Lách...
Không kể những pha lạng lách của các tay “hung thần xa lộ”, không kể những chiêu luồn lách vẫn luôn âm thầm diễn ra trong bóng tối nhằm “chạy” các loại như chạy chức, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy dự án…, trong đời còn rất nhiều hành vi “lách” khác với tính chất và mục đích không giống nhau. Có thứ “lách” vì danh lợi, vì muốn vượt trội hơn người, nhưng cũng nhiều trường hợp “lách” chỉ để yên thân, yên phận…
Lách luật
Thế giới từng chứng kiến những chuyện “lách luật”, những chiêu trò khiến ngân khố các quốc gia bị thất thoát, trong đó nhiều nhất là hành vi “lách thuế”. Hoa Kỳ tuy là nước có hệ thống thuế khóa chặt chẽ hàng đầu thế giới nhưng mỗi năm cũng mất hàng trăm tỷ USD tiền thuế từ các động thái hợp pháp như: lập quỹ từ thiện hoặc quyên góp cho các cơ sở tôn giáo; chuyển tiền sang các “thiên đường thuế” trên thế giới mà nổi tiếng nhất gần đây là Panama; đổi quốc tịch theo một công ty con ở nước ngoài… Một số tập đoàn đa quốc gia từng tai tiếng vì những chiêu lách thuế. Ngay cả đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang bị dư luận cho rằng đã né nộp thuế suốt 18 năm bằng cách xuất trình các chứng cứ kinh doanh thua lỗ. Còn trên số liệu minh bạch của các công ty, lấy ví dụ Apple, nếu tập đoàn này chuyển tất cả tài sản về Hoa Kỳ thì nước này thu thêm được gần 60 tỷ USD tiền thuế, tương đương 67% ngân sách chi cho giáo dục. Kinh!
Tranh biếm họa về lách thuế. Nguồn: Internet |
Ở nước ta, không kể vô số trường hợp cố tình chây ì trốn thuế, riêng việc khai thác kẽ hở của các văn bản pháp quy để lách thuế cũng đã làm ngân sách thất thoát. Nhiều đối tượng luôn tìm cách lách, né các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Có câu chuyện rằng, hai chị em dâu muốn chuyển nhượng cho nhau một lô đất. Để lách thuế, họ tính khai báo bằng phương thức “biếu tặng”. Nhưng theo luật, chị em dâu lại không nằm trong các mối quan hệ miễn thuế của phương thức này. Họ nghĩ ra cách “biếu tặng” qua trung gian là cha chồng, nghĩa là cô dâu thứ nhất biếu lô đất cho ông cha chồng rồi ông này biếu lại cho cô thứ hai. Hoàn toàn “đúng quy trình”!
Gần đây, có việc phát hiện một số công ty ở nước ta lách thuế bằng chiêu “chuyển giá”, nghĩa là khai báo nâng giá trị nguyên vật liệu nhập từ “công ty mẹ” ở nước ngoài về rồi báo lỗ để miễn thuế TNDN. Ngành thuế và các cơ quan chức năng phải tốn rất nhiều công sức mới có thể phanh phui chiêu trò “đùm bọc nhau giữa mẹ con” này.
Viết lách
Có một “nghiệp vụ lách” đặc biệt mà giới nhà văn, nhà báo thường phải sử dụng. Đó là trong khi “viết” phải biết “lách”. Trong truyện ngắn “Những chuyện không muốn viết”, nhà văn Nam Cao đã kể những tình tiết bi hài, là sau khi viết truyện một người đàn ông có vợ, truyện một con chó mực, truyện một thằng say rượu, thì ông bị một số người đòi hành hung, cho là có ý đồ bôi nhọ họ. Nhà văn định “lách” sang các đề tài khác như buồng cau, cây chuối, buổi hoàng hôn, con lợn… nhưng cũng cảm thấy không yên nên bèn “lách” một phát “chắc cú” nhất là viết về chính mình. Nhưng chẳng lẽ lại đem mình ra viết mãi?
Trong mỗi quốc gia và cả trên thế giới luôn luôn tồn tại những vấn đề “nhạy cảm”. Dù là văn thơ, báo chí hay nhạc họa…, ai chạm mạnh vào những “huyệt đạo” này thì coi chừng sự nghiệp phút chốc sẽ đi đời, có khi còn toi mạng. Con nhớ vụ nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie, tác giả cuốn “Những vần thơ của quỷ Satan” xuất bản năm 1988 đã làm cả thế giới Hồi giáo nổi giận, và cái đầu ông đã được treo giá đến 3,3 triệu đô la sau nhiều lần… lên giá. Rồi năm 2015, một vụ thảm sát làm thiệt mạng 12 người đã xảy ra tại tòa báo Charlie Hebdo ở Paris chỉ vì một bức biếm họa trên trang nhất… Tất cả chỉ vì các tác giả này đã không chịu… “lách” những vấn đề cực kỳ nhạy cảm về đức tin tôn giáo, khiến những kẻ quá khích nổi giận.
PHAN VĂN MINH