Đưa ẩm thực vào... gốm

LÊ QUÂN - MINH HẢI 05/12/2017 09:44

Hôm qua 4.12, nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, một loạt sản phẩm lưu niệm gốm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn ẩm thực phố Hội đã được giới thiệu đến du khách và người dân phố cổ.

Bộ sản phẩm “Dấu ẩn ẩm thực Hội An” được giới thiệu tại làng gốm Thanh Hà hôm qua 4.12.  Ảnh: HẢI QUÂN
Bộ sản phẩm “Dấu ẩn ẩm thực Hội An” được giới thiệu tại làng gốm Thanh Hà hôm qua 4.12. Ảnh: HẢI QUÂN

Những món ăn là đặc sản ẩm thực của Hội An, từ cao lầu, mỳ Quảng, tam hữu, bánh bao, bánh vạc, cơm gà, đến những món ăn nhanh nổi tiếng hấp dẫn như ram cuốn, bánh xèo, bánh mỳ,… được biến tấu kỳ diệu qua những sản phẩm nhỏ xinh bằng đất sét. Những sản phẩm lưu niệm này cùng chung một tên gọi “Dấu ấn ẩm thực Hội An”. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, ẩm thực là điểm đặc biệt tạo nên dấu ấn của Hội An, bên cạnh cảnh quan, văn hóa truyền thống và những giá trị sống, giá trị nghệ thuật. Và “thiên đường ẩm thực” Hội An sẽ đi xa hơn nữa, qua chính các sản phẩm lưu niệm được trao gửi đến du khách. Sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An” là hoạt động nằm trong chương trình phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2017 của thành phố. Đây là chương trình nhằm phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm, tạo sự phong phú các sản phẩm đặc trưng từ làng nghề, chưa kể là cơ hội để đưa ẩm thực Hội An đi xa hơn.

Một số mẫu trong bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An”.
Một số mẫu trong bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An”.

Nguyên liệu chính tạo nên các sản phẩm này là đất sét công nghiệp với tính năng mềm dẻo, đồng thời ưu việt hơn là có thể tự sản xuất được từ đất thường, khắc phục tình trạng nguồn nguyên liệu đất sét tự nhiên ngày càng hạn chế. Bằng các kỹ thuật tạo tác, những sản phẩm mỹ nghệ sẽ ra đời - với ý nghĩa là ấn phẩm thu nhỏ từ các món đặc sản của Hội An. Khởi đi từ ý tưởng của nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (TP.Hồ Chí Minh), với sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật tạo hình món ăn và nghệ thuật tạo hình sản phẩm thủ công, mỗi sản phẩm lưu niệm như vậy sẽ mang theo nó thông điệp riêng. “Những món ăn Hội An tôi thích từ lâu. Nhưng sản phẩm lưu niệm của Hội An tôi chỉ mới thấy lồng đèn. Tham vọng của tôi là muốn người ta đến Hội An, thưởng thức ẩm thực ở đây và có thể mang nó về với người thân của mình từ vóc hình thu nhỏ của chính món ăn đó. Du khách có thêm một món quà lưu niệm mang về, người dân làng nghề có thêm thu nhập, và ẩm thực Hội An được quảng bá rộng hơn” - nghệ nhân Lan Phương chia sẻ.

Đông đảo người dân tham gia trình diễn về dấu ấn ẩm thực Hội An. Ảnh: MINH HẢI
Đông đảo người dân tham gia trình diễn "Dấu ấn ẩm thực Hội An". Ảnh: MINH HẢI

Nguyễn Viết Lâm và Lê Minh Nhật là hai chàng trai của làng gốm Thanh Hà, từ thuở bé đã theo cha ông làm gốm. Sự trăn trở về đầu ra cho sản phẩm gốm của làng nghề mình đã là cầu nối để họ gặp gỡ nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương. Tiếp thu các kỹ thuật để làm ra nguyên liệu đất sét công nghiệp, cộng với tay nghề xoay chuốt gốm, hai chàng trai đã mang về làng mình những mẫu mã mới từ gốm. Chính họ sẽ là người truyền lại các kỹ thuật này cho những nghệ nhân của làng gốm mình. Nguyễn Viết Lâm nói, hy vọng sự kết hợp tinh tế giữa ẩm thực và gốm sẽ tạo nên điều thú vị cho du khách, cùng với đó là kỳ vọng về một hướng đi của làng gốm có tuổi đời hàng trăm năm này. “Mình hy vọng từ chuỗi sản phẩm mới này sẽ kích hoạt đầu ra cho các sản phẩm làng nghề gốm, đồng thời sẽ là cách để kéo những người trẻ từ làng về làng gốm, giữ gìn một làng nghề truyền thống có hàng trăm năm” - Viết Lâm nói.

Hai chàng trai trẻ Nguyễn Viết Lâm và Lê Minh Nhật trình diễn chế tác về ẩm thực bằng đất sét. Ảnh: MINH HẢI
Hai thợ trẻ Nguyễn Viết Lâm và Lê Văn Nhật chế tác bằng đất sét về đề tài ẩm thực. Ảnh: MINH HẢI

Một bộ 9 sản phẩm lưu niệm mang tên “Dấu ấn ẩm thực Hội An” được kỳ vọng sẽ là hướng đi phù hợp để bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Thanh Hà. Bộ sản phẩm này cũng sẽ được hỗ trợ đến các cơ sở sản xuất để tham gia chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” của thành phố. Để sản phẩm phát triển mạnh mẽ hơn, theo ông Nguyễn Thế Hùng, từ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, bao bì sản phẩm còn cần tiếp tục hoàn thiện để tương đồng với món ăn thực ở ngoài, mang lại ấn tượng cho du khách. “Cần đúc kết, giới thiệu quy trình chế biến, chế tác để tăng thêm sự hấp dẫn của sản phẩm. Đồng thời tìm cách tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh liên kết với các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà xem 2 nghệ nhân trẻ của làng sản xuất hàng lưu niệm. Ảnh: MINH HẢI
Tỉ mẩn chế tác với hình mẫu là các món ăn. Ảnh: MINH HẢI

Đưa đặc trưng ẩm thực thành các sản phẩm lưu niệm, để thêm một cách quảng bá cho đặc sắc của vùng đất, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn đối với một đô thị di sản hội tụ nhiều yếu tố để được yêu thích như Hội An, bộ sản phẩm “Dấu ấn ẩm thực Hội An”, hẳn còn mang nhiều ý nghĩa hơn vậy…

LÊ QUÂN - MINH HẢI

LÊ QUÂN - MINH HẢI