Nhật Tỉnh, "cây" văn nghệ độc đáo

ĐẶNG MINH PHƯƠNG 20/02/2015 16:11

Nhiều cán bộ và người dân vùng tự do Liên khu 5 thời kháng chiến chống Pháp biết đến nhà thơ Nhật Tỉnh. Ông tên là Lê Khắc Thuật, sinh năm 1914 ở huyện Đại Lộc. Học sinh trung học ở Huế, sớm giác ngộ, tham gia cách mạng bị thực dân Pháp bắt làm tù.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông gia nhập quân đội, làm công tác chính trị ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn và cán bộ tuyên huấn khu 5. Tên tuổi ông được nhân dân biết nhiều nhờ tài làm thơ, ca dao mới và cả tính cách cùng năng lực ứng tác tài tình.

Ngay từ sau cách mạng, ông đã có thơ đăng trên tạp chí Tiên Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, với bài Luống cày. Qua đèo Hải Vân đúng vào ngày Quốc khánh đầu tiên năm 1946, ông dạt dào xúc cảm thể hiện trong Gió bốn bờ: Gió bốn bờ nghiêng vạn kiếp nghèo/ Lều tranh mái ngả lặng nghiêng theo/ Chơi vơi núi vứt, tình khuya khoắt/ Chân muộn màng qua ải trăng đèo!...

Nhà thơ Nhật Tỉnh, người thứ hai từ trái sáng (áo đen) tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 4.1957.
Nhà thơ Nhật Tỉnh, người thứ hai từ trái sáng (áo đen) tại Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 4.1957.

Tình yêu đất nước quê hương luôn là nguồn cảm hứng tràn đầy trong thơ văn của ông. Lên đường kháng chiến, ông gửi gắm lòng nhớ thương của mình qua Ca khúc đồng quê, có câu: Xa làng cách trở nhớ thương/Đứng trên xóm nhỏ nhớ đường cuối thôn…

Giọng thơ trữ tình, ngọt ngào là vậy, nhưng là cán bộ cách mạng nên có lúc thơ ông tràn đầy căm phẫn khi hay tin quân Ngô Đình Diệm giết người ở Hướng Điền, Vĩnh Trinh, Cây Cốc, Chí Thạnh, Ngân Sơn: “Vĩnh Trinh nước đập còn hôi thối/ Người chết không tay, mặt chẳng còn!”, hay “Quảng Nam hận nhớ ngày Cây Cốc/ Chí Thạnh còn thương hỡi Phú Yên”.

Nhật Tỉnh làm rất nhiều ca dao phục vụ kháng chiến, xây dựng hậu phương. Nhiều câu ca dao của ông được bạn đọc thuộc lòng. Nhiều người, đặc biệt là các cán bộ công tác văn hóa văn nghệ thời chống Pháp, đều thuộc câu ca dao nổi tiếng của ông viết về Phú Yên: “Lẻ loi như cụm Núi Sầm/ Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”.

Rất tiếc ca dao của Nhật Tỉnh chỉ phổ biến trong các cuộc hội họp, in li-tô, trên các báo ở địa phương mà hầu như không có mặt trong các bộ sưu tập “để đời” sau này.
Lúc làm Bí thư Thị ủy Tam Kỳ trong kháng chiến chống Pháp, Nhật Tỉnh rất thích ăn thịt chó. Mỗi lần thấy ông đang nhấm nháp thịt chó là bà xã rất bất bình, đấu tranh buộc ông phải bỏ thói quen mà bà rất ghét. Nể vợ, ông hứa hẹn nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Đôi lúc, bà nghe ông ngâm nga như chọc tức: “Sống trên đời không ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có hay không”. Bà tức, bắt ông phải ghi vào sổ là “từ nay tôi không ăn thịt chó nữa”. Nhưng rồi chứng nào tật ấy, bà giở sổ ra, nói là ông không làm đúng lời hứa. Ông nhìn vào sổ cười tủm tỉm: “Nào, bà xem, tôi đâu có viết từ nay không ăn thịt chó nữa đâu? Ông cố tình quên dấu sắc, chữ “chó” thành “cho”. Ông nói: “Tôi không ăn thịt “cho” nhưng “mua” ăn thì được chứ!”.

Ở Bồng Sơn, năm 1949, Chi hội Văn nghệ Liên khu 5 tổ chức “Đêm văn nghệ” có đông đảo người xem. Nhật Tỉnh được mời kể chuyện vui. Bước lên sân khấu, ông nhìn vào Phan Quang Định, một nghệ sĩ có vợ vừa sinh con, đang ngồi ở hàng ghế thứ hai, kể: “Có một anh chàng, vợ vừa mới sinh  con đầu lòng, cô em vợ đến thăm chị, ngủ lại đêm. Ông anh rể trằn trọc không ngủ được, lúc ngồi dậy, lúc nằm xuống. Cô vợ cảnh giác, cất lời ru con: “Con ơi, con ngủ đừng ho/ Để xem họ dậy họ bò đi đâu?”. Cô em cũng đang thao thức, sợ bà chị nghi ngờ mình, bèn ru tiếp: “Cháu ơi, cháu ngủ đừng ho/ Thân dì, dì giữ, ai bò mặc ai”. Anh chồng biết là không làm ăn gì được, bực mình nói to: “Đêm khuya gà gày ó o/ Nhà tao, tao lết, tao bò mặc tao!”.

Biết Nhật Tỉnh chơi xỏ Phan Quang Định, có người hỏi thẳng Phan Quang Định “Có đúng vậy không?”. Phan Quang Định đáp ngay: “Đúng, rất đúng!”. Mọi người tưởng anh chàng họ Phan ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội, không ngờ ông nói tiếp: “Rất tiếc, đó là chuyện xảy ra đã hơn 30 năm rồi. Thằng bé ngày ấy nay đã là chàng  trai “tam thập nhị lập” rồi. Cha mẹ nó đều giỏi làm ca dao, dì nó cũng biết làm ca dao, nhờ có cái “gien di  truyền” đó mà nay nó trở thành cây ca dao nổi tiếng ở miền Nam Trung Bộ ta”.

Mọi người cười ồ, nhìn vào Nhật Tỉnh. Vốn rất nhạy cảm, coi việc “ăn miếng trả miếng” trong những cuộc vui là rất bình thường, Nhật Tỉnh khen Phan Quang Định giỏi và nói: Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ bà mẹ thằng nhỏ rất bực mình vì “Đang khi lửa tắt cơm sôi/ Heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”! Cả hội trường vỗ tay không ngớt.

Nhật Tỉnh hay trào lộng, nhưng cũng là người rất nghiêm chỉnh, quyết liệt. Những năm 1980, khi được phân công làm Phó Trưởng ban Kinh tế Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, ông rất thẳng thắn phát biểu ý kiến của mình, không “ngó chừng” ai cả. Có lần, trong một cuộc bàn về định giá các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường, ông cho việc định giá kiểu đang làm là rất chủ quan, duy ý chí, không đúng với thực tế, không thể thực hiện được. Giữa lúc nhiều người đang còn bị tư duy kế hoạch hóa mọi việc nhỏ to về kinh tế, ông phát biểu rằng, muốn định giá đúng các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường thì ra chợ Hàn, chợ Cồn xem giá bán bao nhiêu rồi cứ thế mà làm theo. Tất nhiên, thời đó, loại ý kiến như vậy chưa thuận tai số đông. Có người trong Tỉnh ủy nói ông “tàng tàng”. Cho nên khi ông được khen thưởng Huân chương Độc lập, ông nói vui pha chút hài hước: “Sai rồi, sao lại phát Huân chương Độc lập cho một anh chàng “tàng tàng”(?).

Thấy hai chữ Nhật Tỉnh hơn là lạ, tôi hỏi ông tại sao lại dùng bút danh ấy. Ông cười: “Có gì đâu, đơn giản thôi! Mình đọc Tăng Sâm (Tăng Tử, học trò của Khổng Tử) thấy ông ta nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”… tức là “Hằng ngày ta phải xét mình về ba điều: Làm việc gì cho ai có hết lòng không? Kết giao với bạn bè, ta có giữ được tín không? Đạo lý thầy dạy có học tập không?”. Đặt bút danh Nhật Tỉnh, mình phải cố gắng xét mình hằng ngày, nếu không đủ ba điều thì một, hai điều cũng là tốt”.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

ĐẶNG MINH PHƯƠNG