Lão nghệ nhân Bh'ling Argưnl
Năm nay đã bước sang ngưỡng 62 tuổi nhưng ông Bh’ling Argưnl (người dân tộc Cơ Tu, ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) vẫn còn nhiệt huyết lắm. Những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình ông đều sành sỏi, biết sử dụng để biểu diễn, chịu khó tìm tòi, chế tác và truyền lại cho lớp trẻ.
Ông Argưnl chế tác cây đàn tâm bét alui. |
Giữ hồn âm nhạc truyền thống
Ông Bh’ling Argưnl cũng không còn nhớ rõ đã học và biết chơi các loại nhạc cụ của người Cơ Tu từ khi nào. Chỉ nhớ rằng, từ nhỏ ông đã làm quen với các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Từ những buổi cùng cha ra suối bắt cá, hay những lần đi rẫy, cha ông luôn mang theo chiếc đàn tâm bét alui và cây sáo ahen bên cạnh. Và Argưnl được thưởng thức những thanh âm trong trẻo phát ra từ những nhạc cụ mà cha mình chơi rồi đem lòng yêu mến nó. Và cứ thế, mỗi khi ngồi nghe người lớn đánh chiêng, đàn, thổi sáo thì ông cũng xin vào đánh theo, đánh nhiều thành quen, được các già trong làng chỉ bảo thêm, thế rồi rành rẽ.
Ở cái tuổi đã không còn trẻ nữa, nhưng ông vẫn dành hết tâm can của mình cho nhạc cụ truyền thống. Theo ông, mỗi ngày nếu không đem nhạc cụ ra chơi, ngày đó thấy trống vắng, và nhớ nó lắm. Chỉ hôm nào bận đi rừng hoặc đau ốm mới đem chúng treo góc nhà. Ông Argưnl có thể chơi thành thạo các loại nhạc cụ như: đàn tâm bét alui, đàn abel, sáo ahen, đàn gơrưna (hay còn gọi là nhạc cụ đuổi chim), khèn bơ rét, sáo a lướt… Ông bảo: “Mỗi một loại nhạc cụ đều phát ra những âm thanh kỳ diệu, rất lạ, độc đáo. Nó cũng hội đủ vui, buồn, thương, ghét, giận, hờn và nó như tiếng lòng của người Cơ Tu. Bởi vậy, nếu ai hiểu về nó thì khi nghe người ta đánh có thể biết tâm trạng thế nào”. Nói rồi, ông Argưnl cầm con dao bắt đầu chế tác một cây đàn tâm bét alui cho khách xem. Đàn được làm từ quả bầu khô khoét rỗng ruột, một ống lồ ô dài hơn sải tay và dùng dây rừng làm dây đàn…
Theo ông Argưnl, cây đàn tâm bét alui có cấu tạo đơn giản. Thân đàn là loại cây nứa, khi chọn phải là cây thẳng đem về để cho khô đều rồi gác lên giàn bếp để lấy khói thêm màu vàng giúp khỏi mối mọt. Hộp đàn phải chọn những quả bầu tròn, già, vỏ mỏng, không to quá cũng không nhỏ quá. Miệng bầu phải rộng mới phát ra âm thanh vang. Đối với cây đàn tâm bét alui, quan trọng nhất là hộp đàn. Tuy nhiên, ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là kỹ thuật tạo tiếng âm, bởi đó là một trong những yếu tố quyết định tạo nên âm thanh chuẩn của cây đàn tâm bét alui.
Truyền “lửa” cho đời sau
Ông Bh’ling Argưnl còn được biết đến là người gìn giữ và hát lý hay nhất vùng A Tiêng. Ông cũng thuộc lòng hàng chục câu chuyện cổ tích, mỗi tối vẫn hay kể cho lớp trẻ trong làng Tà Vàng nghe.
Ông Argưnl truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ Cơ Tu. |
Nhưng ông Bh’ling Argưnl cũng nặng lòng lo lắng, bởi lớp trẻ bây giờ không mấy người chịu học lấy cái vốn âm nhạc mà ông trao truyền. “Nếu cứ thế này thì mai kia lớp người già Cơ Tu về với tổ tiên, các loại nhạc cụ truyền thống sẽ trôi vào quên lãng. Mong ước lớn nhất của tôi là được truyền dạy cho con cháu như chính cha tôi và những bậc cao niên trong làng đã từng truyền dạy. Bởi những làn điệu dân ca, đến những giai điệu của nhạc cụ, là cả cái hồn của người Cơ Tu” – ông Argưnl tâm sự.
Vậy là ông Bh’ling Argưnl đứng ra vận động các cháu đến gươl để bày cho chúng cách đánh cồng chiêng, múa tâng tung da dá, cách đánh đàn, thổi sáo. Nhiều em nhỏ trong làng Tà Vàng từ khoảng 9 - 14 tuổi đã trở thành những người đánh cồng chiêng, đàn hay như: Bh’ling Akich, Bh’ling Hiền, Alăng Nhân… Dưới sự dìu dắt của ông Argưnl và một vài người lớn tuổi khác, làng Tà Vàng đã có một đội cồng chiêng nhí.
Sự ghi nhận lớn nhất là niềm tin của dân làng, của địa phương, và của huyện Tây Giang dành cho ông Argưnl. Mỗi khi có phong trào văn nghệ ở xã, hay sự kiện văn hóa ở huyện, tỉnh… ông Argưnl luôn là hạt nhân đại diện được lựa chọn tham gia. Ở đó, có một Argưnl đã dành cả cuộc đời cho việc tìm tòi, chế tác các loại nhạc và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu.
SƠN GIA PHÚC