Tre quê
Từ cái cọc cầu ao ấy dẫn dụ tôi về với làng quê, với những bờ tre trải dọc theo chiều dài đất nước. Thuở nhỏ, những trò chơi dân dã nơi bờ bãi gò đồi với những đồ chơi bằng tre bên những rặng tre xanh yên bình đã cho tôi sự đồng cảm trẻ thơ với những vần thơ của Nguyễn Công Dương “Mặt trời xuống núi ngủ/ tre nâng vầng trăng lên/ sao sao treo đầy cành/ suốt đêm dài thắp sáng/ bỗng gà lên tiếng gáy/ xôn xao ngoài lũy tre/ đêm chuyển dần về sáng/ mầm măng đợi nắng về” (Lũy tre). Một khung cảnh êm đềm của làng quê tuổi thơ lại ập về trong ký ức của tôi. Nhớ những đêm hè oi bức thuở chưa có điện, mẹ tôi sau một ngày vất vả chuyện đồng áng vẫn phe phẩy chiếc quạt mo tre làm gió và đuổi muỗi cho đàn con lăn lóc ngủ. Và tôi đã viết: “Quên làm sao những oi bức đêm hè/ tiếng quạt mẹ ru con vào giấc ngủ/ trong chập chờn tiếng gà xao xác gáy/ chợt nhận ra mẹ còn thức bên mình”.
Lớn lên tí nữa tôi phụ anh chị đi bẻ măng làm bữa. Khi thì canh măng cá lóc, lúc thì cá giếc kho măng muối, lúc thì măng luộc trộn đậu phụng... Và cả những lúc phụ vót nan đan các vật dụng nhà nông như thúng mủng giần sàng... Chợt nhận ra tre thân thuộc đến thế; tre đã đồng hành với dân tộc từ thuở sơ khai, thuở khẩn hoang lập đất, thuở khai làng lập ấp.
Và trong tôi khái niệm đất nước dần hình thành. Đất nước ấy chỉ đơn giản là đất và nước. Và trên đất trên nước ấy cây cối đã lên xanh, con người đã sinh sống hồn nhiên từ khởi thủy. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Đất nước có từ cái thuở ngày xửa ngày xưa/ cái ngày ông cha ta biết trồng tre và đánh giặc” (Đất nước). Trên đất trên nước ấy từng cây tre mọc lên, nhiều cây thành bụi, nhiều bụi thành lùm, thành cụm và nhiều cụm hợp lại thành rặng, thành lũy thành. Và “tre già măng mọc” cứ thế đời đời!
Nay, làng quê đã có nhiều đổi thay, mang diện mạo mới nhưng bỗng thấy tiêng tiếc những bờ rào tre xưa bên những luống cải và giàn bí giàn bầu xanh mát mắt. Ra con suối ngày nào, lòng suối đã bị rút ruột trơ ra những cội rễ tre xơ xác. Lại cảm thán: “Đi suốt chiều dài đất nước/ đâu cũng ruộng lúa bờ tre/ đã mấy mùa công nghiệp hóa/ mẹ tôi vẫn sợ lũ về”.
TẤN ĐƯỜNG