Tác phẩm ngày ấy… nay đâu?

LÊ QUÂN 13/06/2015 09:31

Những tác phẩm được giải thưởng Đất Quảng lần thứ I (1998 – 2008), đang ở chốn nào vẫn là băn khoăn lâu nay của người yêu quý nền văn học nghệ thuật xứ Quảng.

Thừa nhận khâu quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật địa phương lâu nay vẫn là điểm yếu, ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT cho rằng, số đông các tác phẩm bị lãng quên là điều tất yếu. Những thành tựu nghệ thuật xuất sắc trong vòng 10 năm, đã được các nghệ sĩ, nhà chuyên môn đánh giá cao… vẫn không tránh khỏi cảnh “bây giờ nay đâu”… Thử nhìn lại những tác phẩm xuất sắc được vinh danh của lần trao giải thứ nhất, cũng là giải thưởng VHNT đầu tiên của tỉnh Quảng Nam khi tái lập tỉnh, quy tụ rất nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh với những tác phẩm đỉnh cao của 10 năm sáng tác, nhưng chừng như, số đông công chúng xứ Quảng vẫn chưa có cơ hội tiếp cận với những thành tựu văn học nghệ thuật này. Ông Nguyễn Hoàng Bích chia sẻ, lâu nay cách thức truyền tải tác phẩm nghệ thuật đến công chúng vẫn chỉ thông qua các kênh truyền thông, như tác phẩm văn học, hội họa, nhiếp ảnh đăng tải qua Tạp chí Đất Quảng hoặc các buổi giới thiệu chuyên đề do Hội VHNT chủ trì. Đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu – điện ảnh thì thông qua kênh truyền hình địa phương.

Khi đó, 5 giải A của 5 chuyên ngành âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh với những tác phẩm “Chốn xưa ta về” (Nguyễn Hoàng Bích); “Âm vang” (Nguyễn Văn Hàm, điêu khắc gỗ); “Á - Âu hội ngộ” (Đặng Kế Đông, nhiếp ảnh);  “Tuồng hát bộ Quảng Nam” (nhóm tác giả, cố giáo sư Hoàng Châu Ký chủ biên, biên khảo); “Mười Chấp và một thời...” (Hồ Duy Lệ, ký sự) từng trở nên hiện tượng của làng văn nghệ xứ Quảng. Bây giờ, câu chuyện quảng bá tác phẩm sau khi nhận giải lại được khơi lên với những người hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hoàng Bích cho rằng, chưa có cơ chế quảng bá các tác phẩm được giải thưởng vẫn là lý do chính dẫn đến các tác phẩm được giải trở nên im ắng.

Một cách quảng bá sản phẩm
Tuy công tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khá nhiều tác giả đã bứt phá để tìm cho “đứa con” của mình một đường đi riêng. Nhạc sĩ Ngọc Phước, đã rất khôn khéo khi quyết định quảng bá tác phẩm của mình bằng những buổi ra mắt album tại các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và liên tục chuyển tải những bản thu âm nhạc phẩm của mình lên trang cá nhân. Album cá nhân đầu tiên được thực hiện bài bản từ khâu tuyển chọn nhạc phẩm, hòa âm, phối khí, ca sĩ thể hiện đến cả “đường đi nước bước” để đưa được đĩa đến với công chúng, ngốn gần như trọn thời gian gần đây của Ngọc Phước. Hay như nhạc sĩ của “cả nhà thương nhau” Phan Văn Minh, các chương trình dàn dựng cho địa phương cũng là nơi để nhạc sĩ đưa tác phẩm của mình đến gần hơn công chúng.

Ngày biết tin công trình nghiên cứu “Không gian văn hóa nhà cổ Hội An” được giải A của loại hình Văn nghệ dân gian – Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần II, ông Trần Ánh, chủ biên của cuốn sách, chỉ còn 1 bản in. In năm 2009 với khoảng hơn 200 cuốn từ sự tài trợ của dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa – văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chủ trì, từ đó đến nay, tác giả chỉ còn giữ lại được 1 cuốn. Vậy sẽ quảng bá công trình này như thế nào sau khi nhận được giải thưởng, ông Trần Ánh lắc đầu và nói chờ hội, chờ chính quyền hỗ trợ. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy, mới đây đã bán tác phẩm “Đôi mắt”  của anh cho Bảo tàng TP.Đà Nẵng. Bởi sau khi hỏi ý kiến từ lãnh đạo Chi hội Mỹ thuật – Hội VHNT tỉnh về cách thức bảo trợ tác phẩm, anh nhận được câu trả lời vẫn chưa có cơ chế, động thái nào từ phía Sở VH-TT&DL cũng như ý tưởng trưng bày từ bảo tàng tỉnh, nên quyết định “bán” đi.

Tôn vinh những sáng tạo bằng các giải thưởng, nhưng để duy trì sự sáng tạo của các nghệ sĩ vẫn cần những khâu xúc tiến quảng bá tác phẩm của họ một cách bài bản từ những người quản lý, người trong cuộc. Âu đó cũng là cách để nâng tầm một giải thưởng VHNT đã được định danh như giải thưởng Đất Quảng…

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN