Đọc cuốn "Tam Kỳ qua sóng phế hưng"

PHÚ BÌNH 09/07/2016 09:50

Chuyên luận này do ông Nguyễn Q.Thắng biên soạn. Tác giả là người đã từng soạn 50 đầu sách nghiên cứu; trong đó có khá nhiều sách viết về chủ đề đất và người Quảng Nam. Quê gốc ở làng Trường Xuân, Tam Kỳ;  học đại học và tham gia nghiên cứu về lịch sử văn hóa vùng nam Quảng Nam từ rất sớm. Trong quá trình điền dã tìm tư liệu để làm luận văn cao học rồi làm luận án tiến sĩ ở Đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975, ông Nguyễn Q.Thắng (NQT) có duyên may sở hữu một số tư liệu quý hiếm tại các địa phương Tiên Phước, Tam Kỳ và rộng ra là cả vùng Nam Quảng Nam đã được các gia tộc có truyền thống yêu nước, chống Pháp lưu lại đến nửa đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Nhờ thuận lợi đó, trong “Tam Kỳ qua sóng phế hưng” tác giả đã giới thiệu được những nét đặc sắc về văn hóa, về lịch sử xây dựng và đấu tranh… của cư dân vùng đất Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Trà My…(thuộc địa giới huyện Hà Đông sau chia tách, sáp nhập để nâng lên thành phủ Tam Kỳ vào đầu thế kỷ XX).

Tuy được NXB Văn học xuất bản từ tháng 1.2012, nhưng đến nay (tháng 6.2016), vẫn chưa có một công trình nghiên cứu địa phương chí nào về vùng đất Tam Kỳ - Hà Đông đưa ra được một tập hợp tư liệu về đất và người Tam Kỳ xưa phong phú như tác giả đã giới thiệu.

Có thể kể một số chương mục nghiên cứu có những dẫn chứng rút từ những tư liệu có căn cứ  như “Huyện Hà Đông trong lịch sử cận và hiện đại” (tr.45-67), “Tình hình kinh tế” (tr. 76-85), “Tính chất xã hội” (tr. 87-116), “Phong trào Nghĩa hội [ở Quảng Nam] năm 1885” (tr.126-170),  “Phong trào Duy Tân tại Quảng Nam - Tam Kỳ” (tr. 172-224) “Hát nhơn ngãi Quảng Nam - Tam Kỳ” (tr. 275-342). Lần theo  những chỉ dấu tư liệu mà tác giả đã nêu trong chính văn và chú thích ở những nội dung trên, người địa phương, các sinh viên ngành văn, sử… có quan tâm nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử vùng Tam Kỳ có thể bổ sung vào hệ thống tư liệu tham khảo của mình một số căn cứ cần thiết mà không phải mất công tìm tòi trên thực địa - vì có thể các địa chỉ lưu trữ tư liệu ấy đã không còn giữ được do chiến tranh và thiên tai.

Tuy nhiên, trong số tư liệu mà ông Nguyễn Q.Thắng sử dụng để soạn chương “Cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 [tại Tam Kỳ]” (tr. 225-275) có một tư liệu được ông sử dụng gần như nguyên văn rút từ “Dật sử về bà Hoàng Thị Tòng” được lưu từ dòng họ Hoàng ở vùng Thanh Lâm, Tam Kỳ xưa (nay là thôn Thanh Lâm, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) kể tỉ mỉ về nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa ủng hộ vua Duy Tân vào tháng 4 - 5 năm 1916. Theo các chú thích số (2) trang 243, số (1) trang 244, số (1) trang 254, số (1) trang 270 của ông NQT trong cuốn “Tam Kỳ qua sóng phế hưng” thì tư liệu này được dẫn lại theo bài “Thuật ký Duy Tân khởi nghĩa” của bà Hoàng Thị Tòng do Hội Cổ học Quảng Nam, Quảng Tín sưu khảo (tập Hạ, xuất bản năm 1962) và cũng đã từng được ông NQT giới thiệu ở chương “Vén màn bí mật cơ mưu bại lộ” trong quyển “Quảng Nam trong hành trình mở cõi” (Nxb TP HCM năm 2006). Xuất xứ của bộ “Dật sử về bà Hoàng Thị Tòng” và xuất xứ bài viết “Thuật ký Duy Tân khởi nghĩa” cũng như độ tin cậy của hai tài liệu trên là một nghi vấn lớn đối với các nhà nghiên cứu địa phương trong quá trình tìm hiểu và sử dụng tư liệu về cuộc khởi nghĩa của phong trào Việt Nam Quang Phục cách nay tròn 100 năm tại vùng Tam Kỳ xưa. Báo Quảng Nam (qua hai bài viết của PGS-TS. Ngô Văn Minh) cũng đã từng đặt vấn đề về độ tin cậy của bộ dật sử nói trên rồi!

Tác giả đã tâm sự ở cuối sách “Chỉ mong đề tài chuyên luận này mãi mãi hưng mà không phế trong tâm thức đồng bào toàn quốc, Quảng Nam và Tam Kỳ (Hà Đông) nói riêng”. Tâm sự ấy, của một người địa phương viết về địa phương mình hẳn sẽ được rất nhiều người dân Tam Kỳ đón nhận và chia sẻ.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH