Reo vui... trong ký ức
“Chúng ta hay nhắc về cái đã qua, chỉ vì nó quá đẹp hoặc chỉ vì nó sắp mất đi”... Và những trò chơi dân gian xứ Quảng, hình như bao chứa cả hai yếu tố đó, để nó luôn được gợi nhắc - nhất là khi tết nhứt đang cận kề.
Vốn liếng vô giá
Tri thức văn hóa văn nghệ dân gian, đặc biệt với vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển như xứ Quảng, vô cùng phong phú, đa dạng. Nhà nghiên cứu Trần Văn An chia sẻ, có rất nhiều lớp, tầng văn hóa văn nghệ dân gian liên quan đến nhiều tộc người, nhiều thời kỳ lịch sử, tạo thành kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. “Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể này ở Quảng Nam được thể hiện, biểu đạt ở nhiều loại hình, hình thái, gắn với nhiều cộng đồng chủ thể, mỗi hình thái có những đặc điểm và giá trị riêng” – ông An nói. Chính vì sự giàu có như vậy, có mải miết sưu tầm, kiểm kê, người ta vẫn chưa dám nói mình đã rành rẽ cái vốn liếng vô giá này.
Trò chơi dân gian thường có trong nghệ thuật trình diễn dân gian. Nhà nghiên cứu Trần Văn An chia sẻ, Quảng Nam là vùng đất đang lưu giữ, bảo tồn nhiều loại hình diễn xướng dân gian có giá trị đặc sắc mà thế giới đã biết đến như nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, trò chơi và hát bài chòi. Nhiều hình thức diễn xướng khác đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như hát bả trạo, hát lý và điệu múa tân tung, da dá của người Cơ Tu… “Ngoài ra trên mỗi vùng miền, mỗi địa bàn, các cộng đồng cư dân đang lưu giữ, thực hành nhiều hình thức diễn xướng khác nhau gắn với nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng tạo thành một bộ phận di sản diễn xướng dân gian vô cùng phong phú, độc đáo như hát sắc bùa, múa thiên cẩu, biểu diễn du hồ, hát bội. Trong đó, có cả trò chơi dân gian…” – ông Trần Văn An nói.
Trò chơi trong lễ hội như một bảo tàng sống về văn hóa đặc thù được lưu truyền, kế thừa qua thời gian. Những trò chơi theo dấu lưu dân, trong quá trình Nam tiến mở mang bờ cõi, đã biến thể theo đúng tinh thần lao động của người dân vùng đất. PGS-TS. Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) cho rằng, dầu rất nhiều sự đổi thay của thời đại, nhưng trò chơi dân gian vẫn có sức sống mãnh liệt. Dù là trò chơi của con trẻ hay người lớn, dành cho nam hay nữ, dù trò chơi trong đời sống hằng ngày hay trong lễ hội thì chúng đều có đặc điểm chung là luôn kích thích người chơi nỗ lực để vượt lên. Nó có những thế mạnh có thể cạnh tranh với các trò chơi hiện đại, đặc biệt trong môi trường lễ hội. Và vốn dĩ, trong trò chơi dân gian, về sâu xa là những thực hành trong quá trình lao động để cầu lấy những thuận lợi từ thiên nhiên, từ cầu mưa, cầu mùa, cầu đinh…
Trò quê phai nhạt
Thông thường, những ngày mùa xuân, Hội An là nơi chốn luộn rộn rã bước chân người tìm đến. Tại Vườn tượng An Hội, rất nhiều trò chơi dân gian dành cho trẻ em và du khách, từ ô làng, cờ gánh, gấp lá dừa, ô số, đá kiện, bầu cua tôm cá, giật cờ, nhảy dây... cuốn hút người chơi và xem vây quanh. Hình như họ đang tìm về ký ức tuổi thơ của mình. Những cái xuýt xoa không phải vì sự hơn thua trong cuộc chơi, mà dường như tự trong những nỗi nhớ vụt phát nên thanh âm, vì chính những nét tinh khôi của thuở ấu thơ làm nên mình của ngày hiện tại – khi chộn rộn giữa mùa xuân.
Có người vẫn nhớ cái không gian bãi cát của bến sông, chốn đầu nguồn, ở đó sẽ có bao nhiêu trò bày biện. Những cái chòi tre được dựng lên. Mùng hai tết năm nào đó, có cô gái nhỏ được mẹ dẫn lên đò sang làng bên, để đánh bài chòi. Rồi chưa hết, chợ quê ngày tết không bán buôn hàng hóa, mà bày trò chơi. Là bầu cua tôm cá rộn rã. Mỗi ván chỉ mấy ngàn đồng, ai cũng có thể tham gia. Có nhà nghiên cứu nói, tính hấp dẫn của những trò chơi ít nhiều mang tính sát phạt này của dân gian, vì nó mang cái mong muốn của người chơi có thêm tiền bạc của cải. Nó đầy tính bất ngờ, may rủi, biến hóa và đôi khi cả bất trắc.
Nhiều trường học bây giờ ý thức được vị trí của trò chơi dân gian trong hành trình bảo tồn văn hóa truyền thống. Nó giúp cho trẻ con của hiện tại có chút ít hiểu biết về ngày tháng cũ của cha ông mình, về những sinh hoạt dân gian của một nền văn minh lúa nước, nông nghiệp. Kéo co, cờ gánh, ô làng… được trẻ em tiểu học hào hứng tham gia. Đôi khi, cả người lớn cũng bị cuốn vào không gian của trẻ nhỏ.
Mùa xuân đang chạm ngõ. Nhiều địa phương đang lên kế hoạch chuẩn bị các hội lễ cho người dân chơi xuân. Sẽ có những gian bài chòi để người ta giục nhau tìm đến. Sẽ có bầu cua tôm cá rộn ràng. Nhưng khác, vì không gian và tinh thần người chơi không còn hồn nhiên như những ngày tháng cũ. Và cũng khác, vì âm nhạc điện tử xập xình, các trò giải trí hiện đại mang tính ăn thua rõ ràng… đang chiếm dần không gian của hội tết. Chỉ có những người ưa “ăn mòn” ký ức thì tiếc nuối, vì các trò xuân ngày tết, bây giờ đã phai lạt nhiều. Tôi nghe tiếng ai đó reo lên, khi ba quân cờ của họ được xướng lên bởi anh hiệu trong gian bài chòi. Hẳn đó, chứa cả tiếng reo vui… của ký ức.