Giữ ngọn lửa đam mê
Trong số 7 chi hội trực thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Văn nghệ dân gian (VNDG) là chi hội “trẻ” nhất và chịu nhiều xáo trộn nhất: Thành lập giữa tháng 10 năm 2012, sau đó phải trải qua 2 lần tách - nhập với một chi hội khác và có tới 3 lần thay đổi người đứng đầu. Tuy nhiên, ngọn lửa đam mê của những người chuyên tìm kiếm, khơi gạn, tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn vô tận trong dân gian không vì thế mà nguội lạnh.
Hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do Chi hội VHDG Quảng Nam chủ trì thực hiện. Ảnh: BẢO ANH |
Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng Chi hội VNDG, dù phải trải qua nhiều xáo trộn, nhưng nhờ vào lòng đam mê và bản lĩnh, anh em hội viên của chi hội vẫn gắn bó, thủy chung với công việc của mình. Ông An bộc bạch: “Công việc mang tính đặc thù nên anh em chúng tôi làm việc với tính độc lập cao. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn đôi ba lần ngồi lại với nhau để bàn bạc về những việc cần làm, nên làm, phải làm và đặc biệt, để nhắc nhau theo đuổi tôn chỉ, mục đích đã đặt ra”.
Bằng tinh thần ấy, cộng với sự hỗ trợ, động viên kịp thời của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các hội viên của Chi hội VNDG đã tích cực tham gia sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy các giá trị văn hóa, VNDG trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, đã có 12 công trình, đề tài sưu tầm, nghiên cứu quy mô lớn do các hội viên của chi hội làm chủ biên hoặc đồng chủ biên được công bố, xuất bản. Đồng thời một số hội viên như Trần Tấn Vịnh, Xa Văn Hùng, Phùng Tấn Đông, Trần Văn An, Tôn Thất Hướng... còn chủ trì hoặc tham gia với các nhà nghiên cứu khác xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận (và đã được công nhận) đối với 7 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Cạnh đó, từ sự “đặt hàng” của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các hội viên cũng đã thực hiện được 29 bài nghiên cứu, khảo cứu chuyên đề về văn hóa, VNDG và tất cả đều đã được nghiệm thu. Riêng trong việc phổ biến, truyền dạy văn hóa, VNDG, Chi hội VNDG từng chủ trì tổ chức thành công một hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Chưa hết, ngoài việc tham gia hội thảo hoặc công bố công trình trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, một số hội viên của Chi hội VNDG còn trực tiếp tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và biên soạn các tài liệu giảng dạy có giá trị. Các giáo trình, tài liệu về giảng dạy văn học dân gian bậc đại học, giảng dạy dân ca cho thiếu nhi, tài liệu về di sản văn hóa dành cho hướng dẫn viên du lịch, tài liệu truyền thông về khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm... đang được sử dụng rộng rãi ở Quảng Nam hiện nay đều là sản phẩm của các hội viên Chi hội VNDG.
Chỉ với 9 hội viên chính thức và 5 hội viên “ghi danh”, có thể nói những gì mà tập thể Chi hội VNDG Quảng Nam làm được trong thời gian qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, theo nhiều anh em hội viên của Chi hội VNDG, thì so với những tầng vỉa vô tận của VNDG xứ Quảng, những gì họ đã làm được vẫn còn rất nhỏ bé. Như với vùng đồng bằng, ngoài thơ ca hò vè hay chuyện cổ dân gian đã được khai thác, sưu tầm tương đối đầy đủ thì vẫn còn đấy lớp lớp giá trị tiềm tàng của hò bả trạo, của hô hát bài chòi, các không gian lễ hội và các trò diễn dân gian khác... Ở vùng cao, ngoài các làn điệu dân gian truyền thống đã được biết đến ít nhiều còn có vô số những câu chuyện kể, rồi nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc và các lễ hội đặc trưng của từng tộc người... Ngoài những cái cụ thể ra, trong hầu hết sinh hoạt đời thường, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân lại còn có sự đan cài của các loại hình VNDG khác nhau, không dễ gì khai phá hết. Và đâu chỉ có vậy, theo nhà nghiên cứu Trần Văn An, bên cạnh việc sưu tầm, khai thác các giá trị phong phú, đa dạng của VNDG, đã đến lúc phải đặt ra việc chỉnh lý, đối sánh, nghiên cứu, hệ thống hóa... để khẳng định giá trị và xa hơn là tính đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị đặc hữu của chúng.
Chỉ điểm qua như vậy cũng đủ thấy, việc nên làm, phải làm, cần làm đối với di sản VNDG vẫn còn rất lớn. Vậy nên, dù tâm huyết đến đâu chăng nữa nhưng chỉ với một nhóm người ít ỏi (mà hầu hết lại đang làm việc kiêm vai - vừa làm công chức, vừa làm quản lý, vừa làm nghiên cứu) đang được tập hợp trong Chi hội VNDG như vậy, vẫn khó để tính đến những việc lâu dài và to lớn hơn.
BẢO ANH