Nghệ thuật và bản năng cô độc
Đọc “Kafka bên bờ biển” (Haruki Murakami), người viết thích đoạn “Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn tới cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở (…). Vì cơn bão cát ấy không phải cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó …”. Đó là đoạn độc thoại của một cậu nhóc 15 tuổi trốn nhà đi hoang vì không chịu nổi người bố của mình và để thoát khỏi lời nguyền mà người bố đã giáng xuống đầu cậu.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nguồn: Internet |
Rồi liên tưởng đến cố nhà văn nổi danh gốc Do Thái nói tiếng Đức – Franz Kafka (Quốc tịch CH Czech) và tác phẩm “Thư gửi bố” của ông. Đó là một dạng tự truyện có giá trị văn chương cao, viết dưới dạng một bức thư kéo dài. Tác phẩm bóc trần những bi kịch tuổi thơ cay đắng, u uất khi cậu bé F. Kafka phải sống bên cạnh cái bóng quá lớn của cha mình – Hermann Kafka. Một gia đình kiểu mẫu, sung túc, có giáo dục đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề suốt tuổi thơ của nhà văn khiến ông thành đứa trẻ “rầu rĩ, lơ đễnh, không vâng lời, chỉ nghĩ cách chạy trốn, mà thường là chạy trốn vào nội tâm”. Cho đến tuổi trưởng thành, cha ông vẫn phản đối quyết liệt cuộc hôn nhân của con trai mình. “Thư gửi bố” cũng hé lộ nỗi buồn thời thơ ấu của nhà văn lỗi lạc. Bên cạnh người bố mạnh mẽ và độc đoán, F. Kafka lúc nào cũng như con ốc trốn trong cái vỏ cô đơn. Văn học đã cứu rỗi ông như từng cứu vớt biết bao người. Có lẽ chỉ có văn chương mới chạm đến được cõi lòng sâu thẳm đó. Những năm tháng lao động tinh thần “khổ sai” đã chắp cánh cho thiên tài bay cao và vang xa với những “Lâu đài”, “Hóa thân”, “Hang ổ”,“Vụ án”… cùng một thứ quyền lực bí ẩn của tài năng văn chương. Như một sự khải thị của chữ nghĩa và bản năng cô độc. Chẳng phải theo quan niệm “phu chữ” như Lê Đạt mà như một sứ mệnh đã được an bài.
Cũng những u uẩn không thể lý giải/hóa giải của một đời người, người viết nhớ đến Mạc Đại tiên sinh – một nhân vật ẩn dật trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung. Là chưởng môn phái Hành Sơn nhưng con người này áo quần, dáng vẻ tả tơi như một lão ăn mày. Hành tung lại vô định và bí ẩn. Âm nhạc và kiếm pháp cao diệu ẩn trong khúc “Tiêu Tương Dạ Vũ” (Đêm mưa trên bến Tiêu Tương) trở thành ngoại hiệu của Mạc Đại và số phận của ông cũng nhuốm màu bi ai như tiếng hồ cầm: Bị tên ngụy quân tử Nhạc Bất Quần và kẻ bất nhân/tiểu nhân Tả Lãnh Thiền hãm hại. Cuộc đời Mạc Đại tiên sinh đầy uẩn khúc và bi tráng như chính tính cách hào sảng của ông. Cũng vì thế, trong “Tiếu ngạo giang hồ”, người viết thích ông hơn cả Lệnh Hồ Xung. Ai đó gọi ông là “Cánh chim cô đơn giữa biển người”. Hình như Huỳnh Ngọc Chiến bảo đấy là “Cánh độc hạc u hoài”. Còn người viết thích diễn giải: Mạc Đại tiên sinh là cánh vân hạc ngao du vô biên trong cõi phù sinh hữu hạn.
Một cá thể độc đáo, tài năng khác - tượng đài thi ca của Tây Ban Nha F. Garcia Lorca (1898 – 1936, được xem là nhà thơ lớn nhất Tây Ban Nha thế kỷ XX, bị chính quyền phát xít thủ tiêu trong thời gian đầu cuộc nội chiến), cũng có một số phận oan khuất và bi tráng. Trong suốt hành trình ngắn ngủi làm người, Lorca luôn đấu tranh cho tự do, cái đẹp và sự tiến bộ của loài người. Có thể nói ông là một nghệ sĩ “đã hát lên bằng thơ sức sống của dân tộc mình” qua cây đàn ghi-ta nổi tiếng như chính cuộc đời đầy ý nghĩa của nhà thơ, nhà soạn kịch tài hoa này. Bên cạnh suối nguồn văn hóa dân gian Tây Ban Nha thấm đẫm vào từng đường gân thớ thịt của chữ nghĩa và nuôi lớn hồn thơ Lorca, thơ ca của ông còn chất chứa sự ám ảnh về cái chết và nỗi cô đơn kiệt cùng của đời người. Bởi con đường đi đến tinh hoa của cái đẹp và nghệ thuật bao giờ cũng song hành với đơn độc: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Ghi nhớ). Âm nhạc đã trở thành linh hồn, tiếng đàn cũng hóa thành bất tử và đau nỗi đau của định mệnh nghiệt ngã: “Ơi ghi-ta/Trái tim người tử thương/Dưới năm đầu kiếm sắc” (Đàn ghi-ta). Trong bài “Than thở về cái chết”, G. Lorca dùng hình thức tượng trưng để biểu đạt tư tưởng và cảm xúc nhưng vẫn có những câu thơ đầy day dứt khi đối mặt với kiếp nhân sinh: “Tôi sinh ra đời với đôi con mắt/ Và lúc này, không còn mắt, ra đi/ Hỡi Đức Chúa của nỗi đau lớn nhất!…”. Có thể nói nhà thơ Thanh Thảo đã rất tài tình khi nắm bắt được cái “thần” trong chân dung của Lorca chỉ qua vài câu: “Li-la li-la li-la/ Đi lang thang về miền đơn độc/ Với vầng trăng chếnh choáng/Trên yên ngựa mỏi mòn…” (Đàn ghi-ta của Lor-ca). Hình ảnh người nghệ sĩ – kỵ sĩ du ca trên nền tảng văn hóa đậm bản sắc Tây Ban Nha cùng với tiếng ghi-ta khắc khoải cô độc “li la…” còn gợi đến vẻ đẹp của loài hoa tử đinh hương (tên gọi khác là “li-la”). Cái đẹp của nghệ thuật (thi ca và âm nhạc) đối lập với bạo lực, tàn ác của chính quyền phát xít Franco vĩnh viễn tạc nên hình tượng F.G. Lorca cô đơn và bất tử.
Có lẽ khi sáng tác “Bên đời quạnh hiu” Trịnh Công Sơn cũng chìm xuống vực thẳm của nỗi cô đơn. Nhưng chính nỗi buồn trong trẻo nảy sinh trong đơn độc đã như đôi cánh thiên thần nâng những ca từ của ông vút bay cao: “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi…”. Trịnh tiên sinh nói về cái chết không như một sự ám ảnh, mà như một chuyến đi định mệnh của đời người trong cõi lòng an nhiên tự tại. Bởi tiên sinh biết tha nhân đều “Ở trọ” trần gian và mỗi người phải tự nguyện vác thập tự của chính đời mình: “Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta” (Ngẫu nhiên). Đấy không phải là nhận thức siêu hình học mà là thức nhận hữu hình của “trăm năm cô đơn” (Mượn tên tác phẩm của G. García Márquez, nhà văn nổi tiếng người Colombia).
Người lữ hành cô độc trên hành trình nghệ thuật có thể dừng chân ở bất cứ mái - hiên - đời nào. Nhưng chỉ có một ngôi nhà chung cho kẻ lữ thứ mỏi mệt dừng bước: nỗi cô đơn. Và bất luận u buồn nào cũng sẽ có nơi trú ngụ ở đó.
NGUYỄN THOẠI VY