Mái đình ở xứ Tiên
Đình làng Hội An là mái đình duy nhất còn được gìn giữ vẹn toàn trên vùng đất Tiên Châu (Tiên Phước).
Tọa lạc trên một thửa đất nhìn ra ĐT 614, đình làng Hội An nằm giữa bốn bề cây trái. Qua bao biến thiên lịch sử, ngôi đình này vẫn vẹn một màu cổ xưa uy nghiêm, như thể thời gian, bom đạn không thể đụng đến.
Theo nhiều tài liệu, đình làng Hội An là ngôi đình duy nhất còn lại của huyện Tiên Phước, gắn liền với quá trình hình thành huyện. Vào cuối thế kỷ XVIII, tiền hiền Nguyễn Phúc (làng Đại Đồng, Phú Thị, Tây Lộc, nay là Phú Ninh) đưa gia đình cùng một số dân đinh đến đây khai sinh lập làng đặt tên Hội An. Trong những người theo chân tiền hiền Nguyễn Phúc đến đây sinh sống, có ông Nguyễn Đình Tựu (sinh năm 1820) là một nhân vật lịch sử, đỗ phó bảng triều vua Tự Đức thứ 21 (1868), được bổ nhiệm chức Tu Soạn, lãnh chủ sự Hộ Bộ. Năm 1896, ông được tiến cử vào Dục Đức Đường, dạy hoàng tử Ưng Chân (sau là vua Dục Đức), sau giữ chức Thị giảng học sĩ, Đốc học Quảng Nam. Học trò của ông có nhiều nhân vật nổi tiếng như tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, phó bảng Nguyễn Duy Hiệu - Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam kháng Pháp.
Đình làng Hội An còn giữ lại được đình chính và nhà kho.Ảnh: DIỄM LỆ |
Ông Nguyễn Đình Tựu là người có công đầu trong việc xây dựng đình làng Hội An nhằm thờ vị tiền hiền Nguyễn Phúc. Chủ ý của ông Tựu đã được Chánh tổng Tiên Quý Nguyễn Đình Dương (huyện Hà Đông thuộc phủ Tam Kỳ) đồng thuận và phát động nhân dân hưởng ứng nhiệt tâm. Theo các bô lão làng Hội An, đình được dựng nên từ sự đóng góp của nhân dân, tùy theo gia cảnh của mỗi nhà mà góp theo 3 thứ hạng. Người dân đóng góp xây dựng đình làng bằng nhiều hình thức như tiền của, cây gỗ, công cán. Từ khi triển khai đến khi hoàn thành, ngôi đình được xây dựng trong vòng 2 năm với sự vào cuộc của đông đảo nhân dân. Những người thợ tài hoa của làng Hội An được huy động tham gia phần thiết kế, xây dựng. Riêng phần gỗ do phường mộc Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh) đảm nhận. Theo nghiên cứu của những người làm công tác bảo tồn của huyện Tiên Phước, ngoài ngôi đình chính, còn có nhà kho, nhà hội họp, nhà thủ hộ, và sau còn xây dựng thêm nhà thờ Bà Tư - một người có công với làng trong việc đóng góp cúng tế.
Bây giờ, đình làng Hội An còn lại phần đình chính và nhà kho, vẫn còn vẹn nguyên kiến trúc xưa sau hơn 150 năm tồn tại. Toàn bộ đình làng được làm bằng gỗ mít với kết cấu gỗ khá bền vững nhờ kỹ thuật “ăn mộng”. Phần mái của đình chính cũng như nhà kho trước kia được lợp bằng tranh; vào năm 1954, người dân tu sửa và thay mái tranh bằng ngói âm dương; đến năm 1983 nhà kho được thay phần mái bằng mái ngói mũi tên.
Kiến trúc cổ trên những trính mít còn vẹn nguyên. |
Đình làng Hội An là nơi hội họp chính không chỉ của người làng mà còn là nơi lưu dấu bản sắc văn hóa đặc trưng của Tiên Phước. Đây là nơi người dân thể hiện lòng tri ân với các bậc Thành hoàng làng. Theo ông Nguyễn Đình Đồng (sinh năm 1943, người tộc Nguyễn làng Hội An), vào tháng 6 âm lịch hàng năm, người dân làng Hội An tổ chức lễ rước sắc và tổ chức cúng tế linh đình vào dịp lễ kỳ yên. Lễ này nhằm tri ân, tôn kính các bậc tiền hiền, đồng thời cũng là nơi để dân làng bày tỏ nguyện ước cầu xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cộng đồng dân cư sinh sống bình an. Trong hội làng, người dân làng được giao lưu, trai đi tìm vợ, gái đến kén chồng, phụ nữ được dịp khoe tài làm bánh nấu xôi qua phần lễ dâng cúng làng. Đến nay, lễ hội còn được dân làng Hội An tổ chức, dù có lược bớt những nghi lễ không còn phù hợp, nhưng vẫn giữ được phần hồn, thể hiện bản sắc văn hóa xứ Tiên.
LÊ DIỄM