Vọng cuộc hội làng...

LÊ QUÂN 07/05/2017 09:55

Những ngư dân và cả nông dân, cứ bền bỉ duy trì niềm yêu mê của mình, theo cách của riêng họ. Không ở đâu xa, nghệ thuật truyền thống và câu chuyện bảo tồn, với họ, đều ở trong những cuộc hội làng…

Và hẳn những cuộc hội, bao giờ cũng vậy, càng ít sân khấu dàn dựng bởi ngành này sở kia, càng cuốn hút người ta tham gia. Những người ở làng, hình như, muôn đời vẫn thích những đôi chân bàn tay thô mộc diễn tấu, cả khi những tiết mục vấp váp vì lạc điệu sai lời, cả khi không gian biểu diễn chỉ là một khoảnh sân, một bãi biền hay trên dải cát biển trắng phau của quê nhà.

Hội làng Tam Thanh. Ảnh: Phương Thảo
Hội làng Tam Thanh. Ảnh: Phương Thảo

Cuộc hội trên cát…

Những ngày cuối tháng Ba. Nắng rát. Cát bỏng chân. Nhưng hội làng biển Tam Thanh vẫn đầy chật người tham dự. Họ là những ngư dân, bữa nay nghỉ biển ở nhà nghe bả trạo. Cũng đôi người chạy chợ với đủ thứ việc. Nhiều “ông bà chủ” của hàng quán dọc biển Hạ Thanh… Họ í ới gọi nhau, tới xem ông Trung làm Tổng, ông Rô làm Khoang… Những người đàn bà thì tất bật hơn, nào vừa bày mâm cúng vừa dỏng tai nghe bả trạo. Sau bữa cúng thì bận gì cũng dẹp qua bên, mà coi đoàn dân ca bả trạo của làng diễn tấu. “Sân khấu” là mênh mông cát trắng. Vậy mà hàng nghìn người say sưa. Có cụ ông tóc bạc phơ, cụ bà môi đỏ au bỏm bẻm nhai trầu, gật gù theo điệu trống đưa. Hình như họ, những người ở biển này, bả trạo không đơn thuần chỉ là nghệ thuật. Nó là ký ức văn hóa, là cha ông một thuở, hay có khi, là cả cuộc sống hiện tại của họ. Cuộc sống giữa đầu sóng ngọn gió, chưa bao giờ thiếu những tiếng hò khoan hố hợi… Anh Lê Thành Trung, là công an xã, được trời phú cho giọng ca, mới 37 tuổi đã được mấy cụ ông ưu ái chọn làm tổng mũi. “Tui cười quá trời vì cái lựa chọn này. Cười vì vui. Cười vì mình được tin tưởng để các cụ gửi gắm bao nhiêu là yêu thương. Và vì thế mà dốc sức tập cho ngày hội này” - anh Trung nói. Người đàn ông có vóc dáng thư sinh, vậy mà vào vai Tổng Mũi, ngọt lịm, lấy không biết bao nhiêu ánh nhìn trìu mến của những cô gái làng biển.

Tuồng đồ vẫn còn sức hút. ẢNH: S.A
Tuồng đồ vẫn còn sức hút. Ảnh: S.A

Ông già Đỗ Mỹ Tân, tuổi ngoài bảy mươi, quê gốc Tam Thanh này, theo cuộc mưu sinh, dựng nhà tuốt ngoài Bình Giang (Thăng Bình). Vậy mà năm nào, hội cầu ngư vùng biển này cũng chưa bao giờ thiếu bóng dáng ông. Năm nay, ông xăng xái chạy vòng ngoài, lo từ trang phục cho tới lời hát, điệu múa. Ông nói một hơi với người xem đang vây quanh mấy anh tổng, rằng diễn xuất ăn thua nhau ở tổng mũi. Một đội hát múa bả trạo thường gồm có 3 tổng: tổng mũi thường là tổng chỉ huy; tổng thương (tổng khoang); tổng lái và khoảng từ 12 đến 20 người làm “con trạo”. “Năm nay anh Trung làm tổng mũi tốt lắm đó bà con” - ông khấp khởi vui. Bởi ông Tân, hình như không nhớ mình đã “chỉ huy” bao nhiêu lễ hội của làng, trong vai trò tổng mũi này. Chỉ với 6 làn điệu: thán bạch, xướng bạch, xướng ai, thán ai, bắc bài, hát phú,  nhưng người hát bả trạo đã biến tấu để nó trở thành nhiều khúc hát khác nhau. Suốt quãng thời gian dài, ông già Tân theo tàu bè đi khắp nơi, từ những vùng biển trong khu vực miền Trung đến tận những bãi biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Tới đâu, ông cũng nghe ngóng xem ở đó có những điệu hát gì. “Mình nghe nhiều, “hấp thu” cũng nhiều, nhưng vẫn tự hào là không ở đâu có những điệu bả trạo hay như của quê mình” - ông tâm sự. Vừa là cơ duyên, vừa có tình yêu và đam mê, ông Tân không ngại ngần đi khắp nơi trong tỉnh sưu tập lại những khúc hát quê biển, lại còn tự biên thêm nhiều khúc hát khác. Như cuộc hội năm này, ông đưa chuyện Hoàng Sa, Trường Sa vô lời hát của mấy tổng. Tự nhiên, lòng ai cũng sục sôi như kiểu máu thịt mình đang đau… “Trời của ta, đất của ta/Tự hào biết mấy, ông cha giữ gìn”, sau khúc đồng ca này, là hàng loạt tay chèo vỗ mạnh vào mạn thuyền, như đang khởi lên tinh thần của người làng biển.

Nặng lòng với bả trạo, những người con của “vạn biển” ấp ủ những ước mơ xa hơn với nghệ thuật truyền thống của quê mình. Một cuộc “truyền lửa” bền bỉ cứ kế tiếp nhau, từ ông già Đỗ Mỹ Tân đến ông Nguyễn Tấn Nga, Nguyễn Quốc Rô hay bây giờ là Nguyễn Thành Trung. Các thế hệ đàn ông làng biển cứ vậy âm thầm cùng câu chuyện bả trạo trong suốt hành trình làm ngư dân, làm người làng biển của mình. Xuân kỳ, thu tế, cầu ngư, nghinh Ông…, những lễ hội chưa lần thiếu bước chân của những nghệ nhân già, như ông Đỗ Mỹ Tân. Ông Tân bảo mình tự tay làm mão, may áo cho đội bả trạo. Bộ trang phục diễn đã có tuổi hơn chục năm rồi, mà từng đường kim, mũi chỉ vẫn sắc sảo. “Lò hương nghi ngút, cảnh vật thảnh thơi/Biển Đông mình giúp đỡ nơi nơi/thần Nam Hải oai phong lẫm lẫm/Công tế độ đáng thêu bia gấm/Cõi vô thường còn động lòng vàng/Cảnh án duyên có vạn có làng/Xin chúng đẳng chỉnh tề bái yết…”. Tiếng hô sang sảng, ông Tân tái diễn nghi thức tế lễ linh thiêng nhất của “vạn”, với bước đi hia sao cho oai phong, để ông tổng mũi Nguyễn Thành Trung bận sau diễn “cho tới” hơn nữa.

Vang vọng trống tuồng…

Rời cuộc hội của làng quê ven biển, lại nghe âm vang của tiếng trống chầu giục lên đâu đó. Coi vậy, mà đã 25 năm tròn trĩnh, đất nương dâu bãi biền Duy Xuyên có một Hội Bảo trợ tuồng, với đủ thứ câu chuyện chỉ vì một điều duy nhất: giữ cho tiếng trống tuồng còn vang dẫu qua dâu bể thời gian. Cụ ông Nguyễn Quỳnh, người khởi lên ý tưởng này, cũng là người cứ bền bỉ với hành trình tìm cho tuồng một chỗ đứng đương đại. Bằng niềm mê đắm những trích tuồng cổ, những hồi trống chầu, những giai điệu xưa, và dụng nhiều cách, ông Quỳnh quyết không để tuồng chìm vào quên lãng. Ngay trên những sân khấu làng, với cái mộc mạc, thô ráp của những “đào”, những “kép” học từ phương cách truyền miệng, tuồng dễ đi vào lòng người hơn là trên những sân khấu lớn, chỉn chu từ ánh sáng đến giai điệu. Trong hành trình bảo tồn tuồng bằng tâm huyết của cả một đời say mê, cụ Nguyễn Quỳnh vẫn chọn đất Duy Xuyên, chọn những “lớp người sau” được nuôi nấng từ cái nôi của tuồng.

Và “quả ngọt” được hái sau những ngày gian nan. Sân khấu học đường, với dự án đưa tuồng vào trường học ở Duy Xuyên, đã khởi đi những tia nhìn tươi sáng. Những lớp học tuồng già dặn theo thời gian. Những đứa trẻ mê tuồng và biết diễn tuồng, cũng bắt đầu lớn lên. Và chúng, đang khấp khởi bước bằng niềm say đắm được truyền lại từ ông lão tuổi đời đã chuẩn bị cho một cuộc đi dài. Từ chính sự phát hiện của cụ Nguyễn Quỳnh, trong danh sách 14 em Quảng Nam do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chọn để theo học chuyên nghiệp tại trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, trong đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” do Bộ VH-TT&DL xây dựng, thì đã có tới 6 em của huyện Duy Xuyên.

Thì cũng như những nghệ nhân bả trạo của vùng quê ven biển, cụ ông Nguyễn Quỳnh chưa bao giờ thôi mê say với câu chuyện tuồng đồ. Mỗi năm mấy bận cụ mời cho được những nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về bày cho trẻ con Duy Xuyên những điệu tuồng xưa. Ở Hội An, cũng như cụ Quỳnh, nhà ông Lê Phú Hải như thể nghĩ tuồng là cơm ăn nước uống, đêm cuối tuần diễn xướng ở góc phố, ngày thứ bảy chủ nhật lại ra dạy trẻ con phố cổ. Như thể, được trình tấu tuồng, được truyền tuồng cho lớp kế cận, là chuyện vui nhất đời. Và cái cảm giác này, cũng lại gặp ở chính các “nghệ sĩ không chuyên” của mấy vùng đất tuồng, từ miệt Tiên Phước, từ vùng Quế Sơn, Nông Sơn. Nơi có những gánh tuồng từng là niềm tự hào xứ sở, giờ vẫn còn mạch nguồn đủ để nuôi một đam mê. Người dân vẫn nguyên sơ lòng yêu quý bộ môn truyền thống. Và hằng năm, bằng sự trân trọng, đã làm nên những đêm diễn để duy trì sức sống cho tuồng cổ.

Nghe tiếng trống chầu giục giã, thấy những “đào”, những “kép” vẫn say sưa với trích tuồng cổ, chăm chuốt cho từng bộ hia, râu, áo mão, đặc biệt là khâu vẽ mặt… mới thấy hết niềm đam mê của họ. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh - cho biết, các sân khấu ở địa phương luôn “sáng đèn” để những câu lạc bộ tuồng - dân ca của địa phương biểu diễn, chính là tín hiệu vui với câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống. “Lòng say mê nghệ thuật, tinh thần nhiệt huyết của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên… sẽ là cách hữu hiệu nhất để giữ gìn vốn văn hóa, vốn nghệ thuật dân gian” - ông Bích nói.

Và chúng tôi, những người may mắn được đi nhiều nơi, được nghe, được thưởng thức nghệ thuật cổ truyền, thì vẫn luôn hằng ao ước, mỗi cuộc hội làng sẽ giữ y nguyên ở đó bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, bằng cái điệu bả trạo, bài chòi, điệu tuồng xưa tích cũ, trong cái không gian gắn kết của… làng.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN