Một di tích lịch sử xuống cấp nghiêm trọng

ĐẶNG TRƯƠNG 02/03/2015 08:55

Nhà ông Ung Tòng, thuộc thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005. Ngôi nhà này trước đó, vào năm 1995 được xã Tam Xuân hỗ trợ trùng tu và gắn biển ghi nhận sự kiện lịch sử: “Cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam ra quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh tiến đến giành thắng lợi cách mạng tháng 8.1945 ở Quảng Nam”. Từ đó đến nay, do thời gian mưa nắng, nhiều hạng mục bị hư hại, mối mọt… khiến ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Học sinh Trường Tiểu học Đỗ Thế Chấp thăm Di tích lịch sử Nhà ông Ung Tòng.
Học sinh Trường Tiểu học Đỗ Thế Chấp thăm Di tích lịch sử Nhà ông Ung Tòng.

Mới đây, khi cùng thầy cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Đỗ Thế Chấp   đến thăm Di tích lịch sử nhà ông Ung Tòng, chúng tôi khá ngỡ ngàng trước thực trạng xuống cấp của di tích cấp tỉnh này. Tọa lạc trong một khu vườn rộng, xung quanh cây cối um tùm bao phủ cả lối đi, ông Trình Khôi - lâu nay được người thân gia đình ông Ung Tòng ủy thác trông coi ngôi nhà đã phải phát quang bụi rậm, gai góc, đưa chúng tôi vào thăm. Từ ngôi nhà này, phóng tầm mắt ra phía trước là cánh đồng nằm kề chân núi và những xóm mạc ken dày. Phía sau là khu vườn chạy hun hút về phía những quả đồi keo bao phủ.

Lần giở trang lịch sử cách mạng Quảng Nam, chúng tôi được biết rằng, gia đình ông Ung Tòng là cơ sở cách mạng từ rất sớm (trước Cách mạng Tháng Tám). Nơi đây từng nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối như Chu Huy Mân, Võ Chí Công... Đối với một cuộc cách mạng, thời cơ là nhân tố có ý nghĩa hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cách mạng có thể nhảy vọt. Kịp thời chớp lấy thời cơ là cả một nghệ thuật để đi tới thành công. Điều này có thể thấy rõ ở việc chỉ đạo, đề ra quyết sách kịp thời cho cách mạng trong mùa thu Tháng Tám - 1945 ở Quảng Nam. Đó là vào trưa 15.8, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ - lúc này đang phụ trách phong trào cách mạng tại Đà Nẵng, sau khi nhận được thông tin từ cơ sở cách mạng làm trong Sở Hiến binh Nhật ở Đà Nẵng cho biết phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh, liền tức tốc vào Khương Mỹ, đến nhà ông Ung Tòng, báo tin cho Tỉnh ủy biết. Và, chính tại ngôi nhà này, Tỉnh ủy đã họp ra quyết định quan trọng nhất trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là lệnh khởi nghĩa giành chính quyền với những lời nhấn mạnh: “Vận mạng lịch sử của cả dân tộc ta ngàn năm có một, toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy hy sinh vì tổ quốc, xông vào chiếm lĩnh tòa Công sứ, tỉnh đường, các phủ huyện đường, các đồn binh, công thự...”. Cuộc họp kết thúc ngay trong đêm 15.8. Các đại biểu nhanh chóng tỏa về các phủ huyện chuẩn bị mọi việc. Bộ phận thường trực của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh gồm các đồng chí Trần Văn Quế, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Toàn, Nguyễn Thúy, Lê Thanh Hải cũng chuyển trụ sở từ làng Dưỡng Mông huyện Quế Sơn ra đóng tại làng Bích Trâm huyện Điện Bàn để thuận tiện trong việc nắm tình hình địch và chỉ đạo khởi nghĩa ở tỉnh lỵ tại Hội An. Từ quyết định kịp thời và sáng suốt của Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 2 ngày đêm kể từ rạng sáng 18.8.1945, đã có 8 phủ, huyện và thị xã gồm Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và Tiên Phước nhân dân đã vùng lên đánh đổ chính quyền tay sai thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà ông Ung Tòng xuống cấp và hư hỏng nhiều. Ảnh: NGỌC KẾT
Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà ông Ung Tòng xuống cấp và hư hỏng nhiều. Ảnh: NGỌC KẾT

Sự kiện nêu trên cho thấy, Di tích lịch sử Nhà ông Ung Tòng có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc đối với thế hệ trẻ hôm nay, nhất là các em học sinh ở những ngôi trường đóng chân trên địa bàn xã Tam Xuân 2, Núi Thành. Nhiều năm nay, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đỗ Thế Chấp luôn xem đây là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho học sinh. Cô giáo Hoàng Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, cùng với nhiều địa chỉ cách mạng, nhân chứng còn sống trên quê hương Tam Xuân 2, thì Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà ông Ung Tòng là điểm đến không thể thiếu trong hoạt động ngoại khóa của các em học sinh trong trường. Tuy nhiên, do không có cổng ngõ, học sinh tới đây phải đi tắt vào nhà hàng xóm khá bất tiện. Chứng kiến cảnh hư hại, xuống cấp nghiêm trọng của di tích từ cửa ngõ, trần nhà, chái bếp, gian thờ, bia di tích… khiến thầy cô giáo cũng như các em học sinh không khỏi chạnh lòng.

Ông Trình Khôi cho hay, hàng chục năm nay, bản thân ông tình nguyện làm người chăm sóc khói hương cho ngôi nhà, ông không hề đòi hỏi thù lao gì nhưng mong làm sao di tích được quan tâm, sửa chữa. Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và các sở, ngành liên quan về tình trạng xuống cấp của di tích, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Chính quyền và nhân dân xã Tam Xuân 2 nói chung, họ hàng nhà ông Ung Tòng, ông Trình Khôi cùng các em học sinh trên địa bàn rất mong chờ ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa, xây dựng khuôn viên khang trang và sưu tầm các hiện vật liên quan để trưng bày… xứng tầm với di tích lịch sử cấp tỉnh.

ĐẶNG TRƯƠNG

ĐẶNG TRƯƠNG