Chạnh buồn bên mộ danh nhân
Hằng năm, mùa đông là mùa tảo mộ của các tộc họ cư dân vùng cát Điện Bàn. Nghĩa trang phường Điện Dương dày đặc những ngôi mộ nhiều kiểu dáng khác nhau, biểu hiện phần nào sự giàu – nghèo của các con cháu thân nhân những người đã khuất. Và, trong cái se lạnh của mưa phùn gió bấc, lòng tôi chạnh buồn nhận ra phần mộ cụ cử nhân Lê Tấn Toán (1837 – 1887) chìm khuất giữa muôn ngàn tên tuổi tha nhân.
Phần mộ cụ Lê Tấn Toán. |
Theo sách Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng và gia phả tộc Lê Tấn làng Hà Lộc ở phường Điện Dương, khoa thi năm Tân Dậu (1861) ba anh em nhà cụ Lê Tấn Toán cùng đi thi; hai người em Lê Tấn Liên và Lê Tấn Luận đỗ tú tài, còn ông đỗ cử nhân ở tuổi 24 nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Trường Hà Lộc của thầy Lê Tấn Toán nổi tiếng khắp vùng, học trò của cụ không chỉ người Quảng Nam mà còn có Quảng Ngãi, Bình Định… “Tràng học” này góp công tạo bước đầu tiên để nhiều người thành tú tài, cử nhân, phó bảng trong nửa sau thế kỷ XIX. Các chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, Châu Thượng Văn... cũng gắn bó với tràng học của cụ Lê Tấn Toán. Đáng thương thay, giữa thời đất nước nhiều biến động, nhiễu nhương, cụ Lê Tấn Toán lánh xa quan trường, nhưng vẫn không tránh khỏi bị chết thảm!
Chuyện là, sau khi hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam Trần Văn Dư bị Tuần phủ Châu Đình Kế âm mưu với Pháp giết chết (13.12.1885); Nguyễn Duy Hiệu được bầu làm Hội chủ, cùng với phó hội Phan Bá Phiến tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết được uy tín và ảnh hưởng của người thầy - cử nhân Lê Tấn Toán với học trò Nguyễn Duy Hiệu, một hôm Châu Đình Kế cho lính xuống làng Hà Lộc mời thầy Lê Tấn Toán lên tỉnh đường (đóng ở thành La Qua) dự tiệc, nhưng kỳ thực là âm mưu nhằm cảnh cáo, răn đe, ép thầy viết thư dụ Hường Hiệu ra hàng. Giữa tiệc rượu, Châu Đình Kế khích bác cụ cử Lê:
- Nghe thiên hạ đồn đãi thầy là một sư nho có tài và đức độ mà sao dạy học trò toàn là hạng làm giặc như Nguyễn Duy Hiệu…
Cụ cử Lê đang cầm ly rượu trên tay, nghe vậy giận run người, nhưng cụ nén lại đến nỗi bóp vỡ ly rượu lúc nào không hay, rồi đáp:
- Thời thế này, chưa biết ai là vua, ai là giặc, xin quan Tuần hãy cẩn tắc trong lời nói.
Rồi cụ đứng dậy, cáo từ ra về. Nhưng sau đó bị vua Đồng Khánh kết tội dạy học trò “khởi ngụy”, làm quân sư cho “ngụy hội” chống lại triều đình phải thọ hình “tam ban triều điển” (ba cái chết mà triều đình ban ân cho tự chọn là chén thuốc độc, thanh gươm hay dải lụa). Và ông đã khẳng khái nhận chén thuốc độc để giữ tròn khí tiết. Ông mất vào ngày 24.7 Đinh Hợi (1887). Tin dữ lan xa, học trò góp tiền ra chợ Vĩnh Điện mua lụa phong kín thi thể thầy, trút khăn nhiễu đội đầu kết thành võng đưa thi thể thầy về Hà Lộc làm lễ mai táng. Đêm đó Hường Hiệu cải trang lẻn về lạy thầy.
Cuối năm 1887, Nghĩa hội Quảng Nam bị quân Nam Triều do Nguyễn Thân chỉ huy phối hợp với quân Pháp đánh cho tan rã. Nguyễn Duy Hiệu sau khi phân tán lực lượng, tự để cho giặc bắt để nhận toàn bộ trách nhiệm nhằm cứu nghĩa quân. Trên đường bị áp giải ra Huế, Hường Hiệu yêu cầu Nguyễn Thân cho mình được ra viếng mộ thầy lần cuối. Nguyễn Thân không cho, Nguyễn Duy Hiệu đành quỳ trong cũi quay mặt về làng Hà Lộc lạy vĩnh biệt thầy.
Cử nhân Lê Tấn Toán không phải là công khanh, nhưng phẩm hạnh, nghĩa khí của ông ngời sáng. Ông từng nói, muốn dạy người trước phải dạy mình cho nghiêm. Trong bi ký nói về lập văn miếu tại Đông Bàn (Gò Nổi) và năm Tự Đức hai mươi sáu (1873) hiện trưng bày tại Bảo tàng thị xã Điện Bàn, bên cạnh tên các nhân vật nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm… còn có tên ông Lê Tấn Toán.
Hơn một thế kỷ đã qua, cuộc đời dâu bể, chiến tranh tàn phá, con cháu ly tán… phần mộ ông trước ở vùng rừng Hà Gia; 20 năm trước đây được di dời về vùng cát Hà Bản. Đó là một ngôi mộ nhỏ, khiêm nhường, đơn sơ với tấm bia đá chữ Hán, bị nhiều vết đạn làm hư hỏng. Ngoài con cháu trong tộc Lê Tấn, không mấy người biết dưới phần mộ đó là một danh nhân, một người thầy mà nhân cách, đức hạnh và nghĩa khí có sức ảnh hưởng lớn đến phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.
Tại TP.Đà Nẵng, có một con đường thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà đã được đặt tên cụ Lê Tấn Toán. Tuy nhiên, một ước vọng của con cháu tộc Lê Tấn làng Hà Lộc và của những người hằng quan tâm đến văn hóa, lịch sử là quê nhà Quảng Nam cần tu sửa di tích phần mộ ông, đặt tên một con đường hay trường học mang tên người thầy đáng kính ấy.
ĐINH VĂN MÃNH