Dạy học sinh về di sản qua phim
Năm học 2016-2017, ngành giáo dục Hội An chính thức đưa bộ đĩa VCD vào dạy môn Đạo đức cho học sinh cấp tiểu học. Đây là kết quả từ công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao vừa được hội đồng khoa học thành phố xét duyệt.
Giáo dục di sản
Giờ học môn Đạo đức ở lớp 4A, Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường - TP.Hội An, hơn 40 học sinh háo hức hướng lên màn hình tivi để xem nội dung phim chủ đề “Hội An quê hương em” với nhạc nền mở đầu là bài “Đêm hội trăng tròn”. Hình ảnh và lời bình phim cho các em biết vị trí địa lý của Hội An trên bản đồ Việt Nam; Hội An không chỉ có di sản văn hóa thế giới đô thị cổ mà còn có những con người hiền hòa, chân chất đang giữ gìn di sản của cha ông.
Tiếp đó, các em được giới thiệu về truyền thống yêu nước của người Hội An thông qua cuộc đời, sự nghiệp của những người con quê hương như Nguyễn Duy Hiệu, Lương Như Bích, Trần Trung Tri, Cao Hồng Lãnh... Qua các thước phim, các em còn được xem một ngôi nhà gỗ có niên đại hàng trăm năm để tìm hiểu về kiến trúc gỗ, sự tài hoa của những người thợ mộc Kim Bồng. Đoạn phim tiếp tục cho biết, Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động xây dựng thị xã văn hóa vào năm 2000; kết phim, các em được xem thiếu nhi địa phương hát múa bài đồng dao “Dung dăng dung dẻ”.
Tiết học ở lớp 4A, Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường. Ảnh: Q.HẢI |
“Em rất thích môn học này, vì môn học này có hình ảnh hấp dẫn và giúp cho em biết nhiều điều về Hội An quê hương em” - em Trần Nguyễn Ngọc Trâm, lớp 4A bày tỏ. Còn cô Nguyễn Thị Kim Lâm - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường thì cho biết: “Từ năm học 2012-2013, một số trường đã dạy thử nghiệm, vận dụng đĩa này và cho thấy tính hữu ích của nó không chỉ trong tiết Đạo đức. Chúng tôi lấy kiến thức ở đây để tích hợp, lồng ghép qua Sử, Địa hay ngoài giờ lên lớp. Tất cả tiết học đó học sinh đều rất yêu thích”.
Từ năm 2009, Phòng GD&ĐT Hội An đã chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Xây dựng bộ đĩa VCD phục vụ giảng dạy môn Đạo đức cho học sinh tiểu học Hội An”. Thầy Văn Quý Tuấn - Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài thực hiện 5 bộ đĩa VCD dành cho 5 khối lớp tiểu học, mỗi khối 2 đĩa cùng 1 đĩa ngoại khóa với thời lượng mỗi đĩa 15 phút. Đây là bộ đĩa tích hợp các giá trị lịch sử, văn hóa, tự nhiên của vùng đất và con người Hội An với nội dung nâng cao dần cho từng khối lớp. “Thực tế dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua cho thấy, việc dạy môn đạo đức và lịch sử địa phương cho học sinh tiểu học Hội An chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là hình thức dạy học chưa thực sự hấp dẫn và việc dạy học 3 tiết đạo đức ở từng đơn vị còn nhiều bất cập, lúng túng về nội dung và phương pháp” - thầy Tuấn chia sẻ.
Tính ứng dụng cao
Tham gia hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài, thầy Nguyễn Tấn Từ - chuyên viên phụ trách Tiểu học của Sở GD&ĐT cho rằng, việc đưa phim ảnh làm nội dung chính để dạy học là việc làm mới, chưa có tiền lệ trên toàn tỉnh. Bộ đĩa VCD đã tạo được nội dung thống nhất, khoa học để các trường tiểu học giảng dạy, phù hợp với các môn học khác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là cơ sở để việc dạy học môn Đạo đức nhẹ nhàng, đạt hiệu quả và gắn liền với địa phương Hội An một cách đúng hướng. Điều này giúp giáo viên, học sinh hiểu biết sâu hơn về Hội An giàu đẹp, qua đó tăng cường lòng tự hào, lòng yêu quê hương; hình thành ý thức và thói quen hành động thiết thực, vừa sức để góp phần bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường Hội An. Bộ đĩa cũng đã tập hợp, cung cấp được một số hình ảnh, tư liệu tiêu biểu và có hệ thống về Hội An, giúp giáo viên lựa chọn, sao chép để lồng ghép vào bài dạy ở các môn học khác nhằm gắn kết các bài học với thực tế cuộc sống. “Tôi đánh giá cao đề tài này, có tính thực tế và có thể áp dụng rộng rãi cả tỉnh, phù hợp với xu thế hiện nay là đa dạng hóa nội dung và tài liệu giảng dạy. Tôi cho rằng Hội An đã đi trước được chỗ này” - thầy Nguyễn Tấn Từ nói.
Theo Hội đồng khoa học TP.Hội An, bộ đĩa có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp kiến thức về di sản văn hóa Hội An cho học sinh. Bằng việc ứng dụng truyền thông đa phương tiện, chuyển tải thông tin bằng âm thanh và hình ảnh đã giúp cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học tiếp thu thông tin nhanh, chính xác và nhớ lâu hơn về Hội An. Bên cạnh đó, thông qua hình thức này đã nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên trong việc giáo dục kiến thức về văn hóa cho học sinh. Hội đồng khoa học thành phố nhận xét rằng, nội dung của 11 đĩa VCD đã được sắp xếp logic, khoa học, phù hợp với trình độ tiếp thu của từng cấp độ học. Bộ đĩa gắn chặt với chương trình và sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT ban hành, các nội dung được sắp xếp từ gần đến xa và từ dễ đến khó, đáp ứng được 3 tiêu chí cơ bản là tính sư phạm, tính khoa học và tính thẩm mỹ của thiết bị giáo dục.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố, UBND thành phố đã đề nghị Phòng GD&ĐT ngay trong năm nay, đồng loạt đưa bộ đĩa này vào giảng dạy tất cả trường tiểu học trên địa bàn.
QUỐC HẢI