Cảm thức yêu
Trong thi ca Việt Nam, có lẽ người đầu tiên dám “định nghĩa” khái niệm “yêu” là nhà thơ Xuân Diệu:
Yêu, là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu...
(Yêu)
Romeo và Juliet. Nguồn: Internet |
Thực ra câu đầu là “thơ chế” lại từ một điệp cú trong bài Rondel del’adieu (Khúc ca vĩnh biệt) của Edmond Haraucourt (nhà thơ Pháp, 1856-1941): “Partir, c’est mourir un peu” (Đi là chết một ít), còn câu thứ ba thì mượn nguyên ý của Félix Arvers (1806-1850): Offrir beaucoup, et recevoir bien peu de choses (Cho đi nhiều, và nhận lại rất ít). Dẫn dài như thế để thấy rằng ngay cả các nhà thơ lãng mạn, vốn được cho là những người… “chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì” cũng không dễ tự mình làm rõ được cái cảm thức “yêu” đã từng trú ngụ trong lòng. Nhiều nhà thơ khác tuy không tường minh cái “triệu chứng” yêu nó biểu hiện… “lâm sàng” ra làm sao nhưng cũng có những kiểu diễn đạt theo cách của thơ. Từ Nguyễn Du đã có “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Hay như Nguyễn Công Trứ, một bậc túc nho, từng làm quan to nhưng có lúc cũng phải vật vã bởi cái nết tương tư:
Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện
Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao…
(Tương tư)
Với Nguyễn Bính, yêu là lúc nào cũng cảm thấy hình bóng của nàng hiển hiện đâu đây, ngay cả trong… cốc rượu đầy giữa chiều biên tái:
…Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say.
(Một trời quan tái)
Rồi ghen, với cả những thứ vô tri:
…Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay bể lắm người…
(Ghen)
Còn Nguyễn Nhật Ánh, một thời làm thơ và sau đó là nhà văn với những tác phẩm “hot” nhất dành cho tuổi mới lớn, đã có những câu thơ lung linh trong veo về tình yêu của lứa tuổi này:
…Khắp đất trời mới mẻ lạ lùng sao
Thế giới đẹp như trang hoàng trở lại
Những chiếc lá rụng trong chiều lộng lẫy
Cũng nghiêng mình thủ thỉ lúc ta qua…
(Có một buổi chiều nào)
Thực ra, các nhà thơ dân gian còn đi trước rất xa những nhà “văn chương bác học” trong cách diễn giải tâm trạng yêu đương. Với cách nói giản đơn của những tâm hồn chân chất, yêu bao giờ cũng song hành cùng nỗi nhớ:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
(Ca dao)
Không chỉ ngẩn ngơ mà nhiều khi còn bồn chồn, “nóng hơ” trong dạ “như đứng đống lửa, như ngồi đống than (Ca dao)”. Rồi thẫn thờ, bần thần đến nỗi quên ăn biếng uống:
…Cơm ăn mỗi bữa một lưng
Nước uống cầm chừng để dạ thương em.
(Ca dao)
Trong đời mình, trừ những người có… tâm sinh lý không bình thường, ai chẳng đã từng yêu một người. Ở tuổi mới lớn, cái tình cảm đó thật là tuyệt diệu và phi thường. Khi một cậu thiếu niên trở nên lịch thiệp và ra dáng nam nhi hơn, hoặc một thiếu nữ bỗng dưng trở nên mơ mộng và dịu dàng hơn, thì chắc mười mươi là họ đã yêu rồi đó. Có ai còn nhớ không? Cái cảm giác đau âm ỉ thường trực trong ngực trái nếu khi yêu mà chưa được “người ấy” đáp đền; cái niềm rạo rực lúc tay trong tay trao gửi lời yêu; và… ôi, cái xúc cảm thần tiên khi lần đầu được áp môi hôn!… Hình như lâu nay cái “tiến trình” đi đến yêu nhau của phần lớn các cặp đôi đều diễn ra như thế.
“…Tình yêu như trái phá con tim mù lòa…” (Tình sầu - Trịnh Công Sơn). Nhiều người bảo tình yêu đích thực bao giờ cũng bắt đầu như một “tiếng sét”, hay như một “chấn thương” trong tâm hồn. Nó là một phần của định mệnh, một sự đã rồi. Nó có thể song hành với ta trọn đời nhưng cũng có thể sớm nở tối tàn như một đóa hoa thơm. Ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể hiểu được nó bằng nhận thức lý tính. Yêu, vẫn mãi yêu hay không còn yêu nữa đều nằm ngoài sự toan tính của con người. Ngay cả hôn nhân cũng chỉ nên diễn ra khi tình yêu đã thăng hoa đến một đỉnh cao mà hai tâm hồn đều cảm thấy khó lòng giữ được thăng bằng. Tuy nhiên lại có những trường hợp mà cái gọi là “tình yêu” không diễn ra như thế. Không kể tập quán “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” ở thời phong kiến; không kể có thời yêu nhau phải dò xét… lý lịch gia đình; một số người trẻ ngày nay có thể bắt đầu “kế hoạch yêu” bằng cách tự mình đi “xem mặt”, điều tra gia cảnh, công việc, bằng cấp… rồi chấm chọn, thậm chí không trao nhau được một lời yêu bởi ngôn ngữ bất đồng. Không có “trái phá” nào khai sáng cho con tim mù lòa. Không có cơn đau nào âm ỉ râm ran trong lồng ngực, cũng không có những nỗi niềm mong nhớ, đợi chờ…, nghĩa là họ “mất trắng” những cung bậc của cái cảm thức yêu đương huyền diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi con người chúng ta trên thế gian này.
PHAN VĂN MINH