Đánh thức di sản biển
Cư dân vùng duyên hải xứ Quảng từ lâu đời đã sớm sáng tạo, hình thành những giá trị văn hóa biển đảo, gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Di sản văn hóa biển xứ Quảng vô cùng phong phú, đồ sộ còn dưới lòng đất, lòng biển và trong ký ức cộng đồng, trong tri thức bản địa của cư dân vùng biển với nhiều lĩnh vực, loại hình. Đó chính là tài nguyên nhân văn vô cùng quý báu cần được đánh thức trong chiến lược phát triển biển đảo của nước ta hiện nay.
Những nền văn hóa cổ
Con người sinh sống ở vùng duyên hải miền Trung từ lâu đã gắn bó với biển. Di chỉ khảo cổ học “cồn sò điệp” ở Tam Xuân, Núi Thành là những dấu tích rõ ràng, sinh động nhất và sớm nhất về việc con người nơi đây khai thác các sản vật biển để sinh sống, tồn tại. Những hiện vật được phát hiện nơi đây chủ yếu là các đống sò điệp dày còn khá nguyên vẹn. Cư dân Sa Huỳnh từ xưa đã biết “tựa đầu vào núi vươn mình ra biển” để sinh sống, phát triển. Di chỉ khảo cổ học ở Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Xóm Ốc (Lý Sơn) đã chứng minh con người đã sinh sống và sáng tạo văn hóa từ lâu trên các đảo gần bờ. Hiện vật chủ yếu trong di chỉ Sa Huỳnh ở vùng biển là vỏ nhuyễn và đồ trang sức bằng vỏ sò vỏ ốc. Cư dân Sa Huỳnh còn biết lấy vỏ sò in hoa văn trên đồ gốm với những dấu ấn khá đặc trưng mà các nhà khảo cổ học gọi là “hoa văn dấu vỏ sò”.
Người Chăm cũng để lại những dấu vết in đậm văn hóa biển, tiêu biểu là các giếng cổ ở các đảo gần bờ. Các đảo như Cù Lao Chàm, đảo Tam Hải... lượng nước ngầm trong lòng đất thường rất ít nhưng người Chăm vẫn tìm ra mạch nước ngay sát mép biển để đào giếng. Nước giếng ở miền biển không những là nguồn tài nguyên quý để sinh sống mà còn là thứ để cung cấp cho thuyền buôn trên hải trình quốc tế thường ghé lại để tiếp nguồn lương thực và nước ngọt. Ngày nay hàng loạt giếng Chăm mà người Việt vẫn còn dùng, gọi là giếng Hời. Vùng biển Quảng Nam cũng được xác định là nghĩa địa của các con tàu đắm, tiêu biểu là tàu đắm Cù Lao Chàm với 24 vạn đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long thuộc thế kỷ 15. Cùng với gốm Đại Việt còn có đồ gốm Chămpa được phát hiện từ con tàu đắm ở vùng biển Quảng Nam. Cổ vật tàu đắm cũng được ngư dân tìm thấy tại cửa biển An Hòa, Cửa Lở thuộc xã Tam Hải.
Phong tục, tập quán
Nhà ở và các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh vùng duyên hải và cận duyên cũng in đậm dấu ấn biển. Dọc biển miền Trung còn lưu giữ nhiều ngôi nhà, ngôi chùa được làm từ đá xanh, đá san hô lấy từ biển và trang trí hoa văn bằng vỏ ốc, vỏ sò trên trên nhà, vách, sàn, cột. Trước đây, nhiều ngôi nhà sơn quét bằng vôi bột được nung từ vỏ ốc, vỏ sò. Dọc biển Tam Hải, Tam Tiến, Tam Thanh có nhiều miếu thờ và nghĩa địa cá ông. Không chỉ ở thôn Thuận An, xã Tam Hải có nghĩa địa cá ông (được công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh) mà một số làng biển bãi ngang Tam Tiến, Tam Thanh cũng có nghĩa địa cá ông với quy mô nhỏ.
Những loại ghe thuyền, phương tiện đánh bắt ở vùng bãi ngang không bao giờ là “lạc hậu” của ngư dân trong thời đại 4.0. Đến nay, số người tham gia đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền hiện đại cũng tăng lên nhưng đối với cư dân ở bãi ngang, họ vẫn gắn bó với chiếc thuyền nan, thuyền thúng. Thuyền nhỏ, thô sơ nhưng lại hiệu quả trong cuộc sống mưu sinh. Cá mực được ngư dân bãi ngang dùng loại thuyền này để đánh bắt là món “đặc sản” dành cho những người thành phố đi tắm biển buổi sáng, là món hàng được giá của các phiên chợ mai hay “chợ lưu động” ở Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Kỳ. Gần đây, vật dụng này đã được thổi hồn thành những tác phẩm “Con đường thuyền thúng” bên cạnh Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh. Thuyền thúng ở biển Tam Thanh là “nốt nhạc”, là “nét vẽ” với gam màu tươi sáng của các họa sĩ yêu biển, đam mê với di sản biển, làm cho vùng cát nắng xứ Quảng trở nên đẹp và hấp dẫn du khách, nhất là vào dịp festival biển.
Bên cạnh di sản vật thể, cư dân miền biển xứ Quảng tích lũy một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể. Về tín ngưỡng dân gian có tục thờ cúng cá Ông gắn liền với lễ hội cầu ngư vào dịp đầu xuân. Trong lễ cầu ngư có hát bả trạo hay chèo cạn, một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của cư dân vùng biển miền Trung đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ người Chăm đã được người Việt tiếp thu và trở thành sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa độc đáo của ngư dân xứ Quảng nói riêng, ngư dân Nam Trung Bộ nói chung. Hát múa bả trạo là dịp vui chơi của ngư dân sau những ngày lao động vất vả trên biển, ca ngợi những người bám biển.
Bảo tồn giá trị di sản biển
Trong thời gian gần đây, việc phát huy giá trị di sản biển có những tín hiệu khả quan. Hàng năm, vào dịp đầu xuân, tại Tam Thanh, Tam Hải... đều tổ chức lễ hội cầu ngư. Các nghi lễ xưa được phục dựng với những nghi thức trang nghiêm. Trang phục lễ hội dành cho các vị bô lão khi chủ trì nghi lễ cúng bái và phục trang dành cho đội hát múa bả trạo được quan tâm. Các xã vùng đông Thăng Bình nhiều năm tổ chức lễ hội văn hóa thể thao miền biển. Hằng năm, Đài PT-TH Quảng Nam phối hợp với huyện Núi Thành và các cơ quan liên quan tổ chức giải đua thuyền. Đây là ngày hội thực sự của ngư dân... Đặc biệt là sự hình thành Làng nghệ thuật công đồng, Con đường thuyền thúng, các khu nghỉ dưỡng, resort ở vùng biển Tam Thanh, tôn tạo cảnh quan bờ biển...
Trong tương lai, khi cây cầu mới bắc qua sông Trường Giang xuống biển hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc “hướng biển”. Ở đây sẽ có những thiết chế văn hóa biển như Quảng trường biển, Bảo tàng đời sống dân gian miền biển, bãi tắm, nơi vui chơi thể thao đẹp, an toàn, hệ thống resort du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, được kết nối với khu du lịch biển Cù Lao Chàm, Bàn Than, Biển Rạng. Đánh thức di sản biển cũng góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của ngư dân, góp phần gìn giữ chủ quyền, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.