Nghệ thuật cho cộng đồng
“Làng văn hóa nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh” là dự án mới đang được triển khai tại xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, với mong muốn tạo nên bảo tàng sống và đối tượng hưởng lợi trước hết phải là người dân nơi đây.
Hướng đến bảo tàng cộng đồng
“Từ ý định làm cho Tam Thanh, nhưng tất cả cộng đồng dân cư, từ miền xuôi đến miền núi , hay vùng ven biển… đều có thể làm điều tương tự như Tam Thanh” - bà Lê Diệu Ánh, Chủ nhiệm dự án Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, chia sẻ. Cũng như lời của những người tham gia hoạt động đầu tiên trong dự án này, thì “văn hóa không phải là một thứ xa xỉ, khi anh biết kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, nó sẽ là nguồn tạo ra sinh kế cho cộng đồng một cách bền vững nhất”. Mang nghệ thuật đến cộng đồng, để cải thiện sinh kế cho người dân, giữ lại không gian và bản sắc của những ngôi làng lâu đời, là ý niệm đầu tiên đưa họ, từ họa sĩ, nhà phê bình văn học Phan Cẩm Thượng, Vũ Đức Hiếu - Hiếu Mường, người hình thành nên trào lưu về bảo tàng tư nhân, hay họa sĩ, nhà bảo tồn Nguyễn Thượng Hỷ, giáo sư Tô Kiên và chuyên gia về quản lý đô thị Lê Diệu Ánh… đến với Tam Thanh. Dự án chia làm 4 nhóm khác nhau: một nhóm về quy hoạch cảnh quan, một nhóm về kiến trúc, một nhóm về tiếp thị và gây quỹ và nhóm hỗ trợ cộng đồng. Sau khi làm việc với chính quyền địa phương, nhóm bắt đầu thâm nhập thực tế và đề xuất ra các hoạt động cụ thể của dự án.
Trong suốt những ngày cuối tháng 2, người dân các ngôi làng Trung Thanh, Thượng Thanh, Hạ Thanh… lại xôn xao chuẩn bị. Những chiếc ghe nan, thuyền thúng, đã lâu không dùng nữa, được mang ra, vệ sinh sạch sẽ. Một chương trình vẽ trên thúng sẽ bắt đầu ngay tại nơi họ đang sinh sống. Và những cuộc hội họp người dân theo từng tổ, lại dày lên, sau mỗi buổi chiều, lúc họ vừa trở về từ biển. Bà Lê Diệu Ánh nói rằng, như một trại sáng tác cho người nghệ sĩ, trên chất liệu thuyền thúng, cuộc sống đời thường của người dân vùng ven biển này sẽ đi vào tranh - như cái cách mà người Hàn Quốc đã đưa nó lên tường. “Chúng tôi nghĩ, ở ngay dự án này là sự sáng tạo của họa sĩ Việt Nam. Họ vẽ từ sự cảm nhận bằng tâm hồn Việt, về miền quê Việt một cách giản dị, chân phương. Chúng tôi hy vọng đây là sự khởi đầu cho một phong trào sáng tác cho các nghệ sĩ sau này. Nó sẽ tạo ra một điểm nhấn, bổ sung thêm cái nhìn của du khách về cảnh quan tự nhiên, thêm một nghệ thuật sắp đặt để du khách lưu lại, thay vì chỉ đến xem chụp ảnh rồi lại đi” - bà Ánh nói. Một “con đường thuyền thúng” đi dọc bờ biển Tam Thanh sẽ hình thành trong nay mai, với sự chuyên nghiệp từ cách bài trí đến từ chuyên gia quy hoạch cảnh quan đô thị cũng như mắt nhìn về nghệ thuật sắp đặt của các nghệ sĩ. Cùng với đó, làng bách hoa, làng không rác cùng những đào tạo bài bản về các dịch vụ, ứng xử khi làm du lịch cộng đồng sẽ được thực hiện song song trong thời gian từ nay đến hết tháng 6.2017.
Các họa sĩ đang sáng tác trên thúng tại Tam Thanh hôm 27.2. Ảnh: S.A |
Sau sự thành công ngoài mong đợi của dự án làng bích họa, ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, thành phố đang hướng địa phương đi theo lộ trình của một không gian chuyên biệt về hoạt động cộng đồng. “Trong tương lai, Tam Thanh sẽ như một trại sáng tác của các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực, chúng tôi sẽ cố gắng để năm nào cũng tạo nên một sự kiện nghệ thuật” - ông Ty nói. Và ý hướng này lại đúng như những gì các nhà hoạt động cộng đồng tìm đến Tam Thanh mong muốn. “Mong TP.Tam Kỳ và xã Tam Thanh sẽ tiếp tục tổ chức những đợt sáng tác cho các nghệ sĩ không chỉ ở Việt Nam và cả quốc tế. Lúc đó đây sẽ nơi để người làm nghệ thuật sáng tạo. Tam Thanh sẽ là nơi để họ tặng lại tác phẩm của mình. Mình tạm gọi Tam Thanh như một “bảo tàng cộng đồng” của nghệ sĩ khắp nơi và cũng là mong muốn của chúng tôi khi đặt để dự án này” - bà Ánh chia sẻ thêm.
Tương tác nghệ thuật
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia khu vực tư nhân, chuyên gia đầu ngành của quy hoạch cảnh quan, phát triển cộng đồng, tiếp thị truyền thông và các họa sĩ, giáo viên các trường đại học và gần 40 sinh viên cùng tham gia dự án. Tất cả đều tình nguyện. Những người làm dự án đều chung suy tư, là làm để bảo tồn được làng chài, trước dòng chảy của đô thị hóa và những đầu tư ồ ạt về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xa xỉ. Để làm được điều này, trước hết người dân phải sống được từ dự án, tức là phải tạo được một “bảo tàng sống” từ chính chủ thể là người dân địa phương.
“Đi làm nghệ thuật ở các nơi, bọn tôi có một nỗi lo là những nơi này về sau phát triển, kéo theo đó lượng khách du lịch tăng lên và lại trở thành miếng đất để những người làm kinh doanh nhảy vào. Cuối cùng những người nông dân, ngư dân bị đẩy ra khỏi khu vực đó. Kết quả lại không như mong muốn ban đầu. Người ta lại mất đất mất nhà. Rồi khu này trở thành resort, khách sạn, thậm chí mất cả biển, không có cả đường đi biển. Câu chuyện này tất nhiên họa sĩ không có khả năng nào để giải quyết, chúng tôi chỉ muốn nghệ thuật phục vụ cho người dân địa phương và chính quyền giữ lại khu vực dân sinh như thế này chứ đừng để biến mất trong tương lai, thì hóa ra công việc của chúng tôi thành vô ích. Tôi đi làm nghệ thuật cộng đồng cho nhiều nơi và đều thấy, các dự án luôn quan tâm đến hoạt động cộng đồng sau 5 - 10 năm sẽ như thế nào, khu dân sinh sẽ ra sao, các khách sạn resort tiến đến thì phải có những quy hoạch rõ ràng, phải giữ ngành nghề, làng xã”.(Họa sĩ Phan Cẩm Thượng) |
Nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, người đã tham gia rất nhiều vào các dự án nghệ thuật cộng đồng không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, cho rằng chính công việc làm nghệ thuật cộng đồng, ở những địa phương ít có hoạt động văn hóa vừa tốt cho người đến sáng tác, vừa tốt cho địa phương có thêm những màu sắc mới. “Những nghệ sĩ và người dân địa phương có cơ hội học hỏi nhau. Một bên tìm hiểu về ngành nghề mình không biết, một bên tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật từ bên ngoài. Sự giao thoa ấy không phải diễn ra ngay mà dần dà, từ nhiều lớp nghệ sĩ đến và đi. Thứ 2 nữa xã hội bây giờ cần đến du lịch, những hoạt động này góp phần kéo du khách đến với địa phương tham quan, tăng thêm thu nhập”. Việc đưa nghệ thuật tương tác và thâm nhập vào xã hội một cách trực tiếp, mạnh mẽ thông qua những hình thức hoạt động cộng đồng, là một phương pháp làm nghệ thuật hiện đại đã xuất hiện khoảng chừng vài năm nay tại Việt Nam. Không chờ đợi người đến xem một cách thụ động, mà trở thành những tác phẩm người dân có thể trực tiếp tham quan nghệ sĩ sáng tác, hoặc tham dự vào nghệ thuật như một phần của các tác phẩm. Cộng đồng được hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp qua việc thưởng thức nghệ thuật đa chiều như vậy, khiến các nghệ sĩ ngày càng thích thú với loại hình này.
Từ Tam Thanh, với sự khởi đầu của những nghệ sĩ Hàn Quốc - như một viên đá đầu tiên để khơi mở nên một không gian sáng tạo mới, các nghệ sĩ tìm về tiếp nối những dự án nghệ thuật khác. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, chính các bức họa làm nên sự duyên dáng cho các vuông cửa, bức tường, ngôi nhà của người dân làng chài Tam Thanh. Thì bây giờ, ông cùng các họa sĩ khắp nơi sẽ làm cho ngôi nhà thứ 2 - ngôi nhà di dộng, phương kế mưu sinh của người Tam Thanh thêm phần sống động. “Với ngư dân, thì ghe, thúng, cũng chính là ngôi nhà của họ. Chúng tôi vẽ lại những cảnh đời thường lên chính cuộc sống mưu sinh của họ, để đầu tiên, người dân địa phương thấy cái đẹp của công việc mình. Và một chút nữa, là để giúp người làng biển có thêm thu nhập từ chuyện du lịch” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ chia sẻ.
Phải đợi một thời gian nữa, khi những hoạt động cụ thể trong dự án kết thúc, thì một ngôi làng của nghệ thuật sẽ xuất hiện. Và lúc này, hoàn toàn có thể hy vọng về một mảnh đất - một bảo tàng sống - một không gian nghệ thuật ngay ở một vùng quê ven biển Quảng Nam.
SONG ANH