Còn chút này cho mai sau
Có một dạo, ông chọn làm bạn với dòng suối quanh nhà, với đá và gió núi, chỉ để làm một chiếc “đàn nước” đuổi chim trên cánh rẫy của gia đình. Một dạo khác, người ta thấy ông vắng đi vài ba tuần, sau mới biết là được mời xuống tận Hội An để làm một dàn nhạc nước cho khách sạn dưới đó.
Giờ thì ông già ấy không đi nữa, để thi thoảng từ mái nhà sàn chênh vênh trên dãy Ngọc Linh lại réo rắt vang lên những thanh âm trong trẻo của rừng…
Nghệ nhân đàn đá
Danh tiếng của ông Hồ Văn Thập (nóc Măng Tó, xã Trà Cang, Nam Trà My) đã vang xa, không những đối với đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My, mà còn được nhiều người biết đến như là nghệ nhân duy nhất có thể chế tác và chơi thành thạo đàn đá. Không như đàn đá ở nhiều vùng khác, thứ đàn đá của ông Thập hoang dã như chính núi rừng Ngọc Linh này. Từng viên đá núi được ông chọn lựa, mài gọt, sắp xếp sao cho đủ một bộ gõ của riêng ông, để rồi có khi mất cả vài năm trời mới kiếm đủ những viên đá cho cây đàn đặc biệt này.
Ông Thập kể, cây đàn đá là ký ức tuổi thơ của chính mình. Ngày còn nhỏ, theo chân cha lên rẫy, ông Thập thấy cha mình gắn những ống lồ ô, những viên đá bằng dây rừng rồi treo khắp rẫy. Gió, nước trở thành thứ năng lượng bất tận vận hành “dàn nhạc” kỳ lạ ấy. Thích thú với thanh âm trong trẻo của dàn nhạc kỳ lạ, ông Thập bắt chước cha, tự mày mò tìm kiếm những viên đá, tách ra thành 12 viên đá lớn nhỏ trở thành một cây đàn đá hoàn chỉnh cho riêng mình.
Ông Thập chia sẻ: “Không phải viên đá nào cũng phát ra nhạc được, cũng không phải cứ sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn là ra một bộ đàn đá. Tôi đánh thử, nghe thử, so sánh từng viên với nhau, rồi từng viên với nhiều viên khác để sao cho mỗi viên có một âm sắc riêng. Nhưng cũng chưa đủ, phải mài giũa, phải gọt đẽo sao cho tiếng vang của đá giòn giã hoặc trầm vang, theo đúng cảm nhận của tai mình”. Mòn mỏi suốt nhiều tháng nhiều năm, ông như một gã dị thường ham mê với đá, nhiều buổi lang thang một mình chỉ để tìm kiếm được một viên đá trong bộ đàn đá của mình.
Nhạc sĩ Dương Trinh, người dành nhiều thời gian và tâm huyết tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của đồng bào vùng cao Trà My, chia sẻ, đi nhiều nóc ở vùng này, duy nhất có ông Hồ Văn Thập là có thể sáng tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh, đặc trưng cho vùng núi cao Ngọc Linh. Không như đàn đá ở Tây Nguyên, mang nhiều dấu ấn nhân tạo, đàn đá của ông Thập hoàn toàn là đá tự nhiên, được chọn lựa và chế tác hết sức thô sơ, chủ yếu tạo nên từ đôi tai cảm âm rất đặc biệt của ông.
“Bộ đàn đá này sắp xếp giống như cồng chiêng, không có nốt thăng, nốt giáng rõ ràng, chủ yếu theo hợp âm trưởng, là hợp âm chính trong các giai điệu của người vùng cao, vì vậy khi biểu diễn, có thể nhận thấy rõ âm hưởng vùng cao rất riêng, rất độc đáo trong bộ đàn đá này” - nhạc sĩ Dương Trinh nói.
Vốn quý của vùng cao
Ông Thập đã từng mang bộ đàn đá ra tận Hà Nội biểu diễn trong một sự kiện văn hóa lớn của thủ đô. Ông cũng đã nhiều lần đi đó đây, mang tài nghệ và bộ đàn đá độc đáo của mình trình diễn ở các sự kiện văn hóa lớn. Lần nào cũng gây được sự chú ý, song ông vẫn giản dị, ít nói, như chính tính cách của người Xê Đăng ở vùng cao. Tại lễ hội sâm núi Ngọc Linh, người ta lại thấy ông “phiêu” cùng bộ đàn đá. Thật ra, ngoài đàn đá, ông còn có thể chế tác rất nhiều nhạc cụ khác như đàn bầu, đàn tơ’rưng, đàn nước, khèn… Dĩ nhiên, là theo cách của riêng ông.
Nhiều đêm, người ta thấy ông ngồi một mình bên cánh cửa nhỏ nhà sàn, ngẫu hứng chơi một thứ nhạc cụ nào đó. Ông chơi nhạc như để tự sự với chính mình, như kể câu chuyện ẩn mật của núi rừng trập trùng sương trắng Ngọc Linh. Trên giàn bếp của căn nhà sàn, những nhạc cụ ám mùi khói, trở thành người bạn đời của ông, khi những người vợ cũ của ông đều không may vắn số.
Đầu năm 2019 này, ông Hồ Văn Thập được vinh dự trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Một sự ghi nhận đối với những đóng góp lớn của ông Thập cho văn hóa của người Xê Đăng nói riêng, của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam nói chung. Như gió núi Ngọc Linh vẫn thổi qua miền ngược, như nước từ đỉnh Ngọc Linh vẫn lặng lẽ chảy về xuôi, ông Thập vẫn say sưa với những bản du ca của cuộc đời mình, với đàn đá, với thứ âm nhạc đầy mê đắm của vùng cao. Đó, cũng là cách mà ông và bao nghệ nhân khác ở từng bản làng giữ gìn lấy một thứ vốn quý của văn hóa cha ông, cất lại đó, không phải cho riêng mình…