Lặng nghe "Mẹ và Tổ quốc"

VĂN THU BÍCH 17/07/2016 09:50

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng tác nhiều ca khúc. Những ca khúc của anh có nét riêng, thấm đẫm cảm xúc và mang hơi thở của cuộc sống như “Bên em thành phố biển”, “Biển hát ơn người”… Đặc biệt, anh sáng tác nhiều ca khúc về mẹ, từ ca khúc “Mẹ tôi” cho đến “Mẹ và Tổ quốc”. Theo anh, mẹ không chỉ là người mẹ sinh ra mình mà mẹ còn là Tổ quốc, là quê hương đã bao bọc, nuôi nấng để mình trưởng thành. Và từ tình yêu mẹ, anh đã trăn trở để rồi cho ra đời ca khúc làm lay động hàng triệu con tim: “Tổ quốc gọi tên mình”. Có thể nói bài hát này từ khi ra đời (2011) đã thực sự trở thành ca khúc có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất cho đến nay, khi được hàng triệu người biết đến và hàng trăm ca sĩ tên tuổi thể hiện.
Tiếp nối dòng cảm xúc về mẹ, trong đó có Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, đầu năm 2016 anh đã cảm tác nên ca khúc sâu lắng “Mẹ và tổ quốc” ca ngợi người mẹ đã đi qua những tang thương của chiến tranh; được quê hương ôm ấp trong những ngày hòa bình lập lại.

Toàn cảnh Khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam. Ảnh: Internet
Toàn cảnh Khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam. Ảnh: Internet

Đinh Trung Cẩn xuất thân trong một gia đình cách mạng, trên vùng quê biển nghèo nàn nắng cháy Phan Rí – Bình Thuận. Một tuổi thơ đầy gian khó luôn hiện hữu trong anh hình ảnh người mẹ hoạt động cách mạng đã sớm từ biệt cõi đời để lại đứa con côi cút Đinh Trung Cẩn. Những nghiệt ngã cuộc đời luôn ẩn hiện trong tiềm thức anh để có một ngày tuôn trào theo nguồn cảm hứng vô tận rồi cảm tác nên ca khúc dâng lên Người mẹ của Việt Nam - ca khúc “Mẹ và Tổ quốc”.

Bài hát được viết ở giọng La thứ, tiết điệu 6/8 sâu lắng thành kính, đầy nội lực trong cấu trúc 2 đoạn đơn tái hiện. Tác giả gửi trọn cả tâm hồn theo nét giai diệu trầm hùng, mở đầu ở âm vực cao với những nốt lặng đan xen đầy khắc khoải:

Mẹ tôi đi qua hai cuộc chiến tranh

Người mẹ Việt Nam lưng còng nặng bước trên con đường làng.

Với thủ pháp sử dụng âm hình đơn giản để khắc họa tình yêu của tác giả đối với người mẹ và Tổ quốc dường như đã che lấp đi sự tiết giản của giai điệu và tiết tấu. Dù không vận dụng những nốt hoa mỹ, không đưa vào những bậc âm thăng giáng; song chỉ với nét âm hình chủ đạo gồm những nốt đen, móc đơn, móc đôi, được tái hiện nhiều lần không biến hóa phức tạp lại càng khắc họa được hình tượng người mẹ qua bao đêm khắc khoải, ngóng tin từng đứa con đang băng băng ngoài trận địa.

Dòng sông lúc đục lúc trong

Mẹ ngồi đây khắc khoải đợi tin con.

Người mẹ gánh trọn nỗi đau thương mất mát 11 người thân đằng đẵng hơn một thế kỷ đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước. Mẹ đi trong tiếng nhạc quân hành, trong tiễn đưa thương tiếc của hàng triệu người con đất Việt.

Giờ đây, mẹ đã về với các anh. Đất trời đã ôm trọn hình hài người mẹ kiên trung sừng sững giữa nhân gian, đã trở thành hình tượng người Mẹ VNAH huyền thoại, đã đi vào tâm khảm bao người con đất Việt.
Tiếng quê hương qua lời ru của mẹ

Mẹ vẽ trọn dáng hình hài Tổ quốc

Khắc đá làm bia tạc giữa đất trời

Tổ quốc trong con, Tổ quốc trong con

Là tấm lòng của mẹ. Mẹ muôn đời là Tổ quốc trong con

Tiếng hồn thiêng núi sông ngân dài lời ru của Mẹ

Hãy ngủ yên con nhé. Đất nước thanh bình, mẹ thanh thản ra đi. Đất nước nghiêng mình tạc dáng mẹ Việt Nam.

Đoạn nhạc kết về âm chủ khá ổn định trong nét nhạc trầm sâu, hào hùng khắc họa hình hài người mẹ bao dung ôm trọn quê hương Quảng Nam từng chìm tràn lửa đạn chiến tranh.

Nay đất nước đã thanh bình, bao người con nước Việt tôn vinh mẹ, ngợi ca mẹ, gửi gắm lòng mình cùng nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn qua tiếng hát trầm hùng từ giai điệu ngân nga của ca khúc Mẹ và Tổ quốc. Chỉ cần đặt chân đến khu tượng đài tưởng niệm Mẹ VNAH ở Quảng Nam, ca khúc sẽ khiến bạn bồi hồi vì một tình yêu thiêng liêng - tình mẹ.

VĂN THU BÍCH

VĂN THU BÍCH