Đhrượp của người Cơ Tu
Trên nóc gươl của người Cơ Tu thường có một thành phần kiến trúc quan trọng đó là đhrượp, trang trí hai đầu nóc. Đhrượp vừa có tác dụng trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà vừa có chức năng liên kết làm cho mái nhà thêm chắc chắn. Ta có thể thấy hình thức trang trí đầu nóc khá phổ biến ở các tộc người Đông Nam Á, hoặc ở vùng nam Trung Hoa và ở các quần đảo ngoài khơi Thái Bình Dương. Ở vùng nam Trung Hoa, người Wa, người Zi, người Bạch… đều có cách trang trí riêng ở đầu nóc như hình sừng trâu, hình mũi thuyền, hình chim, hình người…
Nhà làng Cơ Tu thôn A Pát, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang có trang trí đhrượp ấn tượng. Ảnh: TẤN VỊNH |
Đhrượp là một sản phẩm văn hóa của người Cơ Tu được sản sinh trong chính môi trường văn hóa của họ. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 10 loại đhrượp có hình dáng khác nhau nhưng nổi bật nhất là hình dáng của chim g’rook và triêng - hai loài chim quý của người Cơ Tu. Nét đặc trưng của hình thức trang trí trên nóc gươl là hình chim mỏ cong (g’rook hoặc triêng). Đây là sự mô phỏng loài chim ăn quả trong rừng và gắn bó với đời sống văn hóa của người Cơ Tu. Tuy nhiên, do bị săn bắt quá nhiều để lấy mỏ và lông, hai loại chim này hiện nay rất hiếm gặp. Trên một tấm ván hình bầu dục (dày chừng 3cm, dài 80cm, rộng 50cm) đồng bào Cơ Tu khắc đẽo thành một bố cục tổng hợp rất đẹp mắt, tinh xảo. Nếu lấy trục dọc giữa chiều dài tấm gỗ làm trung tâm thì các chi tiết hai bên đối xứng nhau gần như tuyệt đối. Dưới cùng, lượn vòng thành hình chữ U ngoạn mục là hình hai cặp chim triêng, con đực cưỡi trên lưng con cái, đầu hướng ra hai bên theo đường cong chữ S uyển chuyển, nhịp nhàng. Theo lời đồng bào, chim triêng tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết và hình hai đôi chim đang giao cấu đặc trưng cho tín ngưỡng phồn thực, thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở.
Hình chim triêng và đầu trâu. |
Tiếp giáp với lưng triêng là biểu tượng chiếc đầu trâu, nhìn trực diện thấy rõ hai chiếc sừng cong vút tạo nên một đường tròn khép kín, nhỏ dần về phía trên. Con trâu (kpiêu) có giá trị đối với đồng bào vì nó là con vật hiến tế trong các lễ hội. Bên trên sừng trâu, hình chàng thanh niên lực lưỡng trong tư thế đưa hai tay lên chống đỡ, trụ vững cho ngôi nhà. Chàng trai còn nâng trên đầu mình hình tượng hai con hổ, chứng tỏ sự suy tôn của đồng bào với loài thú hung dữ. Các biểu tượng chim triêng, đầu trâu, chàng trai, con hổ với bố cục cân xứng và hợp lý - mang khát vọng ấm no, khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở đông đúc của người dân dưới mái nhà làng truyền thống.
Hình người chim triêng và gà trống trên đầu hồi gươl. |
Một dạng đhrượp khác, tiếp giáp với lưng triêng là một hàng răng cưa cong như hình bán nguyệt mà người Cơ Tu gọi là “chà rang” (hàng chông) hình trăng khuyết (cà xe), hình ngôi sao năm cánh. Hình mặt trăng khuyết được đồng bào hiểu rằng đó là ánh trăng của sự thanh bình, yên ổn mà họ ao ước, khát khao. Trăng, sao mọc trên những mũi chông thể hiện tinh thần muốn vươn lên để chế ngự, làm chủ tự nhiên; vừa là ý thức bảo vệ cuộc sống an lạc, thanh bình của con người.
Không những ngôi nhà gươl mới có đhrượp mà nhiều ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà moong cũng được trang điểm cấu trúc thẩm mỹ này. Gia chủ có thể tự làm hoặc mời nghệ nhân giỏi tạo tác các đhrượp ưng ý để bài trí trên đầu hồi, làm cho ngôi nhà của gia đình thêm duyên dáng, xinh xắn. Tuy nhiên, chúng thường có quy mô, kích thước, đường nét điêu khắc nhỏ nhắn hơn, đơn giản hơn khi sánh với đhrượp của ngôi nhà làng.
Hình tượng chim triêng và rồng trên đầu hồi nhà gươl Cơ Tu. |
Nhà làng Cơ Tu là công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật tạo hình. Những tác phẩm điêu khắc trang trí trên nóc gươl là sáng tạo rất kỳ công mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật truyền thống Cơ Tu. Nhìn bên ngoài, nhà làng truyền thống của đồng bào “có dáng” hay không là nhờ các trang trí trên đầu nóc, đầu hồi. Đhrượp không chỉ toát lên nét đẹp thuần túy mà nó còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ý nghĩa bao quát toàn bộ cấu trúc của đhrượp là khát vọng của đồng bào cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no, phát triển... Hình ảnh cô đọng nhất đem lại xúc cảm cho người thưởng ngoạn chính là những cánh chim mạnh mẽ bay lên trên bầu trời xanh, đón gió đại ngàn. Đó là chất men gây cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian trong qua trình sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho rừng núi, bản làng.
TẤN VỊNH