Băn khoăn chuyện sáp nhập

XUÂN HIỀN 27/11/2018 02:16

Thông tin sáp nhập Đoàn Ca kịch Quảng Nam về một mối với Trung tâm Văn hóa Quảng Nam khiến người trong cuộc băn khoăn...

Đầu tư dàn dựng các vở diễn một cách bài bản, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam. Ảnh: X.HIỀN
Đầu tư dàn dựng các vở diễn một cách bài bản, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam. Ảnh: X.HIỀN

Nghệ thuật truyền thống tiêu biểu

Đoàn Ca kịch Quảng Nam có một hành trình phát triển khá dày dặn. Tính đến thời điểm này đã gần tròn 55 năm ra đời, từ tháng 10.1964, trên nền móng của Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam. Sau giải phóng, hai Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam và Quảng Đà sáp nhập lại, hình thành nên Đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, khi tách tỉnh, Đoàn Ca kịch được giao về cho Quảng Nam; Đà Nẵng chọn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để tiếp tục phát triển.

Từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay, mỗi năm Đoàn Ca kịch Quảng Nam thực hiện trên 60 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân; trong đó, gần 50% số buổi biểu diễn là ở miền núi, biên giới và hải đảo. Chưa kể, đoàn đã xây dựng gần 30 chương trình biểu diễn nghệ thuật, cũng như 30 vở diễn với các đề tài khác nhau. Những nỗ lực trong việc kế thừa và phát triển loại hình nghệ thuật dân ca Bài chòi truyền thống đã được nhìn thấy, thông qua các vở diễn đầy sức nặng, gây tiếng vang với nhiều địa phương khác. Chưa kể, phần nào đó từ những đêm diễn ở các vùng quê xa xôi, góp thêm màu sắc cho đời sống tinh thần của người dân. 

Khi Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó bao gồm cả trò chơi dân gian bài chòi và nghệ thuật biểu diễn bài chòi, Đoàn Ca kịch Quảng Nam gần như được tiếp thêm động lực mới để dàn dựng nhiều hơn những vở diễn xuất sắc. Theo GS-TS. nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - người lập hồ sơ cho di sản Bài chòi chia sẻ, chính những đoàn ca kịch chuyên nghiệp truyền thống là cơ sở để nghệ thuật Bài chòi được bảo tồn mạnh mẽ và nâng lên một tầm mức cao hơn ở góc độ thưởng thức nghệ thuật dân gian. Đoàn Ca kịch Quảng Nam cũng là đơn vị duy nhất biểu diễn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam.

Băn khoăn

Nghị quyết số 19-NQ/TW được xem như cú hích để các địa phương sắp xếp, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Đồng thời theo nghị quyết này, trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành sẽ hợp nhất thành một đầu mối.

Theo tinh thần của nghị quyết, việc sáp nhập sẽ tinh gọn bộ máy tổ chức quản lý, nhưng ở góc độ chuyên môn, NSND Từ Minh Hiệp (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) cho biết, nếu quy Đoàn Ca kịch về một mối trực thuộc Trung tâm Văn hóa, thì có sự đan chéo và nhập nhằng giữa phạm vi công việc cũng như con người. Chất lượng chuyên môn của vở diễn sẽ đi xuống. Chưa kể, theo ông, trong một tổ hợp của Trung tâm Văn hóa - bao gồm Đội Thông tin lưu động, Truyền thông - sự kiện... thì Đoàn Ca kịch Quảng Nam không thể có một định hướng phát triển chuyên sâu bởi tính đặc thù. Cũng như vậy, khi đã xác định Bài chòi là Nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Quảng Nam, thì chính việc sáp nhập cơ học sẽ dẫn tới thực trạng Quảng Nam không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với tư cách một đơn vị độc lập.

Chưa kể, với văn hóa phi vật thể, việc tìm kiếm thế hệ kế cận cũng như thực hiện trao truyền di sản là điều buộc phải làm. Đoàn Ca kịch Quảng Nam lâu nay tìm mọi cách để thu hút người tài đến với nghệ thuật truyền thống dân tộc, đồng thời mở các lớp hướng dẫn về ca kịch bài chòi ở nhiều địa phương, nếu tương lai nhập về Trung tâm văn hóa tỉnh, thì câu chuyện “tuyển sinh” đã khó sẽ càng khó thêm. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết thêm, nếu sáp nhập thiếu thận trọng, rất nhiều ngành văn hóa truyền thống sẽ mất đi thế hệ kế cận xứng đáng, lại càng khó để gìn giữ, bảo tồn vốn cổ.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN