Buồn vui danh hiệu nghệ nhân

LÊ QUÂN 26/12/2016 10:04

Người lớn tuổi, thâm niên và giỏi nghề, lại không đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu nghệ nhân. Trong khi, cũng một ngành nghề, lại có rất nhiều người trẻ tuổi được tôn vinh bởi những danh hiệu khác nhau.

Cụ bà Nguyễn Thị Được (95 tuổi, ở làng gốm Thanh Hà, Hội An) đến cuối năm 2016 mới được xét và công nhận Nghệ nhân cấp tỉnh.
Cụ bà Nguyễn Thị Được (95 tuổi, ở làng gốm Thanh Hà, Hội An) đến cuối năm 2016 mới được xét và công nhận Nghệ nhân cấp tỉnh.

Khó khăn từ quy chế

Muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, phải dựa vào các nghệ nhân. Thế nhưng, nhiều nghịch lý trong chính sự tôn vinh người làm nghề đã khiến phần nào đó, giá trị danh hiệu không còn sức hút. Mới đây, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp bàn về việc xét bình chọn danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân và người có công đưa nghề về địa phương. Trong 37 hồ sơ đệ trình Hội đồng bầu chọn, có khá nhiều những cái tên “quen”. Từ cụ bà Nguyễn Thị Được - “bà tiên” của làng gốm Thanh Hà, ông Nguyễn Văn Ngữ - 69 năm làm nghề gốm đến ông Lê Viết Tới trong ngành sản phẩm tre mỹ nghệ nức tiếng xứ Quảng, ông Nguyễn Hai - thầy dạy của rất nhiều thợ đúc đồng Phước Kiều… Ai cũng có thâm niên làm nghề từ 50 năm trở lên. Nhưng đến tận bây giờ, họ mới được địa phương lập hồ sơ để xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân cấp tỉnh”.

Chia sẻ điều này, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho rằng, những người lớn tuổi ở các làng nghề, bám trụ lâu năm với nghề, là những người giữ hồn của làng nghề. Dù có danh vị hay không, họ cũng hết mình với nghề của tổ tiên, gia đình và quê hương. Như câu chuyện của ông Nguyễn Hai, với thời gian trực tiếp làm nghề đúc đồng đã 50 năm, cũng là thầy dạy của rất nhiều người đã được công nhận nghệ nhân, nhưng đến hiện tại, trong danh sách thị xã Điện Bàn gửi về Hội đồng bình chọn, ông Hai chỉ đủ tiêu chí để được công nhận danh hiệu “Thợ giỏi”. Bởi, theo tiêu chí do UBND tỉnh ban hành năm 2013, người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân phải có sản phẩm, tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, hoặc ít nhất có 2 tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục chế di tích lịch sử hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Tiếp nói, thật sự có nhiều người rất giỏi nghề nhưng lại không đủ điều kiện để đưa sản phẩm tham gia dự thi hoặc làm hồ sơ, thủ tục để được công nhận. Hay như quy định, người được phong danh hiệu nghệ nhân phải có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều thợ giỏi tại địa phương. “Áp dụng quy chế phải đào tạo được tối thiểu 50 người là quá khó. Đến doanh nghiệp làm nghề cũng chỉ có thể từ 20 đến 30 thợ, mà chưa hẳn là nghệ nhân đã truyền dạy được hết cho chừng đó người, huống gì người làm nghề cá thể” - ông Tiếp bày tỏ.  

Tôn vinh nghệ nhân cao tuổi

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, muốn duy trì nghề truyền thống cần phải tôn vinh nghệ nhân. “Tôi nghĩ nghệ nhân lớn tuổi cần được tôn vinh sớm. Những người trẻ tuổi cần phải làm chặt chẽ hơn” - ông Cường nói. Cũng theo ông, những làng nghề muốn phát triển du lịch, nghệ nhân chính là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Đó cũng là điều khiến nhiều người thắc mắc tại cuộc họp của Hội đồng bầu chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi: Tại sao trong danh sách các địa phương đưa lên, rất nhiều người có tuổi làm nghề từ 40 năm trở lên, đến bây giờ mới được địa phương đề xuất công nhận danh hiệu? Điều này rõ ràng do sự ràng buộc từ quy chế như đã nói.

Ở một khía cạnh khác, năm 2015, Không gian Nhà Việt - Vinahouse Space (Điện Bàn) đã mang về 13 danh hiệu nghệ nhân do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chứng nhận. Đây là các cá nhân làm công việc điêu khắc, phục chế nhà cổ cũng như các kỹ thuật chế biến món ăn như bê thui, mỳ Quảng tại Không gian Nhà Việt. Những người trong không gian này vẫn được gọi là nghệ nhân, dù danh hiệu của họ không phải do UBND tỉnh hay Bộ VH-TT&DL phong tặng. Trong khi đó, để được công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh, phải qua nhiều thủ tục lớp lang cũng như đầy đủ các tiêu chí do quy chế đưa ra. Và trong đợt bầu chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Quảng Nam năm 2016, Hội đồng bầu chọn của tỉnh đã chọn ra 7 danh hiệu Nghệ nhân, 6 danh hiệu Thợ giỏi trong số 37 hồ sơ do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất.

Chuyện tôn vinh nghệ nhân chính là để khuyến khích, động viên những người đang hết lòng gìn giữ, phát triển tri thức văn hóa dân gian của dân tộc. Có những người tuy không có danh hiệu nhưng lại được người làm nghề trong làng kính trọng. Có những người làm nghề đến tận những ngày tuổi già mới được tôn vinh. Âu đó là điều đáng ngẫm. Bởi phong tặng danh hiệu là để họ tiếp tục cống hiến và sáng tạo, chứ không phải đợi đến những ngày họ bắt đầu già yếu mới nghĩ chuyện danh vị…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN