Món mít trộn và... thơ

THANH THẢO 05/02/2019 10:45

Ở Hội An, tôi đã có dịp ăn trưa với một nhà thơ người Úc, ăn món mít trộn trong một nhà hàng hẳn hoi, nghĩa là món này đã vào thực đơn chính thức. Món mít trộn rất ngon, vì nó được làm đúng bài bản của món mít trộn dân dã mà tôi từng ăn nhiều lần ở những gánh hàng rong tại các địa phương khác nhau, nhưng đặc biệt nhất vẫn là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Khúc sông quê. (Ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Khúc sông quê. (Ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Những lá rau thơm nhỏ bé

Nhà thơ người Úc khi ăn món mít trộn đã xuýt xoa ca ngợi rất nhiệt thành. Tôi nghĩ anh nói thật, không phải xã giao. Vì với anh, nó là món ăn hoàn toàn lạ miệng, hoàn toàn “exotic”, mà lại có gì như sự “xa lạ quen thuộc”.  

Món mít non trộn gỏi coi bộ thật đơn giản, nhưng không dễ làm cho ngon. Nó là sự phối hợp tinh tế giữa những thành phần khác nhau vì một mục đích chung: khiến người ăn cảm nhận sự thú vị.

Có những món ăn như thế, không quá phức tạp, nhưng cũng không hẳn dễ làm. Tôi nghĩ, thơ cũng vậy. Luôn luôn, thơ đi giữa sự giản dị và sự phức tạp, luôn luôn, thơ tự tin và bình thản, khiêm nhường và giấu bên dưới là vẻ kiêu hãnh ngấm ngầm. Như những cánh lá rau thơm nhỏ bé có mùi vị riêng trong món mít trộn. Như niềm vui chớm nở giữa thinh lặng, như khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa trên một màu nền bình dị.

Sinh thời, có lần nhà thơ Xuân Diệu nói với tôi: “Anh em nhà thơ chúng mình chỉ mong làm những lá rau thơm trên bát bún chả hay bát miến gà gì đấy thôi. Chỉ như thế cũng đủ vui rồi!”. Lúc bấy giờ nghe nói thế tôi tỏ ra không thích, có lẽ vì mình còn trẻ, còn những kỳ vọng vào sứ mệnh của thơ ca. Bây giờ mới hiểu, có khi thơ chỉ cần đóng vai trò khiêm nhường như thế thôi. Đóng góp cho cuộc đời này là rất nhiều tổng hợp, rất nhiều phức hợp, mà trong đó, thơ chỉ là một thành phần. Nhận ra điều đơn giản đó, có khi phải mất gần một đời.

Sự khiêm nhường của thơ

Nhưng không ai trách sự kỳ vọng vào sứ mệnh của thơ. Vì đã từng có những thời kỳ và ở nhiều vùng đất trên thế giới, thơ trở thành tiếng nói dẫn dắt, thành sự tin cậy và an ủi cho rất nhiều người. Ngay ở Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ, thơ đã từng là tiếng nói tâm tình của hàng triệu người ở miền Bắc, nhất là những người lính khi họ lên đường vào Nam chiến đấu mà sự sống chết không thể nào đoán định. Ngày ấy miền Bắc có quá ít những tờ báo, nhưng tờ báo nào cũng in thơ. Báo Nhân Dân còn in và giới thiệu một trang thơ Lý Phương Liên - một cô công nhân trẻ làm thơ lúc ấy vừa nổi tiếng, đủ biết thơ tác động thế nào tới xã hội. Ngày đó, Hà Nội mỗi buổi sáng đều có rất nhiều người gặp nhau uống chè chén và chờ đợi những bài thơ mới, những tác giả thơ mới. Thơ lúc ấy thực sự là một món ăn tinh thần và tình cảm không thể thiếu với rất nhiều người.

Nhưng rồi thời ấy đã qua, có thể là qua mãi mãi chăng? Dù tiếc nuối, nhưng không ai chỉ sống bằng quá khứ. Những nhà thơ vẫn làm thơ, dù thơ họ ngày càng ít người đọc. Thơ quá nhiều bây giờ không hẳn vì thơ có chỗ đứng trong xã hội, mà vì thơ là thứ dễ làm với nhiều người Việt. Có điều, như xưa nay vẫn vậy, để làm thơ cho hay thì lại quá khó. Chưa bao giờ danh xưng nhà thơ lại nở rộ như bây giờ, và cũng bèo bọt như bây giờ. Vậy mà tôi vẫn làm thơ, không hẳn vì tôi không biết viết văn xuôi hay viết báo. Có những lúc, thơ chiếm lĩnh con người mình, hoặc mình chỉ có thể nói được cái gì đó bằng thơ. Tôi thuộc số ít những nhà thơ lặng lẽ, tuyệt đối quảng bá thơ mình. Tôi cũng không cần người ta chửi thơ tôi để mình nổi tiếng làm gì. Mọi scandal đều thừa thãi với thơ, và sự lặng lẽ là niềm vui, chứ không phải nỗi buồn, cho thơ. Puskin hay Lermontov đấu súng giữ danh dự là sẵn sàng để chết chứ không phải để nổi tiếng. Những nhà thơ đích thực đều hiểu điều này, và họ chỉ mong thơ mình được như đĩa mít non trộn gỏi. Hay chỉ cần như mấy cánh rau thơm rắc trên đĩa mít trộn. Không phải tự ti đâu. Đó là sự khiêm nhường đặc trưng của thơ.

Văn Cao từng viết: “Một bàn tay giơ lên không biết để làm gì/ Hái một bông hoa hay hái một ngôi sao” (Cuộc sống trong anh). Dù hái cái gì, thì chỉ là một động tác “hái”, trong lặng lẽ.

THANH THẢO

THANH THẢO