Theo dấu chân những người thầy
Quảng Nam từng có nhiều vị thầy dạy vua như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu... mang nhiệt huyết vì quốc kế dân sinh, canh tân xứ xở, xây nền độc lập nước nhà.
Liên tưởng về khát vọng canh tân đến phong trào Duy tân – nhất là vấn đề dân trí “thực học” do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng, liệu đã được lịch sử từ đó đến nay trả lời trọn vẹn?
Lịch sử gọi tên
Đất Quảng Nam luôn được tôn danh là vùng đất học. Trong lịch sử, đã vang danh “Ngũ phụng tề phi”, sau lại có nhiều những nhân sĩ trí thức nổi tiếng cả nước. Và, thời nhà Nguyễn, người Quảng Nam từng gánh trọng trách là những vị thầy dạy học cho các vua. Lịch sử ghi lại họ như những tấm gương về sự uyên bác và nhân phẩm cao đẹp. Họ, đều là những vị quan có tinh thần yêu nước, thương dân, tài năng, đức độ và thanh liêm.
Danh sĩ, danh thần Phạm Phú Thứ - vị thầy dạy vua Tự Đức, nổi tiếng là người có tư tưởng canh tân, nhiều lần dâng sớ trình bày hiện tình đất nước, can ngăn vua bớt các thú vui để chăm lo việc nước... Ông cũng là một nhà khoa học, đã viết nhiều sách và dâng lên vua Tự Đức trước cả cụ Nguyễn Trường Tộ. Một đời vì nước vì dân, không thỏa hiệp, luồn cúi, cụ Phạm - Trúc Đường tiên sinh, dù trải qua bao thăng trầm trong đời, nhưng đến khi mất, tên tuổi và công đức của cụ đã được ghi nhận. Khi ấy, vua Tự Đức thương tiếc người thầy, ban dụ: “Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần”.
Học sinh vùng núi vẫn còn lắm khó khăn khi đến trường. Làm gì để duy trì sự học ở các em này, cần sự lưu tâm rất lớn của xã hội. ảnh: SONG ANH |
Lịch sử triều Nguyễn còn lưu lại tên tuổi của nhiều vị thầy xứ Quảng đã có công khơi mở tri thức cho các vị vua trẻ. Hoán Nhược tiên sinh – Trần Văn Dư, vị lãnh tụ Nghĩa hội Quảng Nam sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, là bậc đại khoa thời Tự Đức, từng làm thầy dạy cả hai vua Dục Đức và Đồng Khánh. Cuốn “Quảng Nam trong hành trình mở cõi” của Nguyễn Q. Thắng ghi lại lời bình phẩm của vua Tự Đức về ông, rằng “Trần Văn Dư (…) là người có văn học, tài năng, lại hay mưu hoạch, biết trị sự và đủ tiết tháo trong sự nghiệp, thích đương với chính trị, lại trong sạch, cẩn thận và chuyên cần trong việc chăm dắt, răn giới dân trong cương vị một vị quan mẫu mực…”.
Những người thầy dạy vua như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu,... đã làm nên dấu ấn trong chốn quan trường ở kinh thành Huế. Họ khởi đầu và kết thúc cuộc đời trong sự thanh sạch, dù ở cương vị nào vẫn giữ mình liêm khiết, mang tài năng có được để giúp ích cho đời.
Nhà cải cách giáo dục thế kỷ XX
Khác với những nhà yêu nước đương thời, cụ Phan Châu Trinh, lại đi tìm nguyên nhân sâu xa đưa đến mất nước và bị đô hộ thời Pháp thuộc, chính là “những nhược điểm cơ bản về văn hóa xã hội”, vì “chúng ta thua họ một thời đại”. Và bất chợt liên tưởng sự gặp nhau từ chủ trương canh tân của cụ Phạm Phú Thứ đến phong trào Duy tân của “bộ ba Quảng Nam” mà cụ Phan là người đứng đầu, đã thể hiện cái tinh thần, tính cách của người Quảng dám đương đầu khó khăn, vượt lên mọi lề thói thông thường để ngoạn mục làm điều đổi mới khác lạ và tiến bộ. Cụ Phan Châu Trinh không làm thầy dạy vua nhưng dạy cả xã hội về tư tưởng Duy tân. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi cuộc vận động cách mạng cơ bản và sâu sắc của phong trào Duy tân là một “cuộc vận động cải cách giáo dục” rộng lớn và kỳ lạ về nhiều mặt. Một cuộc đại cải cách giáo dục tiến hành dưới một chế độ thực dân hà khắc, với đối tượng nhắm đến là quảng đại quần chúng, bằng tư tưởng “thực học”, với việc học văn, học bác vật, kỹ thuật, học tiếng Pháp, tiếng Nhật, học kinh tế, đạo đức, quản lý xã hội, quân sự...
Trong khi đó, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân khi viết về phong trào Duy tân khẳng định rằng, thông qua những hoạt động của các sĩ phu – doanh nhân, khi kinh doanh không đơn thuần là kiếm lợi, mà cao hơn là mục tiêu cứu quốc, tự cường. “Hợp thương đi liền với học hiệu – trường học kiểu mới – kinh doanh để kiếm lợi và cái lợi ấy được dùng để tài trợ cho việc giáo dục đào tạo, truyền bá cái học mới, hun đúc lớp người mới có trí, khí để đảm đương việc cứu nước sau này” - cụ Nguyễn Văn Xuân viết. Thời buổi ấy, năm 1908, riêng Quảng Nam đã có hơn 40 trường học do các nhân sĩ lập nên, đều chú trọng thực nghiệp, dạy học bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, dạy nhiều thứ, chứ không chỉ dạy tứ thư ngũ kinh, bởi mục tiêu đào tạo là “khai dân trí”.
Trong một chừng mực nào đó, phong trào Duy tân xứ Quảng thời ấy đã đưa nông thôn xứ Quảng lên một tầm cao mà ngày nay, người ta hay gọi là “xã hội học tập”. Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ rằng, chỉ một nhận thức về văn hóa, chỉ một tư tưởng và chủ trương bắt nguồn tự nhận thức ấy, chỉ một công cuộc cải cách giáo dục thôi, mà tạo nên một sức mạnh khổng lồ. Ông nói thêm rằng, một nền giáo dục thật sự hiện đại, là học – để phục vụ xã hội. Mà tinh thần của cụ Phan rất hay, khi ngày ấy đã đưa một trào lưu giáo dục hết sức tân tiến: học để làm nghề, học để đi buôn, học để phục vụ xã hội.
Vĩ thanh
Cho đến ngày hôm nay, những giá trị tư tưởng canh tân của người Quảng, đặc biệt là phong trào Duy tân mà cụ Phan khởi xướng hồi đầu thế kỷ XX, với trung tâm là vấn đề dân trí, vẫn còn rất thời sự. Một nền giáo dục thời hiện tại luôn luôn cải cách, đổi mới, nhưng mỗi lần đổi mới lại làm người ta “thót tim”. Bởi sự đổi mới giáo dục hiện tại không dựa trên tinh thần “thực học”, không khởi phát từ mục đích mở mang chiều sâu tri thức mà chạy theo hư danh. Sinh viên đại học ngày càng nhiều, nhưng khi tốt nghiệp ra trường, không thể áp dụng nhiều kiến thức “nhồi nhét” suốt 4 – 5 năm vào thực tế. Trong khi đó các trường nghề luôn thiếu học viên, các trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng phải ngậm ngùi cảnh sáp nhập, đóng cửa. Và ngày càng ít những người có tư duy phản biện xã hội, phản biện chính sách, bởi sự đóng khung “trăm trứng như một”.
Liệu đã đến lúc mượn tinh thần người xưa để răn nay, để đi theo dấu chân các vị thầy từng lưu danh xứ sở?
Đổi mới, có khi phải nhận đường trở lại với tư tưởng thực học và thực hành.
SONG ANH