Đi qua từng truyện ngắn
Từ lúc cuộc thi khởi động cho đến kết thúc, tôi khấp khởi vui khi đọc tác phẩm hay, khấp khởi mừng vì tình yêu với văn chương vẫn đậm; người đọc người viết vẫn nhiều. Tôi đã… đi qua từng truyện ngắn cùng hỉ, nộ, ái, ố của mỗi nhân vật như thế.
Một cuộc thi truyện ngắn trên báo, đương nhiên gói gọn thời gian và dung lượng, nên chưa thể và không thể nói đến “diện mạo văn học” của vùng đất này sẽ được thể hiện qua từng ấy tác phẩm dự thi, chọn đăng và lọt vào vòng chung khảo. Tuy nhiên, có thể khẳng định, ngoài một số truyện ngắn của các tác giả ngoại tỉnh, phần lớn các truyện ngắn được đăng tải - ở góc độ nào đấy, lát cắt về văn học của đất Quảng chưa mưa đà thấm cũng được thể hiện khá rõ nét.
Nói “lát cắt” bởi người đọc sẽ dễ dàng nhận ra cách ăn nói, hành xử, thói quen, nếp sống, văn hóa… của mỗi nhân vật trong mỗi tác phẩm luôn đậm chất Quảng. Người Quảng ăn cục nói hòn, nhân hậu và luôn đau đáu với thời cuộc. Ở mảnh đất lắm mưa nhiều nắng, sức chịu đựng của người Quảng thường phải cao hơn. Chịu đựng mãi, thành quen, mọi thứ cứ lặn vào trong. Văn phong của người viết, cũng vì thế, trầm lặng.
Chuyện đời thường, tình yêu đôi lứa, quê hương xứ sở, ký ức chiến tranh và rất nhiều chuyện khác được các tác giả thể hiện qua tác phẩm, như muôn mặt đời sống đang vận động từng giây, từng phút ngoài kia – ngoài trang bản thảo mà họ dụng tâm dốc sức viết ra. Bởi thế nên, như Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, ông Lê Văn Nhi – Tổng biên tập báo Quảng Nam khẳng định, cuộc thi đã thành công ngoài mong đợi.
Cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014 - 2015 bắt đầu ngày 3.2.2014 và kết thúc ngày 3.2.2015. Sau một năm phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 204 tác phẩm của hơn 150 tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc. Ban sơ khảo đã đọc, thẩm định và chọn đăng 51 tác phẩm trên Báo Quảng Nam Cuối tuần. Phía Bắc có các cây bút ở các tỉnh thành như Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… Phía Nam có các cây bút ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cần Thơ, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… Ở địa bàn Quảng Nam, bên cạnh các cây bút là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, còn có các cây bút trẻ đang công tác tại các huyện, thị, thành phố như Nam Trà My, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ… |
Dự thi, là nhiều cây bút chuyên và rất nhiều tay bút không chuyên. Dù chuyên hay không chuyên, hơn 150 tác giả gửi tác phẩm đến Ban tổ chức, là chừng ấy tấm lòng người viết với quê nhà, với nghiệp viết lách – cái nghiệp mà có người từng bảo là mua dây buộc mình. Chuyên nghiệp như nhà thơ Tường Linh, khi truyện viết xong và cả khi truyện được đăng tải, ông bảo: “Mình ốm một trận, tuổi già như chuối chín cây, mình tưởng mình đã… đi luôn theo “Quán Đầu Ngựa” rồi”. Không chuyên nhưng lại mê viết và cả 2 năm mới hoàn chỉnh truyện “Hương quế”; khi viết xong, gửi đi lại hồi hộp và mong ngóng truyện được chọn đăng. Mong đến… quên luôn thì nhận được báo biếu. Tác giả truyện “Hương quế” – Võ Lê Tú Anh tâm sự: “Viết lách là một việc vừa khiến em vui vừa khiến em buồn”. Một truyện ngắn, dù giới hạn 1.800 chữ theo quy định của thể lệ cuộc thi, nhưng sự lao tâm khổ tứ thì không hề giới hạn.
Đã là thi, đương nhiên có người đoạt/không đoạt giải. Cái sự ấy trong một truyện ngắn không tránh khỏi chủ quan của người chấm giải. Thế nên, những cuộc tương tự ở lĩnh vực này, bao giờ cũng nhiều lời ra tiếng vào hơn cả. Để hạn chế thấp nhất điều này, Ban tổ chức đã đề ra nguyên tắc làm việc: đọc và chọn tác phẩm, không đọc và chọn tác giả; đến chung khảo thì chấm điểm độc lập. Cơ hội cho hơn 200 tác phẩm là ngang bằng nhau. Và những truyện ngắn đạt chất lượng, vì thế đã không bị bỏ sót.
Có một vài truyện tốt, nhưng lại dài gấp đôi số chữ theo quy định (1.800 chữ) nên người biên tập đành tiếc nuối bỏ qua.
PHAN HOÀNG