Về yêu xứ rượu Hồng Đào

BẢO ANH 09/06/2018 12:19

Sau 10 tập sách gồm toàn tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, cuối tháng 5 vừa rồi cây bút văn xuôi quen thuộc của Quảng Nam - Lê Trâm cho trình làng tập bút ký & tản văn “Về yêu xứ rượu Hồng Đào” (NXB Đà Nẵng).

Tập sách “Về yêu xứ rượu Hồng Đào”.
Tập sách “Về yêu xứ rượu Hồng Đào”.

Như rất nhiều truyện ngắn Lê Trâm đã công bố, khá nhiều trong số 31 bút ký, tản văn ở tập “Về yêu xứ rượu Hồng Đào” là những câu chuyện được viết từ ký ức - chính xác hơn là quay về ký ức để khơi gợi, gạn lọc, kiếm tìm, để nhận chân giá trị cuộc sống, khẳng định những vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống hôm qua và hôm nay. Từ những câu chuyện tưởng chừng vụn vặt, anh dẫn dắt người đọc quay về, tìm đến những quê xứ trên chính mảnh đất chưa mưa đà thấm. Đó là một “An Lạc bổn quán” nên thơ, hiền lành; đó là một vùng đất nhỏ xíu nơi cuối bãi đầu sông có cái tên vừa quen vừa lạ “Đông Trại hiệp Đồng Tre Bến Lé xứ”; đó là câu chuyện về một thú chơi khác người “Đua ghe trên nổng cát” gắn với cuộc mưu sinh bền bỉ và nhiều thương khó của một ngôi làng có cái tên đẹp Phương Trì...

Những câu chuyện bình bình không có cao trào, những xứ đất nhỏ xíu tưởng chừng vô danh vô phận ấy, khi được Lê Trâm trải lên trang văn, hóa ra lại có duyên có phận, là một phần không thể thiếu, không thể tách rời trong bức “chân dung” của cả một quê xứ rộng lớn nhiều biến động và yêu thương... Bởi vậy, không khó để lý giải cảm xúc thảng thốt, day dứt, ví như khi người viết nhận ra làng đang mất đi: “Bây giờ, mỗi lần về lại căn nhà xưa đầu xóm tôi cứ tần ngần mãi, không muốn rời đi (...). Đã dạt đi hết rồi những người bao nhiêu tháng năm từng sống ở đó, trong ấy có tôi” (Đông Trại hiệp Đồng Tre Bến Lé xứ).

Khởi đi từ hồi ức, Lê Trâm túc tắc, chậm rãi một cách có chủ ý, đưa mạch văn của mình đi, và kể, và tả, và dựng lại câu chuyện cũ, rồi khéo léo đan cài vào câu chuyện của hôm nay. Hết “Đi tìm dấu xưa An Hòa”, anh quay về với “Ký ức vượt đèo Le”, rồi lại kéo người đọc về cùng “Thênh thang Giao Thủy”, hòa nhịp giữa “Lung linh Điện Bàn” rồi thả hồn “Miên man Nông Sơn”... Nhiều bút ký trong tập sách này được Lê Trâm mở đầu bằng những cụm từ của hồi ức: “Thời trước, ở làng tôi...” (Một thời dẫn thủy nhập điền); “Có một cảm giác ấm áp, dễ chịu mỗi khi nghe nhắc đến tên vùng đất nằm gọn lỏn giữa mênh mông Quảng Nam yêu thương...” (Dịu dàng quê ngoại); “Hồi còn ở làng cũ...” (Cà kê chuyện tết thì phải... nhứt); “Phải sau mười ba năm mình mới được lên lại nơi này...” (Tiếng chiêng vang vọng đại ngàn); “Vùng quê xa xôi ấy trong mắt tôi những ngày còn đi học trung học...” (Hiệp Đức thời chưa xa)...

Và cũng không ít bút ký được anh viết bằng sự thao thức ở thì hiện tại. Sau những nhớ nghĩ, tiếc nuối, dằn vặt là bao nhiêu dự phóng tươi tắn, hân hoan. Anh kịp phác thảo một đô thị Điện Bàn trẻ trung, năng động, “mới mẻ nhưng cũng luôn giấu trong lòng những sắc màu lung linh trong ký ức”. Anh kỳ vọng về một tuyến đường du lịch tấp nập góp phần làm cho cuộc sống sung túc hơn sau khi chiếc cầu Giao Thủy mơ ước bao đời nối nhịp đôi bờ. Anh đem chuyện cây sâm Ngọc Linh và tinh thần chịu thương chịu khó của đồng bào các dân tộc miền núi cao Nam Trà My để biện giải mơ ước đổi đời cho vùng đất ấy...

Không phải là thể loại thuận tay, nhưng có thể nói ở “Về yêu xứ rượu Hồng Đào”, Lê Trâm tỏ ra khá... chắc tay. Trừ một vài tác phẩm mang hơi hướm báo chí, hầu hết tác phẩm ở đây khá có duyên, văn đẹp, mềm mại, nền nã, hiền lành, chừng mực, điềm đạm nhưng vẫn lung linh, giàu chi tiết, sinh động, gợi được nhiều liên tưởng và suy ngẫm thú vị về cuộc sống cả trong quá khứ và của hôm nay.

BẢO ANH

BẢO ANH