Tìm về tên xưa

T.QUÂN - Q.SƠN 11/06/2016 09:24

Có những danh xưng không còn được dùng, nhưng vẫn quen thuộc với người làng, nhất là những người lớn tuổi, những người xa xứ mà ký ức làng đã thành nỗi nhớ thường trực…

Đường sưa ven sông Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN THƯỞNG
Đường sưa ven sông Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN THƯỞNG

Đá Dựng

Tại phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), ba khối phố Đông Yên, Đông Trà và Đông An xưa kia vốn là một vùng đất với tên gọi chung là xứ Đá Dựng. Danh xưng này không còn được dùng trong tên gọi hành chính hiện nay nhưng người dân nơi đây vẫn thường xuyên sử dụng để gọi tên như một thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống, không thể nào bỏ đi được. Đây là một vùng đất được cha ông xưa đặt tên theo những đặc thù tự nhiên nơi đây. Rải rác trên khắp các cánh đồng, dấu tích của những tảng đá lớn nhỏ với nhiều hình thù khác nhau và dường như chẳng hề thay đổi theo thời gian. Để tìm hiểu về danh xưng Đá Dựng, chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Sở (85 tuổi, khối phố Đông Trà, phường Hòa Thuận). Theo lời kể của cụ thì danh xưng Đá Dựng xuất phát từ một tảng đá trông rất kỳ lạ, tọa lạc ngay bên cạnh con đường chính dẫn vào làng. Tảng đá có kích thước to bằng một ụ rơm lớn nhưng lại nằm thẳng đứng như được dựng ngược lên trời. Thấy tảng đá có điểm đặc biệt, lại được nhiều người biết đến nên cha ông quyết định đặt tên cho xứ đất nơi đây là Đá Dựng.

Cũng theo ông Sở thì khi cuộc sống của dân làng nơi đây bắt đầu phát triển, tảng đá dựng ngược xưa cũng bị phá đi để mở rộng con đường dẫn vào làng. Theo thời gian, dấu tích còn lại chỉ là một hòn đá nhỏ bên vệ đường. Danh xưng xứ Đá Dựng có thể phần nào được sáng tỏ, nhưng có một điều kỳ lạ là tại sao trên những cánh đồng bằng phẳng nơi đây lại xuất hiện những tảng đá to lớn và có những vân đá kỳ lạ đến như vậy. Điều này được ông Nguyễn Xứng (khối phố Đông Yên, phường Hòa Thuận), một trong những người lớn tuổi nhất ở đây lý giải bằng một câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. “Từ thời xa xưa, có một vị Thánh Thần nọ khi gánh hai gánh đá đi ngang qua vùng đất này, vì quá nặng, đôi gióng bị đứt gãy làm cho các tảng đá rơi xuống ngay giữa con đường vào làng, chắn cả lối đi. Vị Thánh kia liền dùng bàn chân khổng lồ của mình để đạp các tảng đá lớn sang qua hai bên đường cho dân làng đi lại. Vì vậy mà trên bề mặt đá còn in rõ những dấu chân khổng lồ kia cho đến tận ngày nay” - ông Xứng kể lại.

Hương Trà

Tên gọi của xứ của làng thân quen, bình dị như trong cuộc sống thường ngày. Nhưng tên làng tên xứ cũng vô cùng thiêng liêng, ẩn chứa đằng sau đó nhiều giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử. Làng Hương Trà xưa bao gồm các khối phố Hương Trà Tây, Hương Trà Đông và một phần khối phố Hương Sơn của phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ ngày nay. Để tìm hiểu cho danh xưng làng Hương Trà, chúng tôi tìm đến nhà cụ Trần Văn Truyền (khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương), một vị cao niên sinh sống tại đây. Theo cụ Truyền thì nguồn gốc của tên gọi Hương Trà xuất phát từ hai loại cây được người dân trồng tại vùng đất này là cây hương vườn (tức là cây sưa) và cây gối (tức là cây chè phe). Cây sưa được cha ông xưa khi lập làng dựng xóm đã đem trồng dọc theo bờ sông Tam Kỳ để giữ cho các bờ đất không bị sạt lở. Còn cây chè phe được trồng trong các khu vườn nhà để dùng làm trà uống nước. Hoa sưa thường nở vào cuối xuân, gửi hương bay, quyện với hương trà chè phe mà người dân nơi đây thường dùng trong sương sớm đã tạo nên một sự tích với hai câu thơ: “Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ/Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên”, để từ đó, nơi đây có tên là làng Hương Trà”. Ông Truyền giải thích thêm: “Hoa sưa thường nở vào tháng ba, đúng vào dịp tảo mộ tiết thanh minh nên hoa rơi trên các phần mộ làm sáng lòng những người “đi trước”, còn nước chè phe thường có màu đỏ rất đẹp, uống rất thơm ngon, nên gọi là “trà cẩm” cùng với ước vọng uống mãi không bao giờ hết”.

Kim Đới

Theo những cứ liệu lịch sử, vùng đất Tam Kỳ xưa được hình thành từ các di dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh theo đường sông, đường biển vào khai hoang lập làng. Ngoài các danh xưng được đặt theo đặc thù tự nhiên của vùng đất mới thì cha ông xưa cũng đã đặt các tên làng tên xứ theo những đặc điểm gốc gác mang theo của mình. Thôn Kim Đới và Kim Thành thuộc xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ ngày nay, xưa kia vốn là vùng đất của một ngôi làng với tên gọi là làng cây Duối vì nơi đây có nhiều cây duối mọc dày đặt. Sau lại đổi thành làng Kim Đái. Theo phiên âm Hán Việt thì Kim Đái có nghĩa là Đai Vàng. Ông Trịnh Ngọc Đôn (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng), một người có nhiều năm nghiên cứu các thư tịch cổ và tài liệu liên quan đến lịch sử của làng cho rằng, tên gọi Kim Đái được cha ông xưa đặt tên có thể vì vị trí của làng được bao bọc bởi một nổng cát xung quanh, trông như một chiếc đai lớn che chở cho làng. Nhưng tên gọi Kim Đái cũng có thể được đặt để cha ông xưa tưởng nhớ đến nguồn gốc của mình thuộc dòng dõi quyền quý của vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài di cư vào đây. Ông Đôn cho biết: “Với gốc gác thuộc dòng tộc vua chúa, con cháu trong các tộc như Trịnh, Trình, Phạm… nơi đây có nhiều người học giỏi và ra làm quan ở các triều đình phong kiến khác nhau. Rồi sau này thấy tên Kim Đái không hay, nhưng vẫn muốn giữ những giá trị gốc gác của mình, người dân đã đổi lại tên làng bằng cách đọc chệch âm Đái thành Đới, làng Kim Đới có từ đó”.

Các danh xưng tên làng, tên xứ không chỉ nhắc nhớ cho ta những giá trị của bản sắc, gốc gác mà còn thể hiện những ước vọng, niềm tin của cha ông xưa gửi gắm vào tương lai. Đồng Sim, Đồng Nghệ hay Đồng Tranh… các tên gọi bình dị, mộc mạc đưa ta về với những vùng đất hoang sơ của thuở ban đầu khai cơ lập làng, để từ đó ông cha ta đã xây dựng nên những làng quê trù phú hôm nay. Bình Hòa, Vĩnh Bình, Trường Xuân, Phú Quý… các danh xưng mỹ miều này lại hun đúc trong ta sự trân quý và giữ gìn các giá trị của hòa bình, yên vui, sung túc. Tên làng tên xứ là vậy, bình dị thân quen nhưng vô cùng thiêng liêng.

T.QUÂN - Q.SƠN

T.QUÂN - Q.SƠN