Bên trời nốt nhạc bơ vơ
Thấy Lê Nguyên Vỹ bước vào kéo ghế ngồi, cô bé tiếp thị mau mắn chạy tới bày ly rót bia, vừa nghiêng ngó rồi nói, con thấy chú giống nghệ sĩ. Vỹ vuốt mái tóc dài lòa xòa cười, nghệ chi con, tao không có tiền hớt tóc đó. Anh nói với tôi, mỗi năm tao chỉ hớt tóc một lần, hớt gần trụi lủi luôn, rồi nó cứ dài tới đâu thì tới. Chẳng biết anh nói thiệt hay nhân tiện mà đùa chơi. Lần nào gặp anh, cũng thấy một kiểu tóc dài vuốt ngược ra sau gáy, ngọn tóc chấm vai. Chẳng hiểu sao mấy ông để tóc kiểu ấy là thiên hạ lại nhìn ra nghệ sĩ.
Mà Lê Nguyên Vỹ nghệ sĩ thiệt tình. Kiểu người đa tài lận đận. Nhiều năm trước, nhắc tới tên anh người ta nghĩ ngay tới thạch ảnh. Anh nướng hết bao nhiêu tiền bạc, công sức để thí nghiệm, cuối cùng thành công trong việc phóng ảnh lên đá, làm ra những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo. Thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ nổi đình nổi đám trên báo chí, truyền hình một thời, còn lưu truyền câu chuyện ông Nguyễn Bá Thanh từng nghe tiếng và “tài trợ” cho anh một khoản tiền để theo đuổi cái đam mê lạ lùng đó nữa.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Vỹ. Ảnh: M.ĐIỀN |
Nhưng khi mới gặp Lê Nguyên Vỹ nhiều năm trước, tôi lại nghe Vỹ đọc thơ. Đó là lần nhà thơ Lê Anh Dũng mời bạn bè tụ họp ở trang trại của anh trên núi Hải Vân. Giữa chiếu rượu mọi người đọc thơ. Lê Nguyên Vỹ đọc một bài thơ dài. Tôi không nhớ nội dung, chỉ nhớ cách anh diễn đọc. Chỉ nghe anh đọc thôi thì thơ nào cũng hay bần bật lên hết được. Quả thực Lê Nguyên Vỹ, người nhìn nhỏ thó, lại thường mặc quần áo rộng thùng thình, khi cất tiếng lại vang như vạc đồng. Anh người tốt giọng. Giữa đám người ngồi quanh lô nhô, không cần nhìn cũng có thể xác định được Lê Nguyên Vỹ ngồi ở đâu trong đó. Anh đọc thơ say sưa, hùng hồn, tưởng như cả đời anh chỉ có việc đọc thơ là quan trọng vậy.
Vậy mà Vỹ nói, tới 50 tuổi anh mới làm thơ. Lại đùa, chơi với mấy thằng làm thơ hoài mà mình không làm tụi nó khinh khi, ghét, tao cũng làm. Làm thơ cho bõ ghét vậy mà đã kịp in một tập ngon lành. “Tao đâu có tiền mà in, cũng không biết cho đến khi tụi nó gửi về”. Đó là họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn vì quý anh mà tự gom bản thảo, trình bày, vẽ bìa, kêu gọi bạn bè đóng góp, gửi in rồi mang về cho anh.
Lê Nguyên Vỹ nghệ sĩ, Lê Nguyên Vỹ thạch ảnh, Lê Nguyên Vỹ làm thơ. Nhưng cái món nghệ thuật mà anh dan díu lâu dài nhất, lại là âm nhạc. Anh viết nhạc từ năm 17 tuổi, đến nay gần tròn 50 năm. Tự học, tự mày mò sáng tác. Cho đến bài hát gần đây nhất anh viết vài tháng trước, anh đã có khoảng 50 ca khúc, cất trong ngăn kéo. Tôi không biết Vỹ có viết nhạc cho đến khi một người bạn gửi cho đường link một bài hát anh phổ thơ Yên Thao. Chính là bài thơ mà Anh Bằng phổ thành Chuyện giàn thiên lý nổi tiếng lâu nay. Bạn nói, hay quá. Tôi cũng không ngờ. Tôi nói với anh, nghe bài hát của anh với của Anh Bằng, lại liên tưởng đến Màu tím hoa sim của Dzũng Chinh với Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy. Cũng là một bài thơ, mỗi người phổ theo cách khác nhau, và khó nói được là ai hay ai dở.
“Tao biết về giai điệu, chẳng hạn so với các tay viết trẻ bây giờ, tao giàu có hơn họ. Nhưng cái yếu của tao là tiết tấu. Các nhạc sĩ trẻ bây giờ họ rất mạnh về tiết tấu, cái đó làm cho bài nhạc nó sống, nó cuốn hút người ta ngay lập tức”. (Lê Nguyên Vỹ) |
Lại nghĩ, những bài thơ phổ nhạc hay, đã nổi tiếng, ít nhiều cũng gây cho người nghe một lối định kiến trong cảm thụ, để rồi dễ dị ứng với những bản phổ khác, nhất là của những người nghiệp dư, “chẳng ai thấy mặt biết tên”. Nhưng tôi có thể tiếp nhận nhạc Lê Nguyên Vỹ mà không thấy gợn dị ứng nào. Tôi có thể “ấn chứng” điều này với hai ca khúc anh phổ những bài thơ vốn đã nổi tiếng. Một là Tình ca người kháng chiến phổ bài thơ Nhà tôi (Yên Thao) tôi đã nhắc trên. Hai là Mùa lá khởi vàng, phổ Có phải em mùa thu Hà Nội của Tô Như Châu. Bài này cũng từng làm mưa làm gió một thời khi qua tay Trần Quang Lộc.
Vì vậy tôi thừa nhận Lê Nguyên Vỹ có tài viết nhạc. Trên tài khoản youtube.com của anh, có hơn chục bài hát anh cho thu từ 15 năm trước. Những bài hát vừa có âm hưởng trầm hùng, dứt khoát như cá tính Lê Nguyên Vỹ, lại vừa mang hơi thở đồng quê rất đậm đà. Anh lắc đầu, tiếc. Giá mà mấy bài đó được hòa âm cho kỹ càng chuyên nghiệp, thì nghe hay hơn nhiều.
Hỏi anh sao anh viết nhạc đã lâu vậy, gia tài cũng bộn bộn mà ít ai biết quá. Anh cười tao không có tiền để giới thiệu, chịu chớ sao. Bởi một ca khúc được viết ra, tới được với công chúng phải qua bao nhiêu khâu rắc rối, từ hòa âm, mời ca sĩ hát, phòng thu, quảng bá kênh này kênh nọ vân vân... thật là quá tầm với của một tay nghệ sĩ nghèo - mút - mùa như anh. Một vài bài tự thuê hòa âm, nhờ người hát bỏ lên mạng kiểu anh đã làm, cũng chỉ là làm cho “đã cơn ghiền” trong chốc lát, khó mà gây được chút hiệu ứng lâu dài nào.
Một số ca khúc Lê Nguyên Vỹ (tên thật là Lê Đức Vỹ, hiện sống tại TP.Đà Nẵng) đã công bố trên youtube(https://www.youtube.com/channel/UC2GrOi7VnE_ZhPYxxMW5W0w): Chim dồng dộc (thơ Đinh Tấn Phước) Sinh thánh ca Giọt thời gian (thơ Lê Thu Thủy) Đông tàn (thơ Trần Thiên Thị) Tình ca người kháng chiến (thơ Yên Thao) Thiên thu em về Tơ trời mong manh Tóc vương sợi nắng (thơ Hồ Hải Thành) Tơ xuân (thơ Lê Anh Dũng) Chiều vàng Champa (thơ Lê Anh Dũng) Mùa lá khởi vàng (thơ Tô Như Châu) Ngọn gió đùa (thơ Tô Hoàn) Sợi tóc buồn (thơ Tô Nghĩa) |
Nghèo. Lê Nguyên Vỹ thừa nhận thẳng tưng cái thực tế của anh như vậy. Coi như là nghề thạch ảnh, cần câu cơm mà anh đã đầu tư bao nhiêu tâm huyết, nhưng khi sản phẩm ra thị trường lại bị đủ thứ cạnh tranh mánh lới, anh không quản được. Nghĩ trong khi thành phố nơi anh sống đang loay hoay tìm kiếm một sản phẩm lưu niệm để níu hầu bao của du khách, thì một thứ hay ho như thạch ảnh Lê Nguyên Vỹ lại chết lên chết xuống, người nghệ sĩ làm ra sản phẩm cứ lơ ngơ, đơn độc giữa chợ đời như vậy. Tiếc cho anh mà cũng tiếc cho... mọi người.
Nhưng anh không chịu nhận nhạc mình là nghiệp dư, viết mà chơi như nhiều người không chuyên khác. Anh nói nhạc tao viết chuyên nghiệp chứ, tao biết nó khó nghe hơn nhiều dòng nhạc khác. Chỉ là một bài hát có đứng giữa đời được hay không, cũng như duyên phận con người.
Dù rất tự tin vào “tay nghề” làm nhạc của mình, Lê Nguyên Vỹ cũng phân tích cho tôi nghe cái hay cái dở trong “trình nhạc” của anh. Tao biết về giai điệu, chẳng hạn so với các tay viết trẻ bây giờ, tao giàu có hơn họ. Nhưng cái yếu của tao là tiết tấu. Các nhạc sĩ trẻ bây giờ họ rất mạnh về tiết tấu, cái đó làm cho bài nhạc nó sống, nó cuốn hút người ta ngay lập tức.
Nghĩa là nhạc Lê Nguyên Vỹ, có thể bạn bè hay ai đó tình cờ nghe được, thích. Nhưng nó không còn ý nghĩa thị trường/ phổ thông nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc những bài hát của Lê Nguyên Vỹ có nguy cơ nằm mãi trong hộc bàn anh.
Nhưng anh vẫn nuôi ao ước có ngày được ra một album, khoảng mươi bài thôi, chất lượng, để không có ai nghe thì cũng lưu lại chút thành quả riêng mình, cho bõ mấy mươi năm vương vấn.
MINH ĐIỀN