Trong cõi…

SONG ANH 01/02/2015 09:29

Tròn 10 năm ngày GS. Trần Quốc Vượng rời cõi nhân thế. Một sử gia với những suy tư độc đáo, người góp không ít công sức trong sự phát triển các ngành khảo cổ học, văn hóa học ở Việt Nam. Với người Hội An, GS. Trần Quốc Vượng như người nhà…

“Trong Cõi” là một cuốn sách tập hợp các bài nói chuyện, phát biểu của GS. Trần Quốc Vượng trong thời gian ông ở Mỹ. Năm 1991, cuốn sách được xuất bản tại hải ngoại. Hơn 20 năm sau, đúng 10 năm ngày mất của ông, NXB Hội Nhà văn phối hợp cùng Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam tuyển chọn và xuất bản lại. Bằng tư duy khoa học và trải nghiệm trong quá trình điền dã, GS. Trần Quốc Vượng mở ra cho người đọc nhiều tầng vỉa văn hóa, từ thời thượng cổ với “Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng”; Mấy ý kiến về trống đồng và tâm thức Việt cổ”, đến những lớp lang của dân gian (Dân gian và bác học; Hội hè dân gian), chạm tới cả những trầm tích văn hóa hay những câu chuyện truyền thuyết đã lùi vào dĩ vãng. Đọc nghiên cứu, khảo luận của ông, như thể đang nghe một diễn giả trò chuyện. Văn phong uyên bác. Nhà xuất bản dẫn lời, rằng những suy tư của Trần Quốc Vượng trong tập sách gây không ít tranh cãi cả trong lẫn ngoài nước. Người yêu và khen cũng nhiều nhưng người phản bác cũng không ít. Nhưng dù thế nào, “những ý kiến “không giống ai” của ông cũng làm thay đổi những lối mòn suy tư, gợi hứng thú cho người đọc để tìm hiểu, học hỏi”.

Cuốn sách “Trong cõi” của GS. Trần Quốc Vượng.
Cuốn sách “Trong cõi” của GS. Trần Quốc Vượng.

Với đô thị cổ Hội An, GS. Trần Quốc Vượng có những khảo tả đặc sắc về “vị thế địa – lịch sử và bản sắc địa – văn hóa của Hội An”. Theo GS. Vượng, Hội An, trong cái nhìn môi trường sinh thái – nhân văn, đầu tiên là một “thành phố sông, một đô thị sông nước”. Và theo ông, hệ đường nước là phần cốt lõi của một đô thị cổ ở Việt Nam, bao giờ cũng nằm gọn trong một tứ giác nước, và những cửa ô thành phố đều là những ngã ba sông. Và bản sắc địa văn hóa của Hội An là một hệ tầng xếp theo trật tự thời gian – không gian… Cũng trong bài nói chuyện về “đô thị cổ Việt Nam”, giáo sư đã hệ thống theo các đô thị ở nước Việt theo chiều kích thời gian với những tác động về mặt xã hội, hình thái sản xuất chi phối việc phát triển đô thị như thế nào. Cũng từ đây, “Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông - Tây”, với phép biện chứng giữa liên tục và đứt gãy, tạo thành nền tảng cá tính Việt Nam.  Hay trong bài nói chuyện về “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam nhân bản - dân tộc - dân chủ - khoa học”, GS. Vượng cho rằng, bản chất của văn hóa, cũng như cuộc sống, luôn luôn sinh động và đa dạng. “Cần học ứng xử dân gian cổ truyền “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”… với tác phẩm văn chương nghệ thuật, với văn nghệ sĩ, trí thức…”, bởi theo ông, “người ta có thể “đào tạo” một nhà khoa học, nhưng khó lòng chỉ do “đào tạo” mà có một nhà thơ lớn, một nhạc sĩ tài danh”…

Với những kiến giải đa dạng, uyên bác, “Trong cõi” của GS. Trần Quốc Vượng là một tác phẩm đầy dư âm, tâm huyết của một nhà văn hóa hào hoa, chân thực.

SONG ANH

SONG ANH