Tem, tiền cổ và đam mê
Căn phòng khách chật chội chưa đầy 20m2 của ông nhìn đâu cũng thấy toàn tem với tiền cổ. Dù đang khá bận bịu nhưng khi nghe tôi định bắt chuyện về bộ sưu tập, ánh mắt ông Tuyến sáng lên, tạm gác lại mọi thứ và thao thao bất tuyệt về “những đứa con tinh thần” của mình.
Những tờ tiền quý hiếm nhất mà ông Lưu Văn Tuyến sưu tầm được thỉnh thoảng chỉ mang ra cho khách xem chứ không trưng bày. Ảnh: Q.TUẤN |
Thời gian chơi tem và tiền cổ một cách quy củ của ông Lưu Văn Tuyến (trú đường Phan Châu Trinh, TP. Hội An) mới chỉ trên dưới hai mươi năm. Nhưng chính ông đã thổ lộ rằng những mẩu giấy tưởng như vô tri, vô giác này đã trở thành tri kỷ của ông tận thuở thơ ấu và sẽ kéo dài đến hết cuộc đời này.
Chơi tem từ thuở mười hai
Thời trước 1975, ngoài những trò thư giãn bình dân của các học sinh trung học thì còn rộ lên một thú vui khác có thể tạm gọi là “mốt” ở Hội An thời bấy giờ chính là sưu tập tem. Cứ sau mỗi bận nhà nhận được thư từ liên lạc, cậu bé Tuyến lại thập thò chờ ba mẹ lấy lá thư còn mình thì nhanh tay nhặt phong thư đi ngâm nước gỡ ngay con tem mân mê rồi tỉ mẩn đặt vào “bộ sưu tập”. Gọi là “bộ sưu tập” cho oai chứ thực ra cũng chỉ là cuốn sổ nhỏ màu vàng ố được tận dụng thêm bao ni lông kít lại cho giống cái mà người ta vẫn gọi là album bây giờ. Dù sao thì ở cái thời phương tiện giải trí hiện đại chưa hề xuất hiện thì đó vẫn là một niềm vui lớn với những cậu bé nhà quê. Ở lớp, cũng không ít bạn học của Tuyến theo đuổi thú vui này nhưng tất nhiên đến bây giờ thì ai cũng đã “giải nghệ” từ rất lâu rồi bởi thực chất họ cũng chỉ xem đó là thú vui một thoáng hoặc “cơm, áo, gạo tiền” đã lấn át đam mê của những con người này. Vài trăm con tem kỷ niệm đầu đời học sinh thu thập được đó đến bây giờ dù không giá trị bằng một số loại tem khác nhưng vẫn có chỗ đứng rất riêng, rất trang trọng trong bộ sưu tập của ông Tuyến.
Tất nhiên, chuyện thời cuộc cũng đã có lúc khiến ông Tuyến phải gác lại đam mê bất tận này bởi gần chục năm trời sau giải phóng cũng như bao người khác ông phải lao vào công việc quần quật để mưu sinh. Tất nhiên, dù đang trong giờ làm việc, một khi đã vô tình “đập” vào mắt những con tem bên góc phong thư, “máu” sưu tầm của ông trỗi dậy và lại chạy vội đi nhúng nước, gỡ tem, cẩn thận vuốt cho phẳng phiu rồi cho vào túi áo chờ đến cuối ngày bổ sung nó vào bộ sưu tập. Nhờ vậy mà đến bây giờ, hơn 2 vạn con tem xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Việt đã nằm ngăn nắp và bóng loáng trong khoảng 30 cuốn sổ sưu tập của người đàn ông mảnh khảnh này. Mới đây, ông Tuyến đã nảy ra ý tưởng thú vị và tự mình mày mò biến nó thành hiện thực khi dùng hơn 300 con tem cắt dán tỉ mẩn tạo thành bản đồ Việt Nam bằng tem hết sức độc đáo. Tấm bản đồ đã thực sự trở thành một điểm nhấn ấn tượng với khách tham quan nhất là du khách nước ngoài trong gian nhà nhỏ rêu phong, cũ kỹ.
“Bén duyên” với tiền cổ
Trong giai đoạn từ 1975-1985, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiến hành ba đợt đổi tiền, nhiều loại tiền không còn giá trị sử dụng của chế độ cũ bị loại bỏ và đây cũng là thời điểm manh nha cho đam mê sưu tập tiền cổ của ông Tuyến. Cũng từ đó, trong nam, ngoài bắc cứ chỗ nào í ới, có thông tin về tiền cổ là ông lại “xách ba lô lên và đi”, gần thì dăm ba bữa hoặc có chuyến mất cả chục ngày, nửa tháng. Dù mang theo tiền khá rủng rỉnh trong người nhưng ông cũng chỉ dám đi tàu chợ, ăn lề đường còn bao nhiêu dốc vào để đổi lấy những tờ tiền tưởng như vô giá trị. Hiện nay, ông đã sở hữu được hơn 300 loại tiền cổ tức khoảng 90% các loại tiền Đông Dương và tiền Việt qua các thời kỳ - một “gia tài” đồ sộ với những người am hiểu thú chơi này và đang tiếp tục cuộc hành trình săn tìm để lấp đầy 10% các loại tiền cổ còn thiếu kia.
Nói về giá trị của các loại tiền cổ ông Tuyến chia sẻ, rất khó để định giá nó bởi tùy vào người chơi vì không phải cứ có niên đại thật lâu là có giá trị lớn nhất. Có thể nó chỉ là một tờ tiền in bị lỗi thiếu dấu hỏi thời Việt Nam Cộng hòa “Thủ quy Trung ương” nhưng cực hiếm nên bị đẩy giá lên rất cao hoặc có thể là trường hợp một bộ tiền có 3 tờ nhưng ai đó mới chỉ sở hữu được 2 tờ và sẵn sàng “chi đậm” để có được còn lại để hoàn thành bộ sưu tập. Vì vậy, có trường hợp ông chỉ xin lại tờ tiền từ những bà bán hàng rong khá đơn giản nhưng cũng có lúc ông đã phải đổ ra mấy chỉ vàng để có được một tờ bạc tưởng như vô tri, vô giác. Cũng theo ông Tuyến, tiền cổ cũng có hiện tượng “sốt ảo” khi trong một khoảng thời gian nhất định bị đội giá lên gấp nhiều lần bởi thị hiếu của thị trường nhưng sau đó nhanh chóng trở về giá trị thực bởi nó không hiếm và quý như người ta tưởng.
Cùng chơi…
Dù vẫn thường xuyên thực hiện trao đổi mua đi, bán lại các loại tiền cổ nhưng ông Tuyến luôn tâm niệm không bao giờ “sống” bằng việc làm này. Tất cả tờ tiền trưng bày trong gian phòng khách đều được niêm yết mệnh giá rõ ràng để những ai yêu mến nó có thể dễ dàng định giá mà không sợ bị ép giá khi lỡ “trót” ghiền tờ bạc nào. Điều lạ lẫm ở chỗ hầu hết khách hàng của ông đều là người trẻ, rất trẻ. Có người khi đem tờ tiền cổ đến tham khảo giá trị để giao dịch ông lại đề nghị họ lưu giữ thêm chứ không mua bởi mong muốn có thêm nhiều người có đam mê sưu tầm như mình. Không ít lần vì thực sự thấy được cái tâm cùng khát khao của người muốn sở hữu, ông Tuyến đã… tặng luôn tờ tiền mà họ muốn có và ngược lại, ông cũng từng được nhiều người cho không tờ tiền mà ông cất công săn lùng cũng bởi sự chân thành của một “kẻ đam mê”.
Ông Lưu Văn Tuyến bên bản đồ Việt Nam làm bằng tem của mình. |
Bây giờ, do đã có tuổi nên ông Tuyến không còn thực hiện những hành trình hàng ngàn cây số để săn tem, tìm tiền cổ nữa bởi chỉ cần một cú “alô” hay “check” mail, facebook là chủ nhân của bộ sưu tập đã có thể giao dịch, trao đổi với những đối tượng mà mình cần liên lạc. Nhưng dù thực hiện theo phương thức nào thì tình yêu của ông với những thứ này vẫn không thay đổi. Bà Bùi Thị Hạnh, vợ ông nói: “Bất cứ đồng tiền cổ nào tôi bán cho khách, khi ông đi về chỉ cần liếc sơ vị trí ông đã biết đó là tờ gì, mệnh giá nào và lục tục kéo ngăn tủ tìm tờ khác thế vào ngay. Loại tiền nào ông sở hữu được nhiều tờ thì ông chuyển nhượng lại cho những ai yêu thích nhưng khi chỉ còn một tờ thì dù người mua có ra giá nào thì cũng đành ngậm ngùi ra về mà thôi”.
Cọc cạch trên chiếc xe đạp trở về nhà sau giờ làm việc, ông Tuyến lại vùi đầu vào gian phòng khách, chỉ ngồi lật giở những quyển sổ chi chít tem và tiền cổ để mân mê trong hàng giờ đồng hồ liền. Từng dòng ký ức, từng mẩu chuyện bên lề của mấy chục năm sưu tầm có khi còn theo ông cả vào giấc ngủ. Vô tình tôi nhìn thấy ông vào khoảnh khắc đó, tôi mới hiểu được đây không còn đơn thuần là thú vui hay sở thích nữa mà nó đã trở thành đam mê của người đàn ông này. Ông bảo: “Chơi tem và tiền cổ dễ mà khó, dẫu có nhiều tiền mà không biết cách chơi thì cũng chỉ là trưởng giả học làm sang thôi”.
QUỐC TUẤN