Trùng tu các nhóm tháp H, K, A tại Mỹ Sơn: Lại lo ngại về phương pháp

LÊ QUÂN 27/04/2018 10:07

Với phương pháp vừa khai quật vừa trùng tu, các nhóm tháp H, K, A tại khu đền tháp Mỹ Sơn đang được các chuyên gia Ấn Độ tiếp tục thực hiện. Dự án này những ngày qua tiếp tục có nhiều ý kiến trái chiều.

Nhóm tháp K trong quá trình thực hiện khảo cổ. Ảnh: L.Q
Nhóm tháp K trong quá trình thực hiện khảo cổ. Ảnh: L.Q

Tiếp tục khai quật

Từ tháng 1.2018, các chuyên gia Ấn Độ bắt tay vào thực hiện chương trình năm thứ 2 (2017 - 2018) của dự án đã được ký kết hồi năm 2014. Theo ông Romel Singh Jamwal - Giám đốc Dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, trong năm thứ 2 này sẽ tiếp tục các công việc tại nhóm tháp K và H, triển khai các phần việc mới tại nhóm tháp A. Đối với nhóm K, H, tiếp tục phát quang dọn dẹp cây cỏ, khai thông hệ thống thoát nước.

Trong đó, ở nhóm tháp K, các chuyên gia Ấn Độ tiếp tục công việc trùng tu phần còn lại của cấu trúc tháp cổng, lát gạch xung quanh tháp cổng, xây tường có độ cao vừa phải ở khu vực để tránh ngập nước và ngăn ngừa tích tụ nước; lát gạch các lối đi từ đường chính vào tháp K, thực hiện các công việc bảo tồn cần thiết khác. Với nhóm H, cùng với một số phần việc giống tháp K, các chuyên gia tổ chức dọn dẹp bề mặt phía đông nam của nhóm tháp, bảo tồn và gia cố kết cấu góc tường phía bắc, tiếp tục tìm kiếm hệ thống thành phần kết cấu kiến trúc… Trong khi ở nhóm tháp A, ngoài việc phát quang dọn dẹp cây cỏ từ trong và xung quanh cùng với việc khai thông hệ thống thoát nước, theo các chuyên gia, sau khi phát lộ và dọn dẹp sẽ bảo tồn và gia cố các cấu trúc ở phía tây bắc của ngôi đền chính, cũng như xây dựng trại tạm thời bán kiên cố cho đội ASI - nhóm chuyên gia kỹ thuật của Viện Khảo cổ Ấn Độ cũng như cho người lao động, thực hiện các công việc bảo tồn cần thiết khác.

Theo ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (Trưởng ban Điều hành dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn), kết thúc năm thứ nhất, nhóm chuyên gia Ấn Độ đã phát lộ và khai quật được 165 hiện vật, phát hiện tháp K có 2 cửa với những bậc cấp bằng gạch, một xoay về hướng đông, một xoay về hướng tây. Đặc biệt, tại cửa hướng tây phát hiện 2 tượng hình sư tử đứng với khuôn mặt hung dữ, tư thế vững chãi cùng nhiều hiện vật là thành phần kiến trúc, trang trí và những mảnh gốm không tráng men nhưng đa dạng kiểu dáng, màu sắc... Với nhóm tháp H được xây trên ngọn đồi có độ cao, các chuyên gia đã tiến hành khai quật hơn 700m2, làm lộ toàn bộ khung tường bao, hiện vật thu nhặt chủ yếu là thành phần kiến trúc, trang trí góc tháp và chóp tháp bằng chất liệu đá hoặc đất nung. Quá trình khai quật cũng phát hiện bố cục của khu tháp H khác biệt với bố cục truyền thống tháp Chăm (tháp chính, tháp cổng và tháp tịnh tâm).

Ý kiến trái chiều

Theo đề xuất và định hướng từ phía chuyên gia gia Ấn Độ, quá trình trùng tu sẽ duy trì tính chân xác và tính toàn vẹn của di tích. Theo đó, phía Ấn Độ sẽ chọn gạch mới với kích cỡ phù hợp, phần móng gạch sẽ được tu bổ với việc dùng vữa vôi. Các khối xây bề mặt được đề nghị liên kết bằng nhựa cây. Phần lõi sẽ được gia cố bằng cách dùng vữa vôi thay cho bùn đất. Các phần gia cố bằng xi măng sẽ được tháo dỡ và làm lại bằng vữa vôi. Được biết, vữa được làm từ vôi vỏ sò ngâm, lóng, ủ, lọc trộn với bột gạch cát sông tỷ lệ phù hợp để xử lý nền móng, lỏi tường. Dầu rái đun nóng làm vữa cho những lớp gạch bề mặt trên, bề mặt ngoài của khối xây đạt hiệu quả...

Ông Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, các chuyên gia Ấn Độ trước khi bắt tay thực hiện trùng tu đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về các hệ thống tháp Chăm tại Mỹ Sơn cũng như đã tổ chức các cuộc hội thảo, họp bàn lấy ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có luồng dư luận lo ngại về phương pháp trùng tu của các chuyên gia Ấn Độ sẽ phá vỡ di tích gốc…

Ông Phan Văn Cẩm cho biết, hiện nay các chuyên gia Ấn Độ mới chỉ thực hiện phần việc khai quật, khảo cổ các nhóm tháp H, K, A. Công tác trùng tu vẫn chưa được thực hiện, phần lõi của di tích vẫn chưa đụng vào, tính chân xác của di tích vẫn vẹn nguyên. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào chuyên gia Ấn Độ trong công tác trùng tu các nhóm tháp Chăm ở Mỹ Sơn”.

Tuy nhiên, những ngày qua, có rất nhiều ý kiến tiếp tục quan tâm, lo ngại về phương pháp trùng tu của chuyện gia Ấn Độ đối với các nhóm tháp tại Mỹ Sơn. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, PGS-TS. Ngô Văn Doanh - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm cho biết, những chuyên gia Ấn Độ hiểu rất rõ về đền tháp của Champa. PGS-TS. Ngô Văn Doanh nói: “Tôi cũng đã làm việc với các chuyên gia Ấn ngay trước khi họ vào Mỹ Sơn. Người Ấn hiểu rất rõ về đền tháp của Champa. Tại Campuchia, họ hiểu và đã giúp cho Angkor nhiều hạng mục trùng tu, phục hồi. Khi họ làm Angkor, tôi cũng đã sang đó, tuy nhiên kiểu tu bổ của Ấn Độ với Angkor thì nhiều người nước ngoài không thích, cả tôi cũng vậy”. Theo TS.Danh, ngay từ đầu, với tháp A1 của Mỹ Sơn, quan điểm của họ muốn phục hồi toàn bộ ngôi tháp, nhưng ông và nhiều chuyên gia không đồng ý, vì như vậy thì phải có rất nhiều điều kiện, cơ sở khoa học mới làm được. “Tôi từng phản bác là A1 Mỹ Sơn nếu muốn phục hồi toàn bộ thì phải có cơ sở, còn muốn làm thì phải làm chỗ khác chứ không phải ngay trên nền tháp cũ. Sau này, tôi cũng không hiểu tại sao họ lại được chọn nhóm tháp K, H. Tôi vào Mỹ Sơn và nhìn thấy họ đào ở nhóm tháp K, H rất rộng. Về mặt nào đấy thì không nên đào quá rộng. Trong quá trình khảo cổ nhóm tháp K, H, tôi có vào xem nhưng không biết họ muốn làm thế nào. Chống thoát nước, chống ẩm thì các di tích trên thế giới cũng làm nhiều, điều đó cũng tốt với các di tích Champa. Tuy nhiên, cũng tùy từng đối tượng cụ thể thì nên trùng tu như thế nào, cơ sở nào để phục hồi di tích, cũng phải rõ ràng” - PGS-TS. Ngô Văn Doanh nói thêm.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN