Nghệ sĩ Đức Lưu và mối tình với đất Quảng
Có một người con gái xinh đẹp đất Hà Thành, một diễn viên thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam nổi tiếng với vai diễn “Thị Nở” trong tác phẩm điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa… đã bén duyên và trở thành người con dâu đất Quảng hơn 50 năm qua.
Đó là Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu (Nguyễn Thị Đức Lưu), vợ tiến sĩ hóa học Trần Đình Luận - người con của tộc Trần Văn, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên. Mối tình giữa người con gái xinh đẹp Đức Lưu và chàng trai Trần Đình Luận ngày ấy là mối tình đẹp trong mắt nhiều người cùng thời, mối tình giữa một nhà khoa học và một nghệ sĩ văn công thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Thương nhau ngày thu
Mãi cho đến bây giờ, NSƯT Đức Lưu vẫn chưa thể quên ấn tượng về một chàng trai Quảng Nam hiền lành, thông minh và không kém phần tài hoa trong lần gặp gỡ đầu tiên ở một lớp học thêm tiếng Anh sau khi ông Luận vừa tốt nghiệp tiến sĩ hóa học từ Cộng hòa Dân chủ Đức về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đó là một buổi tối mùa thu Hà Nội, từ lớp học tiếng Anh bách bộ về khu tập thể quân đội, nghệ sĩ Đức Lưu tình cờ đi chung đường cùng TS. Luận. Họ trao đổi với nhau vài câu chuyện xã giao, về môn học tuy mới mẻ nhưng lại đầy hấp dẫn rồi lặng lẽ đi bên nhau dưới những hàng cột điện đường tỏa ra thứ ánh sáng vàng vọt. Dáng đi nhẹ nhàng, cử chỉ lịch lãm và cách bắt chuyện hơi kiệm lời nhưng lại thu hút sự chú ý của người nghe bởi sự chân thành… là những ấn tượng ban đầu mà chàng trai xứ Quảng để lại trong lòng cô gái xinh đẹp đất Hà Thành. Rồi từ đó, hằng đêm, trên con đường ấy, người ta vẫn thường thấy một đôi trai gái cứ lặng lẽ đi bên nhau rồi chia tay trước cánh cổng khu tập thể quân đội. Chưa đầy một năm sau đó, vào mùa hè 1962, họ cưới nhau bằng một nghi thức đơn giản nhưng tràn ngập hạnh phúc như nhiều cặp đôi thời bấy giờ.
Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu. |
TS. Trần Đình Luận xuất thân trong một gia đình nông dân ở Chợ Chùa - thị trấn Nam Phước. Ông tham gia cách mạng năm mười bảy tuổi, làm thư ký cho ông Trương Kỉnh - một cán bộ cách mạng thời bấy giờ. Năm 1953, ông Luận được cử ra miền Bắc học tập rồi được chọn đi du học tại CHDC Đức 7 năm và trở thành tiến sĩ hóa học về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính từ môi trường công tác mới này, TS. Luận đã có duyên gặp gỡ và nên vợ nên chồng với nghệ sĩ Đức Lưu - nữ diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Điều lạ là, tuy là một diễn viên khá xinh đẹp và được đào tạo bài bản bởi các nhà điện ảnh Xô Viết (cũ), nhưng cuộc đời làm nghệ thuật của bà Lưu chỉ dừng lại ở hai vai diễn. Vai Mận trong phim “Cô gái công trường”- bộ phim thứ 3 của lịch sử điện ảnh Việt Nam và vai Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu không cắt nghĩa gì nhiều về chuyện rẽ ngang của nghề nghiệp mà trong câu chuyện với tôi, bà chỉ phấn chấn về vai diễn Thị Nở “đóng đinh” của đời mình. Với nghệ sĩ Đức Lưu, giờ đây, mỗi lần có dịp gợi lại câu chuyện vào vai Thị Nở trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”… kỷ niệm và cảm xúc lại ùa về trong bà. Vai diễn đẹp đã khó chọn người, vai diễn xấu xí còn khó hơn. Vì Thị Nở không những xấu mà còn xấu thậm tệ, nhưng lại xấu đáng yêu, xấu hóm hỉnh. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đi tìm ngót một năm mà không được ai, từ NSND Trà Giang, NSƯT Thụy Vân, diễn viên Thu Hiền... đều đã thử vai nhưng không đạt. Đến lượt, NSƯT Đức Lưu là người thứ 7, đạo diễn Phạm Văn Khoa, người mà NSƯT Đức Lưu gọi một cách thân tình là “anh Khoa” không yêu cầu bà thử mà đến gặp bà với một đề nghị: “Anh mời em đóng một vai nhưng chỉ sợ không có lòng dũng cảm để nhận”. NSƯT Đức Lưu đáp lại: “Em chỉ sợ em không có tài năng”. Bà nhận vai Thị Nở như thế. Và, để có một Thị Nở với khuôn mặt xấu xí, bà đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến bệnh viện Việt Đức để “thửa” riêng một bộ răng đen hạt nhót. Còn khi diễn thì mũi phải đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu mũi, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Nói chung là sau khi hóa trang bước ra, cả đoàn làm phim đều ồ lên: “Thị Nở đây rồi!”. Năm 2012, Thị Nở Đức Lưu mới được phong NSƯT. Ở độ tuổi 74, bà gần như là người cuối cùng được phong danh hiệu so với các nghệ sĩ cùng thời. Nói về chuyện này, bà cười: “Thật ra người ta cứ tưởng NSND từ lâu rồi. Khi người nghệ sĩ không được ghi nhận thì cũng cảm thấy đau khổ, thiệt thòi, nhưng vinh hoa mỗi người một khác, ghi nhận đáng giá nhất đến từ phía người dân”.
Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu trong một lần về quê Duy Xuyên. |
Cưới nhau năm 1962, đến năm 1965 họ sinh được hai người con trai: Trần Duy Phương (Tổng biên tập Báo Lao Động) và Trần Nhật Minh. Ông Luận sau đó chuyển từ Trường Đại học Tổng hợp sang ngành dầu khí, gắn cuộc đời mình với những chuyến đi tìm dầu khí khắp mọi miền Tổ quốc rồi về Viện Hóa học Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.
Ân tình với đất Quảng
Năm mươi năm chung sống với nhau, một người đàn ông xứ Quảng và một phụ nữ Hà Thành đã tạo nên một gia đình khá lý tưởng. Họ hiểu nhau, thông cảm và sẻ chia cho nhau những ngọt bùi trong cuộc sống và công việc. Nhất là những năm sau này, bà Lưu còn để lại trong lòng các con, bạn bè, người thân của chồng những ấn tượng đẹp vô cùng về nghĩa tình chồng vợ. Bởi, như một cơn sét giáng xuống gia đình người nghệ sĩ, chồng bà bị đột quỵ, mất ngay tiếng nói và liệt bán thân. Gần 5 năm chăm sóc, bà trở thành y tá, bác sĩ của riêng ông. Cùng với các con, bà hết lòng cứu chữa, hy vọng ông sẽ bình phục. Nhưng như ngọn đèn đã hết dầu, cuối cùng ông đã ra đi… Có một điều rất lạ, rằng trước khi bị đột quỵ và mất tiếng nói, ông Trần Văn Luận như linh tính mình sắp gặp chuyện nên đã dành trọn mấy ngày liền để nói chuyện cùng vợ. Ông nói rất nhiều điều về cuộc đời ông từ thuở thiếu thời cho đến lúc làm khoa học, về gia đình, xã hội. Đặc biệt, ông trăn trở nhiều về quê hương xứ Quảng của mình. Rằng, ra đi từ mảnh làng quê miền Trung nắng cháy, làm được bao nhiêu việc đóng góp cho xã hội, nhưng chưa làm được điều gì cho quê hương. Chính vì thế, ông tha thiết căn dặn bà Lưu sau này khi ông mất, nếu có điều kiện hãy về Duy Xuyên, thay ông làm một việc gì đó có nghĩa cho mảnh đất ông được sinh thành.
Theo di nguyện của chồng, mặc dù tuổi đã cao, những năm gần đây, Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu đã dành rất nhiều thời gian còn lại của đời mình để đi - về giữa Hà Nội và Duy Xuyên, thay chồng thực hiện điều có ích cho quê ông. Trước mắt là một dự án phim tài liệu phối hợp với nhà văn Nguyễn Khắc Phục về mảnh đất và con người quê lụa Duy Xuyên từ quá khứ vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường cho đến thời kỳ dựng xây quê hương Duy Xuyên vượt gian khó đi lên hôm nay với các tên gọi: “Lịch sử và huyền thoại”, “Hiến dâng và khát vọng”. Không chỉ có thế, bằng hiểu biết và bằng mối quan hệ của mình, nhiều năm qua, Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu đã không ngừng kêu gọi hỗ trợ và tự mình xách túi lên đường làm từ thiện với tâm niệm “Thấy sức mình khỏe đi được là đi. Có người gọi đi làm việc phúc đức là đi. Tôi giúp đỡ những người nghèo khó bằng hiểu biết hoặc bằng vật chất, góp phần nhỏ bé của mình cho công bằng xã hội, nhất là những người nghèo…”.
Và, giờ đây, giữa những ngày đất trời mùa xuân đầy nắng và gió nơi xứ Quảng miền Trung, người ta vẫn bắt gặp ở đâu đó trên những nẻo đường quê, những lễ hội sông nước hay ở những chiến tích một thời cách mạng kiên trung bất khuất của đất Duy Xuyên - hình ảnh Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu, một người phụ nữ đã ngấp nghé tuổi tám mươi với những bước chân đều đặn cùng nhiều dự định đã và đang làm cho quê hương chồng...
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC