Những bài ca Duy tân
Để phục vụ cho việc giảng dạy theo một chương trình còn rất mới mẻ của các trường Duy tân thời 1904 - 1908 ở Quảng Nam, các nhà nho tiến bộ đã viết tài liệu dưới dạng những bài ca. Các bài ca và tác giả của nó đã đi vào lòng nhân dân trở thành những “bài ca bất tử”.
Tài liệu dạy học kiểu Duy tân
Có thể nói thành tựu lớn nhất của phong trào Duy tân (1904-1908) ở Quảng Nam là ở lĩnh vực giáo dục. Chỉ trong thời gian ngắn trên toàn tỉnh đã xuất hiện hơn 40 ngôi trường Duy tân, trong đó có một số trường nổi tiếng như Diên Phong, Bảo An, Phú Bông, Quảng Phước (Điện Bàn), Phú Lâm (Tiên Phước), La Châu (Hòa Vang), Quảng Huế (Đại Lộc)… Đây là những ngôi trường “dạy người” vì “học mà không đi thi, chỉ học để biết, để mở mang trí tuệ, để có những kiến thức mới” chứ không phải học để làm quan, làm lý hương được ăn trên ngồi trốc, được mủ cao áo dài…
Nhiều bài vè được người dân các vùng quê thuộc và truyền lại. (Ảnh minh họa) Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Để phục vụ cho lối học mới, các nhà Duy tân đã lần đầu tiên sử dụng… phấn trắng bảng đen để dạy một chương trình đầy tính thực nghiệm vì dạy bằng chữ quốc ngữ với các môn khoa học thường thức, lịch sử, địa lý, toán đố, thể dục và cả… hát nữa. Tuy nhiên vì quá mới mẻ, lại mang tính thực nghiệm và học chỉ để “làm người” không bị chi phối bởi thi cử nên: “Về sách thì chưa có một chương trình rõ ràng. Gặp sách nào hay thì đem ra dạy, gặp bài thơ nào khoái chí thì đem ra giảng. Toán thì dạy các phép cộng trừ nhân chia, toán đố…”. Và để đáp ứng một lối dạy như vậy các “nhà sư phạm không chuyên” đã nghĩ ra việc soạn giáo trình. Và để cho dễ nhớ, giáo trình lại là những bài ca:
Bài ca về lịch sử nước ta, rất dài, làm theo thể lục bát, trong đó có đoạn:
Đã bốn ngàn tám trăm năm
Kể từ Hồng Lạc cũng nhằm chẳng sai
Thục, Triệu, Ngô đổi thay hoài
Khi trong thuộc địa khi ngoài phân tranh
Mười hai sứ tướng xưng binh
Ra tay thống nhất họ Đinh thâu về...
Bài ca về cân lường, làm theo thể tứ tuyệt, gồm 48 câu, nói về đặc điểm của 25 loại gồm khoáng sản và sản vật chính, trong đó có một số câu như:
Vật trong trời đất/ Nhẹ nặng không thường/ Lấy lít nước lường/ Cân thì biết sức/ Bạch kim nặng nhứt/ Hai mươi hai lần/ Vàng mười chín cân/ Hăm lăm số lẻ/ Bạc kia chẳng nhẹ/ Mười lít năm phân/ Còn giống thủy ngân/ Mười ba lẻ sáu/ Chì tuy không báu/ Mười một cân năm/ Tám lít chín trăm/ Sức đồng không nhẹ/ Tám cân chín lẻ/ Đồng dễ đúc xu/ Sắt bảy kí lô/ Tám héc tô nữa/ Thép bảy lít chứa/ Bảy tám xăng ti/ Kẽm chẳng kém chi/ Bảy cân hai lẻ/ Thiếc còn dẹt dẻ/ Bảy lít dư ba…
Đặc biệt, bài ca về địa chí Quảng Nam làm theo thể lục bát, gồm 54 câu, được phổ biến một cách rất rộng rãi không những trong học sinh mà cả trong phụ huynh và nhân dân:
Quảng Nam vốn đất quê mình
Núi đồng, sông biển đành rành từ lâu
Thương yêu đùm bọc trước sau
Cùng trong Đại Việt chung nhau dư đồ
Tây Sơn Giáp Ngọ dựng cờ
Nhân dân đoàn kết cõi bờ đắp xây
Đặt làm doanh trấn những ngày
Sau đặt làm tỉnh đổi thay mấy lần
Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân
Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong
Tây thì giáp đến Mê Công
Rừng cao, rừng thấp mấy tầng núi xanh
Đông thì biển rộng thinh thinh
Đất đai trăm dặm rành rành nhớ ghi
Bảy phủ huyện ấy tên chi
Sát ngoài phía bắc vậy thì Hòa Vang
Giữa thời có phủ Điện Bàn
Tỉnh thành thì cũng ở ngang một bề
Duy Xuyên huyện ấy trong kề
Quế Sơn vô nữa thì về phủ Thăng
Hà Đông Quảng Nghĩa sát Giằng
Còn huyện Đại Lộc mới tăng trên cùng
Nhìn xem non nước trùng trùng
Thu Bồn một dải cong vòng
Ô Gia thì ở trên dòng sông Con
Lỗ Đông sát núi Cao Sơn
Cu Đê thì ở gần hòn Hải Vân
Nhờ giáo trình được viết thành bài ca nên được các thầy giáo và học trò thuộc lòng và không chỉ các thầy và trò mà cả xã hội cũng ngâm nga. Sau này dù cái học Duy tân còn ấu trĩ của buổi sơ khai này không còn nhưng những bài ca vẫn được nhiều người thuộc và truyền mãi để lại “dấu ấn giáo dục” của một thời.
Tác giả của những bài ca bất hủ nói trên được cho là của một nhà nho tiến bộ, đó là tú tài Trương Trọng Hữu.
Ông Tú Năm
Tú tài Trương Trọng Hữu còn có tên là Trương Ngọc Phiên thường được dân gian gọi là ông Tú Năm, hoặc ông Tú Châu Lâu, hiệu là Văn Hiên, là con rể của cụ Phạm Phú Thứ và là ông ngoại của Lâm Quang Thự. Ông sinh năm 1860 tại làng Châu Lâu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn). Dưới triều Thành Thái (1889-1907), ông thi đỗ tú tài, nhưng nhận thấy cái học khoa cử đã đến hồi suy tàn nên không tiếp tục lều chõng đi thi cũng không chịu ra làm quan mà ở nhà tham gia phong trào Duy tân, lập hội nông, hội thương, mở trường dạy chữ quốc ngữ. Ông lập trường Phú Bông (nay thuộc xã Điện Quang), là một trường Duy tân khá lớn vào thời đó. Trường có sự tham gia giảng dạy của các nhân vật nổi tiếng như Trương Tuấn, Nguyễn Tăng Côn (Thông Cào), cử nhân Phan Thúc Duyện. Trường của ông dạy theo lối mới, cả bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ. Hàng tháng có dẫn học sinh đi du ngoạn thăm các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trường đặc biệt coi trọng các môn lịch sử và địa lý nhất là lịch sử , địa lý địa phương.
Năm 1908, ông tham gia cuộc kháng thuế, cùng nhân dân Đại Lộc và cả tỉnh vây tòa sứ Hội An, vây phủ Điện Bàn buộc viên tri phủ Trần Văn Thống cùng đi xin xâu với nhân dân. Cuộc kháng thuế bị đàn áp, ông về tiếp tục công việc dạy học. Để phục vụ giảng dạy theo tinh thần mới, ông đã tự viết tài liệu cho nhiều môn học cả về lịch sử, địa lý, khoa học thường thức.. bằng chữ quốc ngữ. Các trường Duy tân trong tỉnh đã sử dụng các tài liệu mà Trương Trọng Hữu viết như là sách giáo khoa chính thức của trường.
Năm 1947, khi ở tuổi 87, mặc dù tuổi già sức yếu, tú tài Trương Trọng Hữu vẫn tham gia tích cực cuộc kháng chiến chống Pháp tại quê nhà. Ngày 9.10.1947 giặc Pháp đi càn, ông đã bị bắt, bị tra tấn dã man, buộc phải khai những cán bộ, du kích đang hoạt động trong vùng. Giặc không khuất phục được ý chí của ông, cuối cùng phải đem xử bắn, đốt nhà và thiêu xác ông.
Hiện nay ở thôn Châu Lâu xã Điện Thọ, nơi tú tài Trương Trọng Hữu hy sinh vẫn còn tấm bia tưởng niệm ông, người chiến sĩ tài năng đầy sáng tạo của phong trào Duy tân, tác giả viết sách giáo khoa bằng chữ quốc ngữ tiên phong của nước ta, người thầy giáo liệt sĩ kiên cường của cuộc kháng chiến chống Pháp.
LÊ THÍ