Kiến trúc hạnh phúc
Với triết lý “kiến trúc hạnh phúc”, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vừa được vinh danh là kiến trúc sư xuất sắc của châu Á tại giải thưởng SIA - Getz Architecture 2016. Những kiến trúc công trình cộng đồng cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài của anh luôn thể hiện sâu sắc triết lý ấy. Trong đó, Quảng Nam may mắn có một công trình từ chính ý tưởng của chàng kiến trúc sư này.
Với Hoàng Thúc Hào, anh nói, kiến trúc không chỉ đơn thuần là gạch, cát, đá, bê tông, mà nó còn có trách nhiệm xã hội, là nghệ thuật xã hội, và chắc chắn nó phải có tính lan tỏa trong cộng đồng. Kiến trúc là để đem lại hạnh phúc của con người. Rất nhiều công trình cộng đồng của vị kiến trúc sư này cùng cộng sự đã gây tiếng vang lớn trong giới kiến trúc sư lẫn mỹ thuật trong nước và thế giới.
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh - công trình kiến trúc với triết lý “kiến trúc hạnh phúc” của KTS. Hoàng Thúc Hào và cộng sự. Ảnh: NVCC |
Kiến trúc xanh hiện đại
Tại Quảng Nam, anh cùng nhóm của mình đã chọn Cẩm Thanh (Hội An) để dựng nên một công trình kiến trúc cộng đồng, với các vật liệu hoàn toàn của địa phương, gần gũi và thân thiện với chính người dân nơi này. Đem lại điều gì cho cộng đồng, những người dân vùng sâu vùng xa, những người yếm thế trong xã hội, trẻ em ở các vùng khó khăn… là ước mơ và cũng là lý tưởng của chàng kiến trúc sư này. Đến Hội An và đi vào những vùng ven của di sản, mới thấy cuộc sống của người nông dân vùng ven đô còn lắm điều khổ cực. Vậy là cùng các cộng sự ở công ty kiến trúc 1+1>2, Hoàng Thúc Hào chọn cách khởi đi từ vùng dừa nước một công trình cộng đồng, nơi mọi người dân có thể tới tụ họp, trẻ em tới đọc sách, vui chơi, du khách tìm thấy một chốn đủ tĩnh tại trong làng quê mình. Hoàng Thúc Hào chia sẻ ý tưởng của mình, đó là sự kết hợp giữa sân trong, mái vát của nhà cổ Hội An với vườn cau và giàn dây leo thôn dã. Công trình này vừa chống được bão, hạn chế bức xạ mặt trời, thoáng, thông gió đối lưu và linh hoạt với chuỗi không gian liên hoàn. Nhà cộng đồng vừa có thể mở vào sân trong lại vừa hướng ra sân ngoài, là một đặc tính của kiến trúc hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống người dân. Đây là nơi hội họp, vui chơi, đọc sách, triển lãm hoặc trưng bày đặc sản địa phương.
“Kiến trúc hạnh phúc” hướng đến sự thân thiện và tôn trọng con người. |
Sự độc đáo của Nhà cộng đồng Cẩm Thanh nằm ở chỗ vừa thể hiện rõ bản sắc địa phương vừa đưa ra thông điệp mang tính phổ quát. Năm 2015, Nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An) đoạt giải Nhất tại Liên hoan kiến trúc thế giới ở hạng mục kiến trúc dân dụng. Nhà Cộng đồng xã Cẩm Thanh là một điển hình Kiến trúc xanh theo xu hướng bền vững, phát huy những yếu tố văn hóa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương. “Có thể nói văn hóa bản địa chính là chìa khóa phát triển kiến trúc xanh hiện đại Việt Nam. Đây thực sự là những điểm sáng. Trong tương lai không xa, chúng ta có quyền hy vọng vào một “ngữ pháp” kiến trúc xanh hiện đại của riêng Việt Nam, đóng góp vào ngôn ngữ kiến trúc thế giới” - kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Kiến trúc phải tôn trọng con người
Ngay từ cái tên những công trình của Hoàng Thúc Hào cũng đã toát lên sự bình yên, hạnh phúc. Cũng ngay từ cái cách anh chọn những nơi để dựng nên công trình kiến trúc, đã cho thấy cái tâm của chàng trai sinh năm 1971 này. Kiến trúc nông thôn, kiến trúc xã hội, cộng đồng, sử dụng vật liệu địa phương như đất đá, tre lá… vẫn luôn là khát vọng đi tới của anh. Chọn về những vùng xa xôi, nơi con người còn bận bịu với cái ăn cái mặc, để giúp họ có một công trình cải thiện sinh kế. Và “những đặc sản ấy thực ra có tính toàn cầu rất lớn, vì nó thân thiện và tôn trọng con người…”. Thời gian đã chứng minh điều anh nuôi dưỡng bấy lâu với nghề nghiệp của mình. Trước mắt, nhà cộng đồng Cẩm Thanh đã trở thành một địa chỉ của những cuộc chia sẻ về các dự án xã hội, từ biến đổi khí hậu đến việc làm nông nghiệp sạch, biến những bất lợi về vị trí trở thành điều thuận lợi cho việc làm du lịch sinh thái, kinh doanh.
Năm 2012, Hoàng Thúc Hào được mời thiết kế cho Trung tâm hạnh phúc quốc gia của Bhutan. Nhưng không phải vì điều này mà anh mới được biết đến như một chân dung của người vẽ những giấc mơ hạnh phúc. Từ năm 2009, với các công trình kiến trúc cộng đồng dành cho người dân tộc thiểu số tại các vùng núi cao của Hà Giang, Lào Cai..., Hoàng Thúc Hào đã khiến người ta phải nhìn lại về các công trình văn hóa rải khắp những địa phương ở thời điểm này. Các kết cấu bê tông hoành tráng đã không thu hút được người dân. Cộng với sự sai lệch về bản sắc văn hóa của vùng miền, các nhà văn hóa thôn, xã, các trung tâm hoạt động cộng đồng, càng to lớn, hoành tráng bao nhiêu, càng thưa vắng người đến sinh hoạt. Triết lý “kiến trúc hạnh phúc”, với ba tiêu chí cơ bản, người sử dụng kiến trúc hạnh phúc, kiến trúc sư hạnh phúc và tự thân công trình kiến trúc có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng, khiến câu chuyện về tính ứng dụng của các công trình này sinh động hơn.
LÊ QUÂN