao? Để đốn một cây rừng về làm nhà, người dân lấy rựa làm dấu và khấn vái thần rừng để xác nhận “chủ quyền” rồi trồng một cây khác đâu đó để thế vào. Cho đến khi cây làm dấu lớn lên có thể khai thác, họ mới đốn hạ. Nghĩa là lấy một cây của rừng phải trả lại cho rừng một cây khác!

2. Nhà dân tộc học người Pháp gắn bó với vùng cao Việt Nam đến 50 năm và viết “Ăn rừng đá thần Gôo” thì ta đã rõ. Nhưng ý kiến của ông ngoài những tác phẩm mang đậm chất văn trong nghiên cứu dân tộc học khiến ta cần phải nhìn lại những gì đã từng làm cho miền núi mấy mươi năm sau hòa bình. Nhân dịp trưng bày các hiện vật của ông tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông đã nói rất rõ quan điểm của mình với báo giới: “Người Tây Nguyên luôn sống hòa mình với thiên nhiên. Họ có những giá trị văn hóa không giống người Kinh. Chẳng hạn, họ không có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Vì thế, theo tôi, điều nguy hại nhất là việc áp đặt chủ quan giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác; hoặc đánh giá những giá trị của cộng đồng khác bằng con mắt của cộng đồng mình. Với việc bảo tồn, theo tôi, quan trọng nhất là bảo tồn những giá trị văn hóa có sẵn. Hãy tôn trọng những gì đã có chứ không phải “gia công” lại để cho nó đẹp hơn, nhưng trên thực tế, lại làm biến dạng nó”.

người miền núi. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Người miền núi. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Dẫn lại phát biểu này để đối chiếu những gì diễn ra ở các địa phương vùng cao, liên quan đến đời sống đồng bào thiểu số, như một “sự gia công” hoặc “áp đặt giá trị của một cộng đồng này lên một cộng đồng khác” vô tình phá đi lối sống hòa mình với thiên nhiên của họ: Chúng ta khai thác rừng đến cạn kiệt, xây dựng thủy điện tràn lan gây thiệt hại hàng vạn héc ta đất rừng nhưng không trồng lại diện tích tương ứng rồi chuyển họ đến các khu tái định cư rất xa những nơi họ đã có đất sản xuất. Chúng ta đưa xi măng sắt thép tôn lợp đến xây dựng các “nhà văn hóa dân tộc” hoàn toàn xa lạ và sau đó bị bỏ không. Ở chiều ngược lại, ngôi nhà làng của người Cơ Tu, người Giẻ Triêng ở những nơi tôi đến là công sức, tình cảm của mỗi cộng đồng gắn vào từng cây gỗ, tấm vách, miếng tranh, nên họ rất trân quý là vậy!

3. Khi con đường Hồ Chí Minh và các con đường xương cá đi qua các cộng đồng dân cư thiểu số ta thấy rằng phương tiện giao thông đã thuận lợi, việc lưu thông hàng hóa từ vùng cao về các chợ và ngược lại khá xuyên suốt tạo nên các kết quả tích cực. Thu nhập từ rừng của bà con thiểu số tăng lên đáng kể. Nguồn điện cũng vậy, ánh sáng giờ đã chan hòa các thôn bản.

Người miền núi cần gì hơn thế? Đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần tiếp tục đầu tư. Nhưng cần đầu tư có chiều sâu, có nghiên cứu kỹ lưỡng về địa chất, địa hình, thủy văn và một sự giám sát chặt chẽ để ngăn chặn tiêu cực… Đó là những vấn đề cần kíp xóa đi sự cách trở giữa vùng cao và miền xuôi, giúp ổn định đời sống vật chất. Văn hóa và đời sống tinh thần bản địa cần được gìn giữ và ngăn chặn mọi sự cưỡng bức không đáng có.

Con đường đến với miền núi lúc đó sẽ là một quá trình giao lưu thú vị. Lúc đó chiếc Lexus (tiến bộ của khoa học) sẽ về với miền núi và làm cho cành ô liu (văn hóa bản địa) tỏa hương - nói theo ngôn ngữ “toàn cầu hóa” của Fridman, tác giả cuốn “Chiếc Lexus và cành ô liu”!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG