Chuyện quan được dân khen
Làm quan vốn dĩ không dễ. Quan phải lo cho dân được ấm no, bình yên, hạnh phúc. Ngay cả đến nhà vua cũng vậy, như Lê Thánh Tông đã từng “Lòng vì thiên hạ những sơ âu/ Thay việc trời, dám trễ đâu/ Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu...” để rồi dân gian lưu truyền “Đời vua Thái Tổ - Thái Tông/ Lúa thóc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Nếu ông quan nào thực hiện không tròn bổn phận sẽ bị dân oán và bị quan trên hay triều đình thì biếm trích, đàn hặc.
Phạm Phú Thứ từng dâng sớ lên vua Tự Đức để hạch tội ông quan Bố chánh tỉnh Quảng Nam là Trần Hữu Đạo: “Ngày thường tính hay thích xem hội, đánh bài, đến lúc làm việc ít khi nghĩ đến sự cấp bách của dân, soi xét đến sự ẩn khúc của dân, tức như trước đây, dân chúng ở huyện Quế Sơn cam chịu vay lúa đong thiếu mà không biết, dân chúng ở huyện Diên Phước thừa lệnh sức lãnh tiền nhà nước, ra ngoài mua gạo, người đó phải lòng vòng nửa tháng trời, mới xin được cái đơn, khấu trừ những chi phí cung đốn cho các nha lại, đại khái lãnh được một ngàn quan tiền thì tốn mất trăm quan, còn các người khác muốn lãnh, thì phần nhiều không dám đến vay, các phủ huyện cũng không thể chu đáo tường tận cho dân” (Hoàng Đẩu Nam dịch). Vua Tự Đức liền châu phê “Phải giải chức ngay để đợi xét xử!”.
Ngược lại, Quảng Nam cũng từng có nhiều vị quan xứng đáng là “dân chi phụ mẫu”, được lưu truyền trong sử sách. Đặc biệt có vị quan còn được người dân trong hạt vui mừng tạc ghi vào bia đá. Đó là tấm bia dựng vào ngày tốt tháng 4 năm Thành Thái thứ 19 (1907) tại xã Phú Thuận thuộc tổng Quảng Đại Thượng, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình (nay thuộc huyện Đại Lộc). Văn bia gồm 7 dòng, khoảng 100 chữ, nội dung ghi: “Lệnh công Ưng trên huyện đường hiệu Quất Đình, tự Trọng Luân, cháu nội của Phụ chánh Tuy Lý Vương, con trai của Tôn nhân phủ Tả tôn khanh Quận công Hồng đại nhân. Công vốn khoan hậu, hiền từ; tính thanh sạch, cẩn thận, siêng năng; lại thêm phong nhã. Mùa xuân Bính Ngọ đời Thành Thái (1906), công đến nhậm chức tại hạt của huyện ta. Đến nay có nhiều nhân đức, tiếng lành được truyền xa. Dân trong xã chịu ơn khắc cốt ghi tâm, không gì sánh với công, có thể lưu truyền bất hủ. Cho nên khắc tạc vào bia đá để không quên. [Dân] xã Phú Thuận cùng ghi mừng”.
Tư liệu tiểu sử của vị quan này thật ít ỏi, chỉ biết ông tên là Ưng Ân sinh năm 1884 (?), là con thứ 3 của Nguyễn Phúc Hồng Cẩn (?). Phải dựa vào tư liệu tiểu sử của các vị khác trong hoàng tộc triều Nguyễn mới biết thêm vài thông tin về ông. Có vẻ ông thiên về văn học nghệ thuật, thuộc nhiều điệu, nhiều bài ca Huế, viết nhiều sách về ca Huế. Ông thường xướng hoạ với Ưng Bình Thúc Giạ Thị và những người khác trong gia đình Hoè Đình Ưng Oanh, Thúc Thuyên Ưng Tôn, Vân Hán Ưng Quả, Mân Hương Ưng Thiều, Vu Hương Ưng Thuyên, Di Sơn Ưng Dị, Thúc Dật Ưng An, Thúc Đoan Ưng Trung, Ưng Hoát, Ưng Thông, Như Không, Như Nguyện.., theo lời của bà Tôn Nữ Hỷ Khương là con gái của Ưng Bình. Ông cũng là người vẽ 3 bức chân dung tác giả Tuy Lý Vương ở quyển thủ của tác phẩm Vi Dã hợp tập.
Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn lưu trữ một tác phẩm của Ưng Ân là Mộng Hiền truyện. Theo sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Mộng Hiền truyện do Ưng Ân hiệu Quất Đình soạn, con trai là Bảo Đáp hiệu chính, do Tiên Hoa đình in vào năm Mậu Thân đời vua Duy Tân (1908), gồm 78 trang. Mộng Hiền truyện, viết theo thể 6 - 8 với cốt truyện: Vũ Mộng Hiền người thời Đinh, quê ở Sơn Tây, đã đính hôn với Tài Dương Liễu. Liễu gặp gia biến phải bán mình và nàng đã tự tử ngay hôm cưới. Bọn cướp đào mả nàng lấy của cải. Nhờ vậy nàng sống lại và sau đó đã gặp Mộng Hiền, hai người sum họp cùng nhau.
Một vị quan vốn xuất thân từ hoàng tộc, văn chương “phong nhã” lại chịu nhậm sở ở hàng xã là điều lạ, nhưng cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người dân địa phương không chỉ bằng bia miệng mà lẫn bia đá, quả là xưa nay hiếm.
HƯƠNG THU