Mùi của sách

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY 04/12/2016 10:31

Người viết từng rửa tai, nghe giang hồ truyền miệng một giai thoại vui về tài ngửi sách đoán văn của cao nhân mù nọ. Thế nên không ít lần tự hỏi: sách có mùi gì?

Nhân một sớm mai trời dịu, lòng người chùng chình nửa ở nửa đi, như tiết trời đã qua lập đông mà vẫn dềnh dàng thu ngoài khuôn cửa, câu hỏi trên lại quay về. Chắc hẳn không ít bậc nữ lưu ít nhiều đắng đót từng trải hoặc nam nhân dư dật tiện nghi thành đạt, bỗng một hôm đột nhiên thấy bơ vơ hoang hoải, lơ đễnh nhìn quanh, chợt mắt đậu vào tủ sách bám bụi. Mở ra, nghe mùi ẩm mốc dậy lên, mới à lên một tiếng vì vỡ ra nguyên nhân hoang mang trống vắng là đây. Lòng bâng khuâng tự hỏi: Cái thời sinh viên “trẻ trâu” say mê điên dại và sống chết với sách đâu rồi!? Bèn loay hoay giải thích: thời đại bùng nổ công nghệ, con người ngập trong mớ thông tin tinh khôi có, cặn bã có, kinh hoàng có, đau xót có… nên chẳng còn thì giờ vàng bạc liếc mắt qua sách.

Toàn cảnh bên ngoài thư viện Alexandria (Ai Cập) ngày nay. Ảnh: Internet
Toàn cảnh bên ngoài thư viện Alexandria (Ai Cập) ngày nay. Ảnh: Internet

Trí thức hiện đại có thừa phòng đọc riêng, thậm chí lập hẳn một thư viện mini trong nhà, nhìn quanh chỉ lèo tèo vài đầu sách cẩm nang làm giàu không khó, sách khoa học kỹ thuật đã mốc meo, dăm cuốn tạp chí nhàu nhĩ như thời gian bám bụi…, đặt hờ hững trên kệ gỗ bóng bẩy. Giữa phòng chĩnh chện một anh computer với dàn loa khủng. Quả thật là một kiểu trai phòng thời thượng. “Trai” có nghĩa là chay tịnh (trai giới). Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh mở rộng thêm: “trai tâm” là lòng trong sạch, thanh tịnh tự nhiên. Bậc trí giả xưa gửi gắm cả vào cậu con trai vừa lộc ngộc lớn niềm mong mỏi đỗ đạt, bằng cách dè sẻn nhịn miệng, dựng bằng được một liếp nhà nho nhỏ, gọi là trai phòng, để trang thiếu niên ngồi đọc sách. Vậy mới có cớ để Bồ Tùng Linh kể về “những chuyện kỳ lạ viết ở phòng đọc hoang liêu” (Liêu trai chí dị).

Sách ngự ở phòng đọc và được cất ở thư viện. Một trong bảy kỳ quan thời cổ đại là thư viện Alexandria bên bờ Địa Trung Hải, lưu trữ hàng trăm ngàn cuốn cổ thư quý hiếm bằng giấy sậy papyrus (cuộn giấy chỉ thảo) và da thuộc. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, không ít lần những cao thủ võ lâm đột nhập vào Tàng kinh các của chùa Thiếu Lâm, để trộm bí kíp võ công trong những cuốn kỳ thư lưu giữ ở đây, dù thiên nan vạn nan. Nhưng không phải bao giờ cũng viên thành. Kỳ thư như “tàng long” ẩn hiện trong mây, có khi thấy đầu mà chẳng thấy đuôi, nên năm 48 trước công nguyên, thư viện Alexandria phát hỏa không rõ lý do, khiến người mê sách bàng hoàng luyến tiếc.

Nếu không chứa sách ở thư viện, phòng đọc (trai phòng) thì đựng sách bằng bồ như Cao Bá Quát (Tương truyền danh sĩ họ Cao từng tuyên bố: Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi chiếm hai bồ, anh tôi và bạn tôi, Nguyễn Văn Siêu, chiếm một bồ, còn bồ thứ tư chia cho thiên hạ). Hay chứa sách trong bụng như Kê Khang (223-262) cũng tiện. Hôm nào trời nắng thì khoe bụng, bảo rằng phơi chữ hong sách cho khô. Hai ông thích nhét chữ vào bụng, chứa sách bằng bồ vì lòng dạ con người dù sao cũng rộng rãi (cả về thể tích, dung lượng) hơn cái đầu vốn chật hẹp, toan tính(?!) Vốn dĩ tư duy nhân loại ngày càng trưởng thành nhưng tuệ giác chưa hẳn đã mở mang, nên sách vẫn có mùi. Giọng văn mạnh mẽ, ý chí thì hơi văn hùng hồn, có mùi sắc lạnh như gươm mài dưới nguyệt của Đặng Dung. Câu chữ khí phách thì hương văn thoang thoảng tài trí bất khuất, một đời chỉ biết khấu đầu bái mai hoa như Cao Bá Quát. Giọng văn xướng ca tài hoa mà ủy mị, nghe ra có mùi son phấn nhi nữ đích danh là của Trần Hậu chủ. Hơi văn có mùi binh đao, khói lửa thì ra gặp thời hôn quân bạo chúa đốt sách chôn nho. Chữ nghĩa có hơi hướm điêu tàn, đau xót thì ra gặp buổi loạn lạc …

Đọc sách phần nào na ná như uống rượu. Đọc sách hay mà ngấm, như rượu ngon chưng cất lâu năm tỏa hương vị thơm thảo. Có người đọc sách theo kiểu nhâm nhi như chiêu rượu từng ngụm nhỏ. Người khác đọc ngấu nghiến như khát lâu nuốt chửng, chưa kịp nhận ra mùi vị, ngụm chữ đã trôi xuống dạ dày. Khả năng tiêu hóa sách như chuyện tửu lượng. Có người một ly nhỏ đã ngầy ngật chếnh choáng, người mấy cốc vại như uống bia vẫn khoái hoạt chưa say. Người đọc thiên kinh vạn quyển vẫn tâm bình trí sáng. Kẻ liếc qua dăm ba trang đã mắt hoa đầu váng, chữ nghĩa như chân nam đá chân chiêu. Hoặc ngộ chữ mà trúng tà văn. Hoặc chưa đến tuổi tri thiên mệnh đã mày mò đọc Kinh Dịch, phải nỗi “tẩu hỏa nhập ma”. Vì thế, các bậc học giả bằng thật chân thành lo lắng cho văn hóa đọc hiện nay là lẽ đương nhiên.

Sách thơm mùi giấy mới tinh khôi hoặc có mùi trầm tư lặng lẽ trong các hiệu sách cũ ngày xưa, là mùi thú vị nhất. Như mùi vị trứng cá thơm ngọt đầu lưỡi. Như màu xanh nhạt của chiếc lá trứng cá rơi vào giữa trang sách đang đọc, tỏa mùi ấu thơ, mãi không phai màu trong ký ức người viết.

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY

NGUYỄN HUYỀN THOẠI VY