Quan niệm văn chương nghệ thuật của Nguyễn Hiến Lê
(QNO) - Mỗi sự nghiệp văn chương đều xuất phát từ một quan niệm nghệ thuật nhất quán, chi phối cả cuộc đời sáng tạo. Đối với Nguyễn Hiến Lê, nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, dịch thuật về nhiều lĩnh vực như triết học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân… và là chủ nhân của một khối lượng đồ sộ gồm 120 cuốn sách, không dưới 40.000 trang và hàng nghìn bài báo chuyên ngành in trên các báo, thì quan niệm nghệ thuật của ông là nghững bài học càng có sức vẫy gọi sự nghiên cứu khám phá của nhiều thế hệ sau.
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê |
Nguyễn Hiến Lê, hiệu là Lộc Đình, sinh ngày 8 tháng 1 năm 1912 tại Hà Nội, (quê gốc làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội), trong một gia đình Nho học, bác ruột từng tham gia phong trào Duy tân, hoạt động ở trường Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân truy nã, lánh vào Sài Gòn rồi ẩn cư và lập nghiệp luôn ở miền Tây Nam bộ. Đó là lý do để sau khi học xong tiểu học Yên Phụ, trung học Bảo hộ, rồi tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh Hà Nội (1934), Nguyễn Hiến Lê lần theo nắng ấm phương Nam, trở thành một viên chức thuộc Sở Thủy lợi Nam bộ và gắn bó suốt đời với đất rừng phương Nam.
Khi vào làm việc ở đồng bằng Nam bộ, ông lại tiếp tục chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, lại được tiếp nhận thêm bao điều mới mẽ. Là người có tinh thần nhạy cảm, khát khao khám phá cái mới, yêu cầu của công việc lại phải đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, ông đọc được những điều sâu kín trong thế giới tâm hồn họ, tuôn trào thành cảm xúc, ông viết thành nhật ký, đó là những trang viết đầu tiên khai mở cho những tác phẩm du ký sau này. Mục đích của ông viết là để vơi đi nỗi buồn, viết xong không cần đọc lại và cũng chẳng cần giữ lại làm gì. Ngoài thời gian đi về nông thôn, những lúc làm việc tại Sài Gòn, mỗi ngày xong việc rãnh cả buổi tối, mỗi tuần rãnh cả một ngày, cá tính ông lại không thích ồn ào, không hợp với những nơi náo nhiệt, không thích âm nhạc, ca hát, đánh cờ… chỉ thích lặng lẽ một mình với sách vở, nên ông chuyên tâm vào việc tự học, nhất là học Hán văn và Pháp văn, đồng thời đọc nhiều sách để tiếp thu kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Đó là con đường hình thành một nhân cách và bản lĩnh văn hóa, một cá tính sáng tạo, với một quan niệm nghệ thuật sáng rõ, một tấm gương lao động sáng tạo cần mẫn, tạo nên một thành tựu đồ sộ đa lĩnh vực và góp phần to lớn trong tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta xuyên suốt thế kỷ XX.
Trong công trình có tính chất hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn hóa thông tin, 2006) dày gần bốn trăm trang, Nguyễn Hiến Lê đã thể hiện về quan niệm nghệ thuật và thiên chức của người cầm bút. Ông cho rằng, mỗi người viết có một bút pháp riêng, không ai giống ai, không chỉ do thiên phú mà còn nhờ sự rèn luyện của bản thân, trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể: “Chính cá tính quyết định bút pháp. Mà cá tính thì do bẩm sinh, và tùy thể chất một phần lớn, một phần nữa chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự tu luyện. Cho nên, tôi có thể nói rằng, bút pháp của ta đã định trước từ khi ta chưa tập viết, chưa biết viết: nó là vóc người, là dáng đi, là nhịp điệu của hơi thở, là sự tuần hoàn trong huyết quản, là sự tác động của các hạch nội tiết. Tất nhiên, càng sống thì tư tưởng có thể càng tiến, kỹ thuật có thể càng già, nhân sinh quan có thể thay đổi, nhưng giọng văn, lối viết thì không thay đổi mấy, vẫn nhận ra được” [tr.156]. Về phương diện khoa học, không có cá tính nào xấu hay tốt, cũng như về phương diện nghệ thuật, không có bút pháp nào mặc nhiên là hay hoặc dở, vấn đề là phải phù hợp với từng đối tượng. Ủy mỵ có vẻ đẹp của nó, hùng hồn có sức lôi cuốn của nó. Đẽo gọt, trau chuốt là một nghệ thuật mà tự nhiên cũng là một nghệ thuật. Cho nên, “ta nên can đảm nhận cá tính của ta, dùng bút pháp nó đã lựa, định cho ta, đừng ngại sẽ không bằng nhà này nhà khác, cần nhất phải dám là ta, phải thành thật với ta đã. Có thành thật mới cảm được người. Có thành thật mới đáng cầm cây viết” [tr.157]. Theo ông, thành thật có hai nghĩa, thứ nhất, không cảm xúc thì đừng viết; thứ hai, khi viết phải quên hết các danh sĩ cổ kim, quên hết mọi kỹ thuật làm văn mà chỉ theo cá tính của riêng mình. Không đến mức coi khinh tất cả từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim như trường hợp các tác giả hiện sinh “nổi loạn” cùng thời như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, nhưng Nguyễn Hiến Lê đề cao cá tính sáng tạo, coi nó là cốt tính của mỗi người khi thể hiện mình ra trang giấy.
Có nhiều người khi mới tập viết, hoặc khi đã nổ lực để đạt được những danh hiệu không phải bằng thực lực, thường hay khoa trương, ngôn từ rổn rảng, cố phô diễn cho mọi người thấy khả năng của mình, thậm chí, còn tầm chương trích cú, dẫn nhiều ý kiến của các danh nhân, các trường phái kim cổ đông tây để chứng tỏ sự hiểu biết của mình, dẫn cả những điều mà chính họ cũng không hiểu, thì Nguyễn Hiến Lê lại chủ trương tìm đến với một thứ văn chương bình dị: “Sự bình dị là điều khó đạt nhất trong văn chương. Muốn đạt được bình dị thì phải tiêu hóa nối tư tưởng và óc cũng phải già giặn: khi chúng ta về già, tư tưởng chúng ta sáng sủa hơn, ta bỏ qua một bên những phương tiện không quan trọng mà có lẽ sai lầm của vấn đề, không băn khoăn về nó nữa, ý tưởng chúng ta hình thành một cách rõ ràng hơn và những chuỗi tư tưởng dần dần tự hiện lên thành những lời văn gọn gàng, giản dị. Ta không thấy phải cố gắng sức nữa mà sự thực hóa ra sáng sủa và do đó hóa ra bình dị. Theo tôi, văn bình dị khó nhất ở điểm phải có ý cao, tình đẹp, nếu không thì hóa ra nhạt nhẽo, vô vị” [tr.159]. Lấy bài học từ tiền nhân, ông luôn ý thức rằng: “Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác” [tr.330]. Đồng thời, người làm văn chương khi hành chức của mình, không nhất thiết lên gân, lên giọng cho thật hùng hồn, hoặc phải quan tâm đến những vấn đề lớn lao liên quan đến số phận của cả nhân loại / thời đại, những việc cao cả, bức thiết, mà đôi khi, chỉ cần “Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi sầu của con người, khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh là nghệ sĩ rồi” [tr.330].
Không chỉ dừng lại ở quá trình nhận thức luận về văn học và thiên chức của người làm văn chương, mà Nguyễn Hiến Lê còn đề ra thao tác luận cho công việc nghiên cứu văn học, như “sau khi đọc và ghi chú tất cả các tài liệu kiếm được về một vấn đề, ta nên nên bỏ một khoảng thời gian để lập bố cục sơ qua cho tác phẩm” [tr.151], nhưng phải luôn ý thức rằng “điều quan trọng là phải có một hướng đi rõ rệt, một mục đích để nhắm và tập trung tất cả năng lực, thì giờ vào công trình của mình” [tr.137]. Là con người đa tài, ông không chỉ viết văn, mà còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực văn hóa – lịch sử và cả dịch thuật, và ở bất kỳ lĩnh vực nào, ông đều có quan niệm riêng của mình. Đối với lịch sử, ông cho rằng: “Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn khách quan được, chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra, không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải binh vực, trái lại thì phải chê. Có như vậy mới thành thực với người đọc và và với chính mình” [tr.232]; đối với dịch thuật, theo ông cần trung thành tối đa với nguyên bản về cả nội dung lẫn cách hành văn: “Dịch, phải dịch sát, xuôi và sáng sủa. Dịch sách văn học chẳng những phải sát ý mà còn phải giữ cả thể văn, có khi cả phép hành văn của tác giả nữa. Dịch tiểu thuyết phương Tây thì nên chọn một tác phẩm hay và bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của người dịch” [tr.168]…
Quan trọng hơn, đối với Nguyễn Hiến Lê, thiên chức của người cầm bút là luôn hướng về người đọc, luôn đặt lợi ích của người đọc lên trên tất cả, kể cả những lợi ích về vật chất, điều đó đã trở thành mục tiêu nhất quán và bản lĩnh văn hóa trong suốt cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của ông: “Tôi biết có những đề tài viết ra, bán sẽ rất chạy, nhưng tôi nhất định không viết, vì tôi không thích (chẳng hạn đời của hạng người như Thành Cát Tư Hãn, Hitler) hoặc vì tôi thấy có hại cho độc giả (như tư tưởng của nhóm Hiện sinh ở châu Âu mà tôi cho rằng không phù hợp với dân tộc mình, xã hội mình lúc này). Trái lại, có những vấn đề tôi biết là rất ít người đọc, nhưng thấy có lợi cho kiến thức của độc giả thì tôi cũng viết như cuốn Một niềm tin” [tr.162]. Một quan điểm sáng rõ và một lập trường kiên định mang tính lịch sử - cụ thể như vậy thật đáng cho đởi sau ngưỡng vọng, không chỉ về nhân cách văn hóa mà còn là bài học thiết thực cho nhiều người, nhất là trong thời buổi văn chương thời thượng hiện nay đang ngóng vọng về các trào lưu hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức, trong đó có không ít những thứ đã lỗi thời, đã bị chính nơi sản sinh ra nó đào thải. Đáng lưu ý hơn là thái độ minh bạch của ông đối với chính quyền, bởi vì hơn ai hết ông hiểu rằng những ai từ lĩnh vực chính trị đi sang văn hóa nghệ thuật có thể thành danh (Trương Vĩnh Ký, Đào Duy Anh, Phan Khôi…), nhưng cũng không ít người đi theo chiều người lại, dễ trở thành mai một, bị con đường hư danh che khuất tài năng, với ông, ông giữ một tư thế độc lập: “Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa là đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý đến lời nói của ta… Chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh cho được tự do ngôn luận…Muốn thành công, một mặt, chúng ta phải coi chừng những kẻ muốn bịt miệng chúng ta, mặt khác, phải có thái độ đứng đắn. Chính quyền có điều đáng khen thì ta khen, chứ không nịnh; chính quyền lầm lẫn thì chúng ta thẳng thắn nhận định với những lý lẽ vô tư và vững vàng, những lời nhã nhặn và minh bạch. Chúng ta vì quốc gia mà xây dựng. Tất nhiên có những lúc ta phải tỏ nỗi bất bình – chẳng phải của riêng ta mà của quốc dân – chẳng hạn với những kẻ bán nước, hút máu mủ của dân; lúc đó giọng ta có thể gay gắt nhưng lòng ta không có chút căm thù cá nhân. Chúng ta đả một thái độ, một chính sách, chứ không đả một cá nhân” [Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, Nxb Tao đàn 1967, tr.167-168].
Cũng chính vì thế, trước năm 1975, tại các đô thị miền Nam, ông là một trong vài người cầm bút được giới trí thức quý mến về chuyên môn, về nhân cách đối với xã hội cũng như đối với học giới và cả trong công chúng độc giả rộng rải như học sinh, sinh viên, nhưng khi được chính quyền Sài Gòn trao tặng Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967), rồi giải thưởng Tuyên dương sự nghiệp văn hóa (1973), cùng với một số ngân phiếu lớn tương đương mấy chục lượng vàng, cả hai lần ông đều công khai từ chối không nhận, và khuyên nên “dùng tiền ấy để giúp đỡ nạn nhân chiến tranh”. Nhớ về ông, ta nhớ lại những bài học về quan niệm nghệ thuật, cao hơn, là sự ngưỡng vọng về một bản lĩnh và nhân cách trí thức.
PHẠM PHÚ PHONG