Người cũ ở Mỹ Sơn
1.Tôi hẹn gặp ông Nguyễn Công Hường – nguyên Trưởng ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn tại quán cà phê Apsara (Nam Phước) trước một ngày UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm Mỹ Sơn và phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ông đến gặp tôi như anh em đồng nghiệp cũ, vì có thời gian tôi làm việc tại Mỹ Sơn và quen biết ông. “Ngày mai anh có vô Tam Kỳ dự gặp mặt không?”, tôi mở đầu câu chuyện. “Chắc không được vì nhà có đám giỗ”, ông ngập ngừng. Rồi ông nói tiếp: “Anh em trong đó biết mình về hưu cũng điện hẹn mai vô gặp chia tay nhưng chắc hơi khó, chạy xe máy thì đường sá nguy hiểm quá, còn xe buýt thì bất tiện”. “Sao anh không liên hệ với huyện Duy Xuyên hay Ban quản lý Mỹ Sơn để cùng đi luôn?”, ông im lặng, khuôn mặt trầm buồn xen lẫn cảm giác bối rối như sợ người đối diện phát hiện ra điều gì.
Ông Nguyễn Công Hường (thứ tư từ bên phải tính sang) chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, chuyên gia UNESCO trước tháp G1. Ảnh: V.LỘC |
Ông Hường kể, ông đến với Mỹ Sơn như cái duyên định trước. Vào khoảng tháng 9.1994, ông đang là chủ tịch lâm thời UBND thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) thì được điều động lên Mỹ Sơn. Một năm sau đó, mình ông với hàng núi công việc vừa xây dựng phương án quản lý Mỹ Sơn vừa chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn của xe ôm tranh giành khách; mãi cho đến ngày 4.12.1995 khi Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn được thành lập. Thời gian đầu, toàn ban chỉ có 4 người, ngoài ông còn có Nguyễn Công Khiết, Huỳnh Tấn Lập (cả hai hiện là Phó ban quản lý Mỹ Sơn), Nguyễn Lê Xuân Tiến và tổ bảo vệ gồm 6 nhân viên từ Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng chuyển qua. Sau khi chấm dứt tình trạng lộn xộn, ổn định trật tự an ninh, năm 1997 tỉnh Quảng Nam mới bắt đầu nhờ Cục Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản) lập hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới. Việc lập hồ sơ suôn sẻ đến giờ phút cuối (khoảng tháng 7.1999) thì gặp một sự cố nhỏ: Tùy viên văn hóa của Đại sứ Hungary đề nghị Quảng Nam cần làm rõ thêm chi tiết về mối liên hệ giữa đỉnh Ngọc Linh với dòng sông Thu Bồn và Cửa Đại trong đó Mỹ Sơn là yếu tố kết nối. Làm rõ chi tiết này thì mới có thể hoàn thiện hồ sơ xét công nhận. Ông Hường cùng nhân viên lại tất tả lên Trà Linh (Nam Trà My) tìm kiếm bổ sung tư liệu. May mắn, lúc này tại đây cũng đang triển khai dự án sâm Ngọc Linh (K5) nên đoàn đã có đầy đủ tư liệu cần thiết như bản đồ, địa hình, thổ nhưỡng… bổ sung kịp thời để UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12.1999. “Tôi vẫn nghĩ hình như mình có duyên với Mỹ Sơn thì phải. Những năm 1993-1994, Phòng VHTT huyện cũng đã cử người lên Mỹ Sơn nhưng hầu hết không ai trụ lại. Ngày đầu mới lên tôi cũng nghĩ chắc là tạm thời thôi chứ mình biết chi về bảo tồn, du lịch; còn chuyện ăn ở thì tạm bợ thiếu thốn, mình phải lấy tiền lương để phụ giúp anh em. Vậy mà đã 20 năm rồi” - ông Hường nhớ lại.
2. Mỹ Sơn hôm nay đã trở thành “thương hiệu” tự hào không chỉ của Quảng Nam mà còn cả nước và thế giới. Có được kết quả này, ông Nguyễn Công Hường cùng những cộng sự của mình đã suy nghĩ, nỗ lực rất nhiều, từ việc lặn lội vào Ninh Thuận làm việc với Trung tâm Nghiên cứu dân gian Chăm để mời các nghệ nhân ra giúp Mỹ Sơn thành lập Đội văn nghệ dân gian Chăm (năm 2001) nhằm tạo một sản phẩm du lịch khác biệt; thành lập đội xe điện vận chuyển khách từ cầu Khe Thẻ vào di tích, hạn chế ô nhiễm, tiếng ồn (2008); chỉ đạo xây dựng hàng chục bộ phim, sách tư liệu về Mỹ Sơn như “Mỹ Sơn cánh cửa mở vào quá khứ”; “Bên bờ nam sông Thu”; “Đồng vọng Mỹ Sơn”… Nổi bật, có thể kể đến việc kéo điện cáp ngầm vào gần di tích; hình thành con đường lót đá từ cầu Khe Thẻ vào chân tháp. Đây là dự án khá vất vả với ông Hường và Ban quản lý Mỹ Sơn khi thời gian kéo dài gần 2 năm (1999- 2001) ra vô thỏa thuận với Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) cùng những yêu cầu khắt khe về thi công như chỉ dùng thủ công, không dùng mìn, máy phá đá sợ ảnh hưởng di tích. “Điều tôi tự hào nhất là đã cùng anh em phục hồi môi trường sinh thái rừng xung quanh di tích. Lúc đó, cứ mỗi chiều mùa mưa anh em lại đi trồng rừng phủ xanh đồi trọc, thời gian kéo dài 4 - 5 năm như vậy. Bây giờ cây cối đã xanh tươi, nhiều loài động vật như khỉ, mang, heo rừng, gà rừng… đã quay về sinh sống” - ông Hường hào hứng kể.
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Trong ánh mắt ông thoáng lấp lánh một niềm vui mơ hồ về cái thời chưa xa đó, với ông những kỷ niệm cứ như mới hôm qua. Còn tôi lại nhớ ông trong những đêm trăng thức thâu đêm ngồi nghêu ngao đàn hát cùng anh em bảo vệ, nhân viên giữa khung cảnh rừng núi Mỹ Sơn hiu quạnh, để rồi ngả nghiêng theo đền đài rêu phủ. “Hai mươi năm ở Mỹ Sơn lúc đi công tác hay vì lý do nào đó mà một tuần không lên Mỹ Sơn thì cảm thấy nôn nao, nhớ lắm. Nhớ từ con đường đá đi qua nhóm tháp E, K trong những buổi chiều tà đến ánh trăng khuya xiên qua tháp. Bây giờ về hưu rồi có muốn cũng khó lên thăm được, ngại anh em không hiểu lại bàn tán ra vào…” - ông Hường tâm sự. Tôi bỗng nhớ cái hôm huyện Duy Xuyên tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày Mỹ Sơn được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, giữa những khuôn mặt lạ lẫm với Mỹ Sơn, giữa những bài phát biểu ngợi ca, những cái bắt tay chúc tụng của lãnh đạo huyện, ông quanh quẩn phía ngoài trò chuyện với những nhân viên bảo vệ, lễ tân. Ông bỗng trở thành xa lạ, xa lạ ngay chính nơi cách đó chưa lâu ông vẫn xem như ngôi nhà của mình. Đến lúc khen tặng, vinh danh những người có đóng góp cho Mỹ Sơn, tên ông vắng trên bục. Tôi tìm ông chỉ để thắc mắc một điều: “Sao anh không có tên khen tặng?”. Ông cười buồn: “Mình cần chi khen tặng, chỉ muốn được lên phát biểu vài lời cảm ơn anh em đã cùng mình gắn bó, đồng hành với Mỹ Sơn từ ngày đầu gian khó, vì đâu còn dịp nào nữa nhưng họ nói chương trình không còn thời gian…”. Ông đã ở lại Mỹ Sơn đêm cuối cùng với giấc ngủ chập chờn như đêm đầu tiên ông đã ngủ bên suối Khe Thẻ 20 năm về trước.
Hỏi ông còn điều gì chưa làm được khi về hưu? Ông Hường cho rằng mình bây giờ đã là người của quá khứ rồi, nói ra cũng không giải quyết được gì. Tuy nhiên trong suốt thời gian còn công tác, ông trăn trở nhất chính là hạ tầng, đường sá vào di tích vì kết nối hạ tầng mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trùng tu, phát triển du lịch. Tiếp đến là nguồn nhân lực về quản lý và bảo tồn tại chỗ. “Trực thuộc cấp nào quản lý, phân công ai để tổ chức lo, chỉ tội anh em bao nhiêu năm lăn lộn cống hiến nếu làm không khéo sẽ thui chột ý chí phấn đấu” - ông bộc bạch.
Trời mùa đông mới 17 giờ nhưng đã mau tối. Điện thoại reo ông mở máy. “Lại mấy ông bạn rủ đi nhậu”, ông cười gượng thông báo. Nhưng sâu trong mắt ông thoáng nỗi buồn lặng lẽ, không nói ra nhưng tôi biết ông đang chờ đợi điều gì. Một cuộc điện thoại từ Mỹ Sơn với ông giờ đây ý nghĩa dường nào, nó không chỉ mang đến lý do chính đáng để ngày mai ông đi Tam Kỳ dự hội nghị hoặc chí ít cũng giúp ông tin rằng mình vẫn còn được nhớ đến. Tôi hy vọng cùng ông, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Tôi biết, so với lịch sử nghìn năm Mỹ Sơn thì hai mươi năm của ông Hường chỉ là chớp mắt. Và trong chớp mắt đó, hình như có người đã quên ông.
VĨNH LỘC