Sắc màu tình hữu nghị
Xen giữa những sắc màu truyền thống của đồng bào các dân tộc đến từ huyện Nam Giang, là những không gian độc đáo, cùng nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị, được tái hiện trong ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II, được tổ chức tại tỉnh Sơn La mới đây.
Các thiếu nữ vùng cao Quảng Nam trong trang phục truyền thống tại ngày hội. Ảnh: DUY NGUYỄN |
Độc đáo sắc màu văn hóa
Là địa phương miền núi duy nhất đại diện cho Quảng Nam tham gia ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào, đoàn Nam Giang đã mang đến những sắc màu truyền thống đầy ấn tượng với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Theo ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, bên cạnh tham gia thi đấu các nội dung của môn thể thao và trình diễn trang phục truyền thống, nghệ thuật quần chúng… đoàn Quảng Nam còn mang đến ngày hội không gian trưng bày ẩm thực, các sản vật đặc trưng của vùng và giới thiệu một số lễ nghi văn hóa truyền thống, cùng những nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng ở vùng cao xứ Quảng. Bản sắc của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… chính là sức hút để du khách ghé thăm, cùng chiêm ngưỡng, hòa mình đắm say trong vũ điệu truyền thống và nhịp cồng chiêng rộn rã.
Suốt thời gian diễn ra ngày hội, khu vực trưng bày triển lãm sản vật của đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang luôn là điểm đến thu hút du khách. Những chiếc gùi, nỏ, ché và cả các loại thổ cẩm truyền thống được bài trí đẹp mắt tạo nên điểm nhấn văn hóa vùng miền rất độc đáo. Trong đó, chương trình tái hiện nghi thức lễ cưới của người Cơ Tu được nhiều người đánh giá là không gian hội tụ sắc màu truyền thống còn khá nguyên bản, rất có giá trị về chiều sâu văn hóa bản địa. Theo đó, đội hình được chọn để tái hiện lễ cưới Cơ Tu lần này đều là những hạt nhân văn hóa tiêu biểu của địa phương, rất am hiểu về phong tục truyền thống. Ngoài ra, sự cộng hưởng từ lớp trẻ cũng là yếu tố để chương trình tái hiện lễ cưới thêm chân thực cho người xem.
Hay đêm hội trình diễn trang phục truyền thống, Quảng Nam cũng góp mặt với lung linh sắc phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Ve và Tà Riềng, qua phần trình diễn của những người mẫu không chuyên đến từ các bản làng đồng bào vùng cao Nam Giang. Chính sự mộc mạc trong phong cách biểu diễn của các “chủ nhân văn hóa” đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách và người xem tại Sơn La. “Toàn bộ các hiện vật mang đi trưng bày tại ngày hội, được chúng tôi sưu tầm, tái hiện một không gian truyền thống mang đậm tính đặc trưng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Trên cơ sở chương trình thi ẩm thực các năm do địa phương tổ chức, chúng tôi cũng đã tiến hành chọn nghệ nhân phụ trách và chuẩn bị các món ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của người Cơ Tu kết hợp với hình thức trưng bày truyền thống, gắn với tự nhiên một cách hài hòa, chân thật nhất” - ông Sơn cho biết thêm.
Cơ hội quảng bá du lịch
Quảng Nam đứng thứ 3 toàn đoàn Kết thúc ngày hội, đoàn thể thao huyện Nam Giang (đại diện cho Quảng Nam) xuất sắc đứng thứ ba toàn đoàn (sau đoàn chủ nhà Sơn La và Điện Biên) với 2 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 10 huy chương đồng. Riêng về nội dung văn hóa đoạt 3 giải A, 2 giải B, 1 giải C; các tiết mục văn nghệ quần chúng đoạt 2 giải A; thi trình diễn các trang phục dân tộc đoạt 1 giải B và giới thiệu ẩm thực, không gian văn hóa, cùng nghi lễ tục cưới hỏi Cơ Tu đều đoạt giải A. |
Chị Hiền Thị Thúy (người dân tộc Ve), một trong số hơn 100 diễn viên, vận động viên huyện Nam Giang cùng tham gia ngày hội cho hay, đây là cơ hội quý khi được trực tiếp mang những sắc màu văn hóa của đồng bào đến với ngày hội và bạn bè khắp mọi miền đất nước. Vì thế, cứ sau mỗi lần trình diễn, Thúy cùng các thành viên trong đoàn đều tranh thủ thời gian để quảng bá nét đẹp của đồng bào mình, thông qua các không gian trưng bày triển lãm và giao lưu văn hóa nghệ thuật quần chúng… Những sắc phục truyền thống được các cô gái Cơ Tu, Ve, Tà Riềng khoác lên mình đẹp ngỡ ngàng trong ánh mắt của du khách, khiến ai cũng trầm trồ. “Đây là dịp để mang những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình cũng như các dân tộc huyện Nam Giang đến với du khách, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Qua đó, góp phần để nhiều người biết hơn về vùng đất và con người Nam Giang nói riêng và Quảng Nam nói chung” - Thúy chia sẻ.
Tại khu trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch huyện Nam Giang do Hợp tác xã làng dệt Za Ra (xã Ta Bhing) phụ trách, luôn níu chân du khách bởi các sản phẩm nghề truyền thống Cơ Tu độc lạ, đẹp mắt. Từ chiếc váy thổ cẩm, túi xách, túi đựng điện thoại, ba lô, đến những vật dụng trang trí trong nhà… được cách điệu, lung linh màu sắc. Đặc biệt, các công đoạn tạo ra sản phẩm trong nghề dệt truyền thống được phụ nữ Cơ Tu trình diễn ngay tại khu trưng bày khiến du khách thích thú. Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, khu triển lãm giới thiệu ảnh nghệ thuật về tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa huyện Nam Giang và Đắc Chưng cũng được trưng bày. “Thông qua ngày hội lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc huyện Nam Giang trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông và hai huyện Nam Giang - Đắc Chưng nói riêng” - ông Aviết Sơn nói.
ALĂNG NGƯỚC