Đêm ở Đầm Dơi
Trong chuyến về thăm miền đất cực Nam của Tổ quốc, thay vì ở lại đêm tại huyện Năm Căn để sáng mai theo sông về Đất Mũi như kế hoạch, chúng tôi quyết định ở lại đêm tại ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) trong một gia đình có truyền thống cách mạng người gốc Thăng Bình.
Anh Nguyễn Quý Sự (con trai của ông Nguyễn Kim Sơn và bà Hoàng Thị Nghĩa) hiện là phó hiệu trưởng trường THCS Trần Phán ra tận đầu xã để đón chúng tôi. Từ cầu Hàng Dừa đến nhà còn khá xa, trong khi đó đường bê tông dọc theo tuyến kênh Lý hẹp và quanh co, ô tô không đi được nên các anh đã chuẩn bị sẵn hơn chục chiếc xe máy được huy động của bà con hàng xóm ra tận nơi để đưa chúng tôi về nhà. Người đầu tiên ra đón chúng tôi vào nhà là bà Hoàng Thị Nghĩa, 72 tuổi quê ở xã Mỹ Thái, (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), vợ của ông Nguyễn Kim Sơn – cán bộ tiền khởi nghĩa quê ở thôn Tiên Đõa, xã Bình Sa (huyện Thăng Bình). Bà đon đả mời chúng tôi ngồi và giục người con dâu rót nước trà tiếp khách. Dù mới lần đầu tiên gặp nhau nhưng chúng tôi cảm nhận tình cảm ấm áp như những người thân trong gia đình.
Đường về Đầm Dơi. Ảnh: internet |
Ly rượu đầu tiên được rót đầy, anh Nguyễn Hà Chung, con trai đầu của bà Nghĩa bưng lên mời cả nhà cùng... trăm phần trăm. Nhấp ngụm rượu chúng tôi cảm nhận được vị nồng của men, vị bùi của gạo, vị ngọt của đường, vị đắng của các loài hoa rừng. Anh Chung giải thích, rượu này được chiết xuất từ gạo tẻ nấu với men rượu truyền thống, sau đó ngâm với mật ong được khai thác tận rừng U Minh. Ngoài những thức ăn thường gặp như gà luộc xé trộn rau răm, tôm rang muối, cá tràu kho tộ còn có món lẩu nấu bằng nõn bon bòn, cá sặc chiên, nướng, xay làm chả, dưa bon bòn chấm với nước cá kho và con ba khía nướng thơm lừng khiến chúng tôi… ngất ngây. Chúng tôi hát cho nhau nghe những bài hát về quê nhà, về người mẹ, người chị, người lính. Đặc biệt, là những điệu lý qua cầu, lý Mỹ Hưng, lý Sầm thương, lý con sáo, lý Năm Căn… mà chị Nguyễn Bích Ngân và chị Nguyễn Kim Hoa thay nhau hát cùng với tiếng đàn ghi ta phím lõm do anh Nguyễn Lương Thủy thực hiện đã đưa chúng tôi gần hơn với miền sông nước miền Tây. Đêm càng về khuya, gió chướng thổi càng mạnh, tiếng ếch nhái kêu không ngớt cùng tiếng máy nổ của những chiếc vỏ lải (xuồng máy) vọng về từ dòng kênh Lý, kênh Hàng Dừa...
Đêm đã khuya nhưng hầu như chẳng có ai muốn dừng cuộc vui. anh Nguyễn Hà Chung kể: Ba tôi tập kết ra miền Bắc từ năm 1954 lúc đó đã có vợ và 1 người con trai ở quê nhà nhưng sau đó vợ của ba hy sinh, để lại người con trai hiện ở tại phường An Sơn (TP.Tam Kỳ). Sau đó khá lâu ba tôi mới lấy vợ lại và sinh được 4 người con. Sau ngày quê hương giải phóng, không biết lý do nào đó mà ba tôi đùm túm mẹ con tôi vào đây định cư. Ban đầu khổ lắm vì ở đây là rừng thiêng, nước độc, cây trồng không phát triển và muỗi vằn rất nhiều. Khó khăn là vậy nhưng được một cái là cá tôm lúc bấy giờ khá nhiều, nên anh em chúng tôi lớn lên từ những con tôm, con cá ấy. Bây giờ cuộc sống đã đổi khác, chúng tôi đã làm được nhà đúc, hồ nuôi tôm cũng được vài chục mẫu, con cái được học hành đến nơi đến chốn, chúng tôi không còn gì phải bận tâm. Chỉ tiếc một điều là ba tôi không còn trên cõi đời này nữa và anh em chúng tôi lại xa quê hương, xa họ hàng thân thuộc.
Ở Đầm Dơi, mỗi năm có 4 con nước gồm ròng, rong, kém và lớn. Mùa này đang là mùa nước rong, gió chướng. Càng về khuya gió càng mạnh và lạnh. Mọi người chui vào mùng đã được treo sẵn, riêng tôi được anh Thủy bố trí cho một chiếc võng treo cạnh võng của anh. Anh Thủy kể tôi nghe về kỷ niệm buồn vui của gia đình, về chuyện đời, chuyện nhà. Tôi miên man nghĩ về nơi xa xăm ấy. Lẫn trong câu chuyện, tôi nghe tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng rả rích. Và tôi nghe anh Thủy đọc rất khẽ những dòng trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân: “…Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm/ Tiếng ếch râm ran bờ ruộng/ Con nằm nghe giữa mưa đêm/ Quê hương là bàn tay mẹ/ Dịu dàng hái lá mồng tơi/ Bát canh ngọt ngào tỏa khói/ Sau chiều tan học mưa rơi/ Quê hương là vàng hoa bí/ Là hồng tím giậu mồng tơi/ Là đỏ đôi bờ dâm bụt/ Màu hoa sen trắng tinh khôi…”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC