Lũ lụt lại về
Ngày xưa, ông cha ta “Lạy trời mưa xuống”…, nhưng những tháng ngày này, người dân phố thị từ nam chí bắc, thậm chí ở vùng cao như TP. Đà Lạt cũng không ai dại mồm dại miệng cầu khấn chuyện này. Nếu có khấn chăng thì người người đều khấn ngược lại: “Lạy trời đừng mưa”. Bởi đâu đâu, hễ mưa xuống thì phố hóa sông, thuyền đi trên phố như ở TP.Huế; lắm nhà ở phố ngập lụt, trong đó không thiếu những biệt thự nghìn tỷ, những cao ốc hoành tráng; nhiều tuyến đường ở TP.Đà Lạt cũng biến thành sông. Người ở phố đã biết dọn lụt, biết “dội bùn non” khi nước rút. Trẻ con thành phố cũng đã biết bắt cá mùa lụt trên đường nhựa…
Cảnh tả nên thơ, song lòng người cũng tràn... lũ lụt.
Lũ lụt ở Hội An. Ảnh: NGUYỄN HÀ |
Lĩnh vực giáo dục, thì chuyện học hành, thi cử ở nước ta có từ thời nhà Lý, ấy mà qua ngàn năm lại rối như tơ vò. Hàng chục năm qua, học sinh cứ phải tình nguyện làm con chuột bạch để các thầy cải tiến, cải cách, và… cãi nhau. Cách đây hơn chục năm, báo chí ồ ạt đưa tin chuyện ngồi nhầm lớp ở khắp nơi. Ngành giáo dục đã chấn chỉnh, ai cũng tin sẽ tốt, vậy mà vừa qua, có tờ báo dành trọn một trang viết về một học sinh lớp 6 bị buộc đưa xuống học lớp 1, vì… không biết đọc, chẳng biết viết. Học sinh ở vùng sâu vùng xa ư? Không phải. Học sinh ấy học ở ngay tại thành phố đàng hoàng, đó là TP.Sóc Trăng. Học sinh ấy thuộc diện cần phải chiếu cố ư? Không phải. Học sinh ấy con nhà nghèo, gia đình không ai biết chữ, ráng cho con học để biết cái chữ với người ta. Mẹ cháu học sinh này nói với phóng viên: “Chúng tôi không biết chữ mới gửi con vào trường, tại sao nhà trường lại phủi trách nhiệm của mình”.
Ai sao không biết chứ riêng tôi thì dù ngoài trời mới giăng mưa nhưng lòng tôi đã có lũ lụt kéo về. Và tôi cũng chỉ biết… trách trời!
Lĩnh vực y tế cũng không chịu nhường dù chỉ một tấc một phân, và báo chí đã nói quá nhiều, thậm chí còn nặng lời. Tại sao như thế, trong khi chúng ta nói nhiều về y đức, tổ chức nhiều hội thảo về y đức?
Rất nhiều lý do để y đức khó vào sâu trong bệnh viện, khó khắc sâu vào tâm trí người thầy thuốc, bởi trước hết thầy thuốc cũng là con người như bao con người khác sống trên trái đất này. Có chuyện ngay tại TP.Hồ Chí Minh, Trường ĐH Y Dược Phạm Ngọc Thạch, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, đi học thạc sĩ hơn 3 năm về, được trả 3 triệu đồng. Nghe mà toát mồ hôi, dù dự báo thời tiết đang cho hay cả nước có mưa trên diện rộng.
Hỏi ra, tôi biết thêm, bác sĩ mới ra trường được hưởng bậc lương tốt nghiệp đại học 4 năm, tức là như cử nhân, kỹ sư (trừ tiền đóng BHXH, BHYT, còn thực nhận khoảng hơn 2,2 triệu đồng/tháng), dù họ học 6 năm, ngang với thời gian đào tạo sau đại học. Nhiều người cho rằng nhà nước chưa thực sự coi trọng đội ngũ bác sĩ, cũng có cái lý của họ.
Nghe nói số lương hằng tháng của bác sĩ như thế, lương của thạc sĩ bác sĩ như thế đã có người cười vui bảo tôi rằng, đã là người trí thức thì phải biết sống thanh cao, phải học người xưa: “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch”.
Có người lại cãi, với thời giá hiện nay ở phố thị, để có được “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch”, thì tiền lương của bác sĩ mới ra trường cũng không đủ. Nhưng người xưa ăn xong, “vỗ bụng rau bình bịch”, rồi “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như Xuân Diệu đã viết, chứ không phải ăn xong rồi lo đi chăm sóc người bệnh, điều trị người bệnh, kéo người bệnh ra khỏi tay thần chết như những người hành nghề y.
Trời ạ, lũ lụt lại tràn về trong tôi.
Lĩnh vực xã hội cũng lung tung xèng. Ngày nào đọc báo cũng thấy cướp của, giết người; con giết cha, vợ giết chồng… Chỉ một chiếc điện thoại dỏm cũng bị bọn cướp chặt tay cướp cho bằng được. Chỉ hơn thua nhau một câu nói cũng bị chém gục. Cuộc sống sao mà bất an. Ăn miếng cá không biết miếng cá này có nhiễm độc không. Gắp đũa rau đưa vào miệng không biết nuốt bao nhiêu lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… Và mọi việc, tôi chỉ biết phó cho trời!
Gần đây, báo chí phản ánh (có quay clip và đưa lên mạng), ngay tại hai thành phố lớn nhất nước, nơi thì công an nắm tóc kéo lê người phụ nữ trên phố, nơi thì hành hung phóng viên đang tác nghiệp giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đường tráng nhựa sáng trưng. Hành vi phóng viên đang tác nghiệp bị công an thượng cẳng tay, hạ cẳng chân ấy có “đủ căn cứ để xử lý hành chính” và bị phạt hơn 14 triệu đồng, dù chẳng có biên bản nào để làm cơ sở cho việc “đủ căn cứ” này. Dư luận xạo xự ghê lắm.
Mới rồi, cá chết trắng Hồ Tây vớt không xuể là do… “mất oxy trong nước”. Chuyện này, người bạn của tôi sống tại Hà Nội từ nhỏ, “phiếm đàm”: oxy thế mà khôn, nó biết Hồ Tây có nhiều cá nên hút oxy nơi ấy để cá… phình bụng chơi, và cho nhân thế biết uy lực của mình. Còn gần 100 hồ khác ở Hà Nội, nhất là những hồ gần Hồ Tây, như: hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch, hồ Bách Thảo, hồ Thủ Lệ, hồ Ngọc Khánh… chắc không có cá nên chúng không thèm tới. Có người chưa biết tính hay đùa của bạn tôi nên cãi lại hễ nơi nào có nước là nơi ấy có cá, làm sao các hồ khác ở Hà Nội không có cá mà chỉ Hồ Tây mới có cá?
Để trả lời câu hỏi này, tôi cũng chỉ biết… hỏi trời. Và lũ lụt lại về trong tôi. Thêm một lần, tôi cảm nhận được vị đắng của hớp cà phê buổi sáng, dẫu tách cà phê đã được cho đường.
VU GIA